Vì sao Sri Lanka bỏ qua 'liều thuốc đắng' của IMF?

Sau khi từ chối gói cứu trợ của IMF, Sri Lanka tìm đến giải pháp thay thế hấp dẫn hơn từ Trung Quốc, chủ nợ lớn của nhiều nước đang phát triển.

 Sri Lanka rơi vào cảnh hỗn loạn sau khi tổng thống tháo chạy. Ảnh: Reuters.

Sri Lanka rơi vào cảnh hỗn loạn sau khi tổng thống tháo chạy. Ảnh: Reuters.

Khi dự trữ ngoại hối của Sri Lanka bắt đầu cạn kiệt dưới một núi nợ trong thời kỳ đầu đại dịch Covid-19, một số quan chức khi đó cho rằng đã đến lúc kêu gọi gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - động thái thường đi kèm các biện pháp thắt lưng buộc bụng đầy khó khăn.

Tuy nhiên, Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka, đã đưa ra một giải pháp thay thế hấp dẫn hơn: Bỏ qua “liều thuốc đắng” của IMF và tiếp tục vay thêm nợ mới để trả nợ cũ. Các quan chức Sri Lanka đã đồng ý với đề xuất này và trông chờ ngân hàng Trung Quốc rót thêm 3 tỷ USD vào năm 2020 và 2021, theo Wall Street Journal.

Giờ đây, kế hoạch này thất bại nặng nề. Sri Lanka rơi vào hỗn loạn. Trong bối cảnh nợ nần chồng chất và lạm phát cao ngất ngưởng, nước này cạn kiệt USD để nhập khẩu hàng hóa cơ bản, buộc người dân chờ hàng giờ để mua nhiên liệu và khiến các thành phố lớn tranh giành nhau để có nguồn cung điện.

Phép thử từ Trung Quốc

Vào tháng 4, Sri Lanka cuối cùng quyết định nộp đơn xin cứu trợ từ IMF. Nền kinh tế nước này đang dần tiến tới một trong những cuộc suy thoái sâu nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948, châm ngòi một cuộc nổi dậy rộng rãi khiến tổng thống phải tháo chạy.

“Thay vì tận dụng nguồn dự trữ (ngoại tệ) hạn hẹp và cơ cấu lại khoản nợ trước đó, chúng tôi tiếp tục thanh toán nợ cho đến khi cạn kiệt tất cả khoản dự trữ”, ông Ali Sabry, bộ trưởng Tài chính Sri Lanka trong tháng 4-5, cho biết. "Nếu thực tế, chúng tôi nên tìm đến (IMF) ngay từ 12 tháng trước".

Với khoản nợ nước ngoài khoảng 35 tỷ USD, Sri Lanka là chính phủ đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vỡ nợ kể từ trường hợp của Pakistan vào năm 1999.

 Người dân biểu tình bên trong văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, ở Colombo, vào ngày 13/7. Ảnh: Reuters.

Người dân biểu tình bên trong văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, ở Colombo, vào ngày 13/7. Ảnh: Reuters.

Các cuộc đàm phán của Sri Lanka với IMF sẽ thách thức mức độ sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc giúp giải quyết một cuộc khủng hoảng nợ chính phủ ở các nước đang phát triển, mà nhiều chuyên gia cho rằng một phần xuất phát từ chính sách cho vay của Trung Quốc.

Trong hơn 60 năm, hoạt động tái cơ cấu nợ chính phủ được điều phối bởi Paris Club - hiệp hội không chính thức của 22 quốc gia là chủ nợ lớn - chủ yếu gồm các nước phương Tây và một số nước châu Á. Hiệp hội này thường làm việc song song với IMF và đã ký 433 thỏa thuận với 90 quốc gia nhằm tái cơ cấu hơn 583 tỷ USD nợ chính phủ kể từ khi thành lập vào năm 1956. Thông thường, các đợt tái cơ cấu nợ gây đau đớn cho cả nước đi vay và chủ nợ.

Song Trung Quốc không phải thành viên của Paris Club, một phần vì nước này không phải một chủ nợ lớn cho đến giữa những năm 2000.

Thời gian gần đây, Trung Quốc tích cực cho vay để hỗ trợ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Bắc Kinh có nhiều khoản vay đối với các nước thu nhập thấp hơn tất cả thành viên của Paris Club cộng lại.

“Lý do chính khiến Trung Quốc khó có thể trở thành thành viên chính thức của Paris Club là về mặt địa chính trị: (Nếu vào hiệp hội) nước này sẽ phải là một người tuân theo quy tắc, nhưng họ thích trở thành người lập ra quy tắc hơn”, ông Lex Rieffel, thành viên Trung tâm tư vấn Stimson, ở Washington, cho biết.

Trung Quốc thường áp dụng cách tiếp cận không chính thống để tái cơ cấu nợ, trái với các nước phương Tây. Những quốc gia này cho rằng khoản nợ của các nước đi vay đang gặp khó khăn nên được giảm xuống mức bền vững, dựa trên nguồn thu hiện có và dự báo của chính phủ. Ngược lại, Bắc Kinh thường tranh giành từng USD mà người vay đã cam kết ban đầu, đồng ý kéo dài thời hạn hoàn trả nhưng vẫn giữ nguyên số tiền gốc.

Bắc Kinh cũng không tiết lộ công khai các điều khoản cho vay đối các dự án cơ sở hạ tầng rộng khắp ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin.

Vòng luẩn quẩn

Sri Lanka nằm dọc theo các tuyến đường vận chuyển quan trọng và từ lâu đã trở thành tâm điểm cạnh tranh của nhiều cường quốc. Song chính quyền nước này nhận thấy việc khai thác tiền của Trung Quốc dễ dàng hơn cả.

Điều này càng quan trọng hơn sau năm 1997, khi Ngân hàng Thế giới tước bỏ quyền tiếp cận các khoản hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho quốc gia có thu nhập thấp đối với Sri Lanka.

Ông Mahinda Rajapaksa, cựu tổng thống Sri Lanka giai đoạn 2005-2015 và là anh trai của nhà lãnh đạo vừa tháo chạy khỏi đất nước, đã cố gắng sử dụng các dự án cơ sở hạ tầng để khôi phục nền kinh tế sau cuộc nội chiến với lực lượng dân tộc thiểu số Tamil ở miền Bắc, vào năm 2009.

Trọng tâm trong tầm nhìn của ông là biến thành phố ven biển phía nam Hambantota, quê hương của gia tộc Rajapaksa, từ một vùng nước đọng thành một thành phố cảng thịnh vượng, cạnh tranh với thủ đô Colombo.

“Người dân đất nước chúng ta đang chờ đợi chiến thắng trong 'cuộc chiến kinh tế', tương tự thắng lợi của chúng ta trong cuộc chiến chống khủng bố", ông nói trong bài phát biểu tranh cử tổng thống năm 2010. Để tài trợ cho cuộc chiến đó, ông đã tìm đến Trung Quốc.

 Những người biểu tình ăn mừng sau khi tiến vào văn phòng Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, hôm 13/7. Ảnh: Reuters.

Những người biểu tình ăn mừng sau khi tiến vào văn phòng Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, hôm 13/7. Ảnh: Reuters.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay hàng tỷ USD để thực hiện một loạt dự án, bao gồm xây dựng đường sá, nhà máy điện, mở rộng đường sắt, cảng, sân bay quốc tế và sân vận động cricket. Song nhiều dự án trong số đó không thành công như mong đợi.

Kể từ khi được xây dựng cho World Cup Cricket 2011, sân vận động cricket của nước này chỉ tổ chức một vài sự kiện quốc tế. Sân bay có quy mô đáp ứng một triệu du khách quốc tế cũng đang hoạt động thua lỗ. Vào tháng 4 và tháng 5, sân bay này không tiếp nhận chuyến bay thương mại nào.

Cảng nước sâu ở Hambatota cũng không tạo ra đủ doanh thu để trả nợ, buộc chính phủ cho một công ty nhà nước Trung Quốc thuê trong 99 năm. Một số chuyên gia ở Sri Lanka gọi đây là “bẫy nợ” - cho vay để khiến nước này phụ thuộc vào Bắc Kinh.

“Vấn đề là chúng tôi chưa thấy bất kỳ lợi ích nào từ các cơ sở hạ tầng này”, Akila Lakruwan, một người bán lẻ 20 tuổi ở Hambantota, cho biết. Trong những tháng gần đây, cửa hàng của anh chỉ có khoảng 10% lượng khách so với thông thường, do người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng vì khủng hoảng kinh tế.

“(Họ) hứa hẹn rằng mọi thanh niên đều sẽ có việc làm. Chúng tôi đã kỳ vọng những dự án này sẽ mang lại điều đó, nhưng nó không bao giờ xảy ra”, anh nói.

Khi chi phí lãi vay tăng lên và chính phủ tiếp tục thâm hụt ngân sách, Sri Lanka phải phát hành trái phiếu quốc tế để trả cho khoản vay lãi suất cao, chủ yếu bằng USD, từ Trung Quốc.

“Điều đó giống như một vòng luẩn quẩn”, ông Kabir Hashim, cựu Bộ trưởng Đầu tư và hiện là chính trị gia đảng đối lập, cho biết.

Giờ đây, Sri Lanka phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Trước tình hình này, Bắc Kinh cho biết có kế hoạch hợp tác với các tổ chức tài chính đa phương để tiếp tục giải quyết khó khăn hiện tại của Sri Lanka, thông qua giảm bớt gánh nặng nợ và thúc đẩy phát triển bền vững.

Cơ quan này cũng nói thêm rằng sự hợp tác của Trung Quốc với Sri Lanka xuất phát từ kế hoạch khoa học và phân tích chi tiết, không bao giờ có thêm điều kiện chính trị.

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo Sri Lanka vẫn còn nuối tiếc những ngày dễ dàng vay tiền từ Bắc Kinh.

“Người Trung Quốc giàu có và họ sẵn sàng cho vay bất cứ lúc nào - đó là sự khác biệt rõ rệt so với (những nước khác). Câu hỏi là bạn thương lượng với họ ra sao”, cựu Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ravi Karunanayake cho biết.

100 ngày biểu tình rung chuyển Sri Lanka Từ các cuộc biểu tình đầu tháng 4, phong trào phản đối ở Sri Lanka dần lớn mạnh và đã buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Mũi nhọn đang được chĩa vào quyền tổng thống.

Hải Linh

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-sri-lanka-bo-qua-lieu-thuoc-dang-cua-imf-post1335608.html