Vì sao ra đề thi khó như 'lên trời'?
Chưa năm nào sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, câu chuyện ra đề thi được bàn tán nhiều như năm nay. Nhiều người cho rằng, đề thi môn tiếng Anh khó đến mức ngay cả người bản xứ cũng 'sốc', đề thi môn Toán khó như cho học sinh giỏi.
“Ai cũng biết chỉ Bộ không biết”
Mấy ngày nay, độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn tiếng Anh, môn Toán thành đề tài nóng của toàn xã hội. Trên diễn đàn mạng xã hội, các giáo sư, tiến sĩ Toán học luận bàn về đề thi Toán năm nay.
TS Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) chia sẻ, độ khó đề môn Toán năm nay thể hiện ở khả năng tư duy, lập luận, đọc hiểu, hiểu bản chất toán học, mô hình hóa toán học. Một số câu hỏi hơi lạm dụng vấn đề này trong khi nên đi thẳng vào toán học. Việc này khiến thí sinh tốn khá nhiều công sức để hiểu vấn đề.
Vì vậy thí sinh cho rằng đề thi khó, nhưng khó là vì dài, chứ không phải khó vì kiến thức. Nhiều câu hỏi đưa bối cảnh cần được tiết chế.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
TS Trần Nam Dũng cũng cho rằng, đối với những câu hỏi thực tế, nội dung “thực tế” đúng nghĩa rất ít, chủ yếu là vỏ bọc. Cụ thể như bài toán tổ hợp là một thực tế lạ lùng, dù về mặt tư duy khá tốt để phát triển năng lực mô hình hóa toán học.
GS.TS Phùng Hồ Hải, nguyên Viện trưởng Toán học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thông tin, năm 2017, khi ông tham gia soạn chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Toán trong hoàn cảnh Bộ GD&ĐT vừa triển khai mô hình thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia (mà kết quả của nó dùng đề xét tuyển vào đại học).
“Ý kiến của chúng tôi là chương trình có tốt đến đâu thì cũng vô nghĩa nếu khâu đánh giá không được thực hiện tốt”, ông Hải nói. Ông Hải nêu một số yêu cầu cần đạt trong chương trình môn Toán, như về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung; về năng lực đặc thù.
Ông cho biết, một mặt vẫn phản đối việc tổ chức hình thức thi trắc nghiệm (kể cả hình thức “trả lời ngắn” mà bản chất chỉ là điền đáp số) cho một kỳ thi mà kết quả của nó có thể dùng để xét tuyển đại học. Bởi vì cách thi đó không thể đánh giá khách quan và toàn diện năng lực tư duy và lập luận toán học của học sinh- một trong năm năng lực đặc thù của môn Toán được xác định trong chương trình 2018. Điều này khiến cho công tác bồi dưỡng năng lực này trở nên méo mó, ảnh hưởng tới chất lượng sinh viên các trường đại học - một điều đã được khẳng định ở dạng “ai cũng biết chỉ Bộ không biết”.
Mặt khác ông cho rằng, trong hoàn cảnh đề thi vẫn phải làm những nhiệm vụ đang có, (thì) đề thi THPT 2025 có nhiều tiến bộ đáng khen ngợi, nó góp phần khiến kỳ thi “trở nên có ích hơn” đối với mỗi học sinh - đây là điều mà ông trăn trở từ hàng chục năm qua.
Ông Hải đưa ra góp ý đối với Ban đề thi của Bộ GD&ĐT rằng, không nên khiên cưỡng việc phát triển một bài toán thuần túy toán học dưới ngôn ngữ “thực tế” - đó không phải là cách giúp học sinh phát triển năng lực “mô hình hóa toán học”. Các bài toán về mô hình hóa toán học cần xuất phát từ những câu hỏi, vấn đề cụ thể cần giải quyết trong thực tế.
Phải người bản xứ mới hiểu nổi
Chia sẻ với phóng viên, cô N.T.Dung, giáo viên luyện thi tiếng Anh tại Hà Nội khẳng định đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm nay khác nhiều so với chương trình 2006. Cụ thể, nặng về từ vựng, có khoảng 25 câu thiên hẳn về từ vựng. Đặc biệt bài đọc yêu cầu điền cụm từ, từ vựng rất khó và mức độ phức tạp của mỗi câu rất cao.
Theo cô Dung, những thí sinh luyện thi SAT, IELTS quen với việc này, còn trong chương trình học tại trường, nếu học sinh không tự học, sẽ bị choáng ngợp. Có nhiều từ nếu thí sinh chỉ dịch nghĩa sẽ không thể làm được. Ví dụ từ greenwashing (đánh bóng hình ảnh môi trường một cách giả tạo, hay còn dịch là “tẩy xanh”). Đây là thuật ngữ chuyên ngành môi trường nên những thí sinh không quan tâm lĩnh vực này sẽ khó hiểu, dù vẫn có thể đoán nghĩa dựa vào ngữ cảnh.
Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên năm thứ 3 ngành ngôn ngữ Anh tại một trường ĐH ở Hà Nội chia sẻ, sinh viên trình độ B2, C1 (khung tham chiếu châu Âu, tương đương 5.5 - 6.5 IELTS và 7.0 - 8.0 IELTS) làm bài thi năm nay cũng hụt hơi. Trong 50 phút phải xử lí 40 câu với độ dài và độ phức tạp thế này là thử thách không nhỏ, kể cả với những học sinh có nền tảng tiếng Anh tốt hay từng đạt điểm cao ở các chứng chỉ quốc tế.
Trên fanpage có tên Hanoi Expats, từ ngày 29/6 có một chủ đề: “Kỳ thi tốt nghiệp tiếng Anh ở Việt Nam hiện đang gây tranh cãi rất nhiều. Nếu bạn là người nói tiếng Anh bản xứ, hãy thử làm bài thi và quay video suy nghĩ của bạn”, đã nhận được rất nhiều phản hồi. Trong đó, có người viết: “Tôi có thể cho chọn đáp án đúng, nhưng tôi không thể giải thích vì sao lại thế. Cơ bản, bạn cần phải là người bản xứ để hiểu đúng những câu hỏi này. Rất khó”.
Nhiều ý kiến khác cũng khẳng định nếu không phải người bản xứ dùng tiếng Anh, khó có thể hoàn thành được bài thi năm nay.
Nhận định chung của các giáo viên tiếng Anh, phổ điểm tập trung ở mức điểm trung bình.
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban đề thi, Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi tốt nghiệp năm nay xây dựng không theo quy trình ngân hàng (mà xây dựng thư viện đề thi). Năm nay, có sự khác biệt lớn so với công tác làm đề thi năm trước: Ngẫu nhiên trong quá trình làm đề; năm trước, ma trận đề thi được công bố trước cho thí sinh.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-ra-de-thi-kho-nhu-len-troi-post1756575.tpo