Vì sao nhiều trường vẫn quyết tăng học phí giữa dịch bệnh?

Dù đã nhận được đề nghị giữ nguyên mức học phí để chia sẻ với người dân trong lúc khó khăn do dịch bệnh, nhưng nhiều trường tư thục vẫn tăng.

Một lớp học tại một cơ sở giáo dục tư thục tại quận Gò Vấp TP. HCM.

Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống của đại đa số người dân, Sở GD&ĐT TP. HCM đã có văn bản đề nghị các trường không tăng học phí nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ học, chuyển trường do không đủ điều kiện đóng học phí.

Trong văn bản gửi các trường ngoài công lập, Sở GD&ĐT TP. HCM yêu cầu thực hiện ổn định mức thu học phí và khoản thu khác trong năm học 2021 - 2022. "Đây là lúc cần thiết có sự đồng hành, chia sẻ của các đơn vị giáo dục ngoài công lập đối với phụ huynh gặp khó khăn trong điều kiện dịch bệnh đang diễn ra chưa có tiền lệ thời gian qua. Không để phát sinh tranh chấp, khiếu nại làm ảnh hưởng môi trường giáo dục" - văn bản của Sở GD&ĐT TP. HCM nêu rõ.

Các trường công lập tại TP. HCM cũng được Sở GD&ĐT TP. HCM đề xuất với UBND TP. HCM không tăng học phí năm học mới, riêng bậc tiểu học được miễn học phí 100%.

Theo đó, mức học phí các trường công lập áp dụng trong năm học 2021 - 2022 ở TP. HCM vẫn giữ nguyên mức học phí của năm học 2020 - 2021. Để có mức phí phù hợp, TP. HCM chia theo nhóm, nhóm 1 gồm các quận nội thành: quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân) và nhóm 2 là các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.

Trong khi các trường công lập căn cứ tình hình diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn giữ nguyên mức thu học phí, cũng như các khoản thu khác. Thì trong hệ thống giáo dục ngoài công lập, nhiều trường vẫn rục rịch tăng theo lộ trình.

Qua tìm hiểu, nhiều trường tư thục trên địa bàn TP. HCM đã bắt đầu công bố mức học phí mới dự kiến sẽ áp dụng cho năm học 2021 - 2022. Hầu hết các trường đều điều chỉnh tăng, mặc dù mức tăng có thấp hơn so với lộ trình tăng học phí theo kế hoạch mà các trường đưa ra từ đầu nhưng cũng xấp xỉ 5% - 15%.

Theo ghi nhận, trường có điều chỉnh mức tăng học phí từ 10% - 15% có Trường Quốc tế Á Châu, Trường Quốc tế Việt Úc, Trường Quốc tế Mỹ (TAS), Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS), Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn, Trường Tuệ Đức… Còn lại, các trường cũng tăng học phí 5%.

Nhiều phụ huynh băn khoăn, vì sao nhiều trường vẫn quyết tăng học phí dù đã nhận được đề nghị của Sở GD&ĐT TP. HCM giữ nguyên mức học phí để chia sẻ với người dân trong lúc khó khăn do dịch bệnh?

Trả lời câu hỏi này, đại diện Ban giám hiệu một trường tư thục tại quận Tân Phú cho rằng, không thể giữ nguyên mức học phí khi chi phí vẫn tăng theo đúng lộ trình. Đơn cử như tiền thuê mặt bằng tăng định kỳ từng năm, lương giáo viên cũng phải tăng theo năm…tất cả đều phải thực hiện theo hợp đồng đã ký kết, không thay đổi được.

Vị đại diện trường này cho rằng, giữ nguyên mức học phí không chỉ là mong muốn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP. HCM mà bản thân nhà trường cũng cố làm hết khả năng để chia sẻ với phụ huynh trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Nhưng dù cắt giảm thế nào, trường cũng phải tăng 5% để trường đủ kinh phí duy trì hoạt động.

Một Phó hiệu trưởng của một trường quốc tế tại quận 7 - TP. HCM cho rằng, khi cả xã hội đang khó khăn vì dịch bệnh thì việc tăng học phí là vấn đề mà hầu hết các trường phải cân đo đong đếm rất nhiều. Tuy nhiên sau khi xem xét, muốn giữ nguyên mức học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong bối cảnh hiện nay thì các trường cũng cần có các chính sách hỗ trợ. Vì xét cho cùng, các trường tư thục hiện nay cũng là một doanh nghiệp, phải đóng thuế, chi phí mặt bằng, áp lực cải thiện cơ sở vật chất để thu hút học sinh, tăng lương để giữ chân giáo viên…

Thanh Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-nhieu-truong-van-quyet-tang-hoc-phi-giua-dich-benh-post148409.html