Vì sao Triều Tiên lại phóng tên lửa?

Sáng sớm 25-7, Triều Tiên lại bất ngờ phóng 2 tên lửa tầm ngắn xuống biển. Động thái này diễn ra sau khi Bình Nhưỡng đưa ra những lời cảnh báo về các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ diễn ra vào tháng tới.Giới phân tích cho rằng, đây là phản ứng của Triều Tiên nhằm gia tăng sức ép đàm phán với Mỹ.

Hai tên lửa được Triều Tiên phóng từ bờ biển phía Đông TP Wonsan trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản. Tokyo cho biết các tên lửa của Triều Tiên không chạm đến vùng biển của nước này, còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya gọi động thái này của Triều Tiên là “cực kỳ đáng tiếc.” Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết: “Quân đội của chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình trong trường hợp xuất hiện thêm các vụ phóng mới và duy trì tư thế sẵn sàng”. Ông Choi Hyun-soo, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nói: “Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên dừng ngay các hành động vốn không thể giúp giảm bớt căng thẳng quân sự”.

Chiến thuật gây sức ép

Các chuyên gia cho rằng vụ phóng tên lửa ngày 25-7 là một chiến thuật đàm phán kinh điển của Triều Tiên khi đối phó với Washington - một cách để gây áp lực buộc chính quyền Mỹ đưa ra các đề xuất sát hơn với yêu cầu của Triều Tiên. Bình Nhưỡng thỉnh thoảng đã thúc giục Seoul và Washington tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán hoặc một cách thức để tối đa hóa lợi ích từ bất kỳ cuộc đàm phán nào. Giáo sư Kim Yong-hyun, một nhà nghiên cứu Triều Tiên tại ĐH Dongguk, bình luận: "Đó là một trong những cách phản đối cường độ thấp của Bình Nhưỡng nhằm kêu gọi Washington hạ thấp các rào cản, để giảm bớt đòi hỏi trong các cuộc đàm phán hạt nhân nếu Mỹ muốn tiến hành các cuộc đàm phán cấp chuyên viên".

Trong khi đó, Phó Giáo sư khoa học chính trị Vipin Narang cho rằng vụ phóng có thể là phản ứng của Triều Tiên trước thông báo ngày 20-7 rằng Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung theo kế hoạch vào tháng tới, bất chấp việc Bình Nhưỡng cảnh báo rằng việc làm này sẽ vi phạm thỏa thuận của Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã gọi các cuộc tập trận này là “diễn tập chiến tranh" trong một tuyên bố hồi tuần trước trên hãng thông tấn KCNA. Tuyên bố cũng cảnh báo rằng Triều Tiên có thể xem xét lại quyết định ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nếu cuộc tập trận Mỹ-Hàn được tiến hành.

Ông Narang cho rằng vụ phóng mới nhất "không khiêu khích hơn trước" so với các vụ thử tương tự mà Bình Nhưỡng đã tiến hành hồi tháng 5 vừa qua, nhưng đây “vẫn là hành động ăn miếng trả miếng." Theo chuyên gia này, nếu các cuộc tập trận vẫn tiếp tục thì “mọi thỏa thuận trước kia coi như đổ vỡ," Triều Tiên “đang báo hiệu rằng đây là một phản ứng…”

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh tư liệu

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh tư liệu

Dấu hiệu thể hiện thất vọng

Nhà báo Rob McBride của tờ Al Jazeera nhận định rằng, vụ phóng tên lửa lần này cũng được coi là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của Triều Tiên trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ, chủ yếu là với phía Mỹ. Ông nói: "Đó cũng là cách Triều Tiên thể hiện sự bất mãn trước việc các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận quân sự vào tháng tới. Những cuộc tập trận này đã được thu nhỏ lại nhưng chúng vẫn diễn ra và Triều Tiên không hài lòng về điều đó." Ông cho biết thêm rằng: “Có một cảm giác thất vọng từ quan điểm của Triều Tiên. Họ coi ông Donald Trump là hy vọng tốt nhất để nhận được sự giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, và đây là một cách nhắc nhở thế giới và Mỹ rằng họ vẫn là một thế lực được vũ trang hạt nhân, họ vẫn còn những công việc dang dở và họ muốn quay lại bàn đàm phán.”

Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6-2018, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thông qua một tuyên bố mơ hồ về "phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên" và đồng ý "thiết lập quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên". Tuy nhiên, việc không đạt được thỏa thuận giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và những gì Triều Tiên sẵn sàng đáp trả, đã dẫn đến việc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội không đạt được kết quả. Căng thẳng tiếp tục gia tăng vào tháng 5, thời điểm các cuộc đàm phán giữa ông Trump và ông Kim Jong-un lâm vào bế tắc và khi Triều Tiên lần đầu tiên bắn tên lửa tầm ngắn kể từ tháng 11-2017.

Đầu tháng 7 này, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết mô hình "đơn phương từ bỏ các cam kết của Washington" bằng cách tổ chức các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc đang khiến Bình Nhưỡng phải xem xét lại các cam kết của chính mình về việc ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Sejong, phân tích: "Ngay sau khi tiết lộ một tàu ngầm mới được chế tạo trong một phản ứng rõ ràng trước cuộc tập trận quân sự chung do Hàn-Mỹ lên kế hoạch, Triều Tiên đã bắn hai tên lửa tầm ngắn như một phần trong nỗ lực nâng cao tinh thần của người dân và quân đội trước ngày 27-7", ngày mà hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) được ký kết. Chuyên gia này nói thêm: "Đáng chú ý là tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đã đăng các bài viết về Chiến tranh Triều Tiên trên nhiều trang của báo này ngày 25-7. Với tất cả những điều đó, cùng với các vụ phóng tên lửa ... chúng ta có thể dự đoán rằng sẽ có ít nhất một vài lần nữa Triều Tiên thực hiện hành động quân sự dữ dội trong những ngày tới."

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tất cả những động thái này không có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ quay lưng lại với đối thoại. Yang Moo-jin, Giáo sư tại ĐH Nghiên cứu Triều Tiên, lưu ý rằng mặc dù ông Kim Jong-un ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp với ông Trump, song nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ khó từ chối các cuộc đàm phán ở cấp chuyên viên vì ông đã công khai đồng ý tiến hành chúng.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-trieu-tien-lai-phong-ten-lua-156686.html