Vì sao người mua nhà ở xã hội bị loại khỏi đối tượng ưu tiên vay vốn?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25, về hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Dự thảo dự kiến sẽ điều chỉnh đối tượng người mua, người thuê mua nhà ở xã hội không còn nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Lý giải về điều này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguyên nhân sửa đổi là do Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Còn tại tổ chức tín dụng được chỉ định chỉ có chính sách hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Các tổ chức tín dụng được chỉ định chỉ có chính sách hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Như vậy, người dân muốn mua nhà ở xã hội chỉ còn một phương án duy nhất là tới Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn ưu đãi với lãi suất suất 4,8%/năm.

Thế nhưng, theo quy định hiện tại, người dân muốn được vay tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nhà ở xã hội bắt buộc phải gửi tiết kiệm tối thiểu 12 tháng mới đủ điều kiện.

Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến bổ sung Khoản 4 Điều 6 về mức cho vay theo hướng bổ sung mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng.

Cụ thể, dự thảo nêu: Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và Khoản 3 Điều 10 về lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trong từng thời kỳ.

Lãi suất cho vay ưu đãi quy định trên phải đảm bảo nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ; lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thấp hơn đối tượng xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.

Không đồng tình với đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, đề xuất “loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội” của NHNN không phù hợp với chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014.

Theo HoREA, trong tổng thể các chính sách về nhà ở xã hội của Nhà nước ta, chính sách cho vay tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi là quan trọng bậc nhất. Bởi, chính sách mà người thu nhập thấp cần nhất khi mua, thuê mua nhà ở xã hội là được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi trong dài hạn.

Hiệp hội nhận thấy với đề xuất của NHNN nước sẽ “tước bỏ” chính sách cốt lõi của Nhà nước là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Từ đó, tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Bên cạnh đó, HoREA còn cho rằng đề xuất này của NHNN không phù hợp với Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100 và Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 49).

Từ đó, HoREA đề nghị NHNN vẫn giữ nguyên quy định cho khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội với mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà.

Song, Hiệp hội thống nhất với NHNN về việc bổ sung quy định “tối đa không quá 500 triệu đồng” vào Khoản 4 Điều 6 Thông tư 25/2015/TT-NHNN, do nội dung này đã được quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100.

Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), trong 5 năm qua, tất cả các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã phải vay thương mại với lãi suất khoảng 9%/năm và chi phí này được tính vào giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội.

Điều này dẫn đến đơn giá nhà ở xã hội lên đến khoảng 18-20 triệu đồng/m2, tăng cao so với đơn giá 13-15 triệu đồng/m2 trong giai đoạn 2011-2015.

Ngoài các yếu tố liên quan tới quỹ đất, cơ chế chính sách chưa hợp lý, thì việc chủ đầu tư phải vay vốn lãi suất 9%/năm cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới giá nhà ở xã hội duy trì ở mức cao.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-nguoi-mua-nha-o-xa-hoi-bi-loai-khoi-doi-tuong-uu-tien-vay-von-post156300.html