Vì sao Ukraine khó phá lớp 'lá chắn thép' S-400 của Nga?

Dù Ukraine liên tiếp phá hủy radar và bệ phóng S-400, Nga vẫn duy trì kho tên lửa phòng không khổng lồ nhờ năng lực sản xuất vượt trội NATO.

Ukraine tung đòn vào "xương sống phòng không" Nga

Từ cuối năm 2023 đến nay, Ukraine liên tục tập trung hỏa lực nhằm vào các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf - vũ khí được coi là “xương sống” trong lưới phòng không nhiều lớp của Nga. Bằng các đòn tập kích chính xác, sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp, Kiev đã gây thiệt hại đáng kể cho một số trận địa S-400 nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Một trong những cuộc tấn công đáng chú ý nhất diễn ra ngày 23/11/2023, khi hai bệ phóng S-400 tại tỉnh Kursk bị phá hủy. Chỉ hai tháng sau, một radar cảnh giới 92N6 cũng bị phá hủy gần Belgorod, cho thấy Ukraine đang nhắm đến các thành phần then chốt trong chuỗi cảm biến - chỉ huy - hỏa lực của tổ hợp.

Gần đây nhất, một cuộc không kích khác vào Crimea đã phá hủy hàng loạt khí tài quý giá gồm hai radar điều khiển hỏa lực đa chức năng 92N2E, hai radar cảnh giới tầm xa 91N6E và một bệ phóng. Những video được Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine công bố cho thấy mức độ thiệt hại là không thể phủ nhận.

Đáng chú ý, những chiến dịch này không thể thực hiện nếu thiếu sự hậu thuẫn từ Mỹ và phương Tây. Kiev hiện được hỗ trợ dữ liệu vệ tinh quân sự, trinh sát điện tử từ máy bay Mỹ bay quanh không phận Ba Lan và Biển Đen, cùng sự tham gia trực tiếp của các cố vấn NATO.

Bệ phóng 5P85SM2-01 của hệ thống phòng không S-400 của Nga bị phá hủy, tháng 1 năm 2023. Ảnh Militarnyi

Bệ phóng 5P85SM2-01 của hệ thống phòng không S-400 của Nga bị phá hủy, tháng 1 năm 2023. Ảnh Militarnyi

S-400 không thể bị “xóa sổ”

Bất chấp chuỗi đòn tấn công ấn tượng, thực tế cho thấy Ukraine khó có khả năng khiến lực lượng phòng không Nga sụp đổ. Có ba nguyên nhân chính: hiệu quả gây nhiễu của hệ thống chiến tranh điện tử Nga khiến nhiều vũ khí dẫn đường như ATACMS mất chính xác; phương Tây đang dần cạn kho tên lửa dự trữ do năng lực sản xuất hạn chế và quan trọng nhất là Nga có thể sản xuất S-400 với quy mô cực lớn, vượt xa bất kỳ nước nào, kể cả Mỹ.

Ngay từ năm 2000, Tổng thống Putin đã phê duyệt chương trình phục hồi toàn diện ngành công nghiệp tên lửa Nga sau thập kỷ 1990 suy thoái. Ba nhà máy trọng điểm đã được xây dựng và hiện đại hóa sâu rộng: chi nhánh mới của Nhà máy Obukhov ở St. Petersburg, Nhà máy Avitek ở Kirov và Nhà máy NMP tại Nizhniy Novgorod. Đến giữa những năm 2010, toàn bộ mạng lưới công nghiệp phục vụ S-400 đã được vận hành với quy mô đủ để sản xuất nhiều trung đoàn phòng không mỗi năm.

Trong chuyến thăm Nhà máy Obukhov đầu năm 2023, ông Putin tuyên bố: “Chúng tôi sản xuất tên lửa phòng không gấp ba lần Mỹ và tương đương toàn thế giới cộng lại. Sản lượng của Nga vượt xa toàn bộ khối NATO”. Dù con số này bị phương Tây nghi ngờ, giới chuyên gia quốc phòng thừa nhận rằng riêng Nga hiện đang sản xuất tên lửa phòng không với quy mô vượt xa bất kỳ quốc gia NATO nào. Trong khi đó, sản lượng tại Trung Quốc và Triều Tiên là ẩn số - nhưng không hề ảnh hưởng tới tính toán của Moskva.

Ưu thế mà Ukraine không thể bù đắp

Không giống như các hệ thống phức tạp của phương Tây phải mất hàng năm để chế tạo, S-400 được thiết kế tối ưu cho sản xuất công nghiệp lớn. Từ radar, bệ phóng đến đạn tên lửa 48N6 hay 40N6 đều có dây chuyền sản xuất độc lập và hoàn chỉnh. Một trung đoàn S-400 có thể được sản xuất trọn vẹn trong vòng chưa đầy một năm, trong khi NATO phải mất gấp đôi thời gian chỉ để bàn giao vài khẩu Patriot.

Không dừng ở sản xuất nội địa, Moskva còn tiếp tục xuất khẩu S-400 cho Ấn Độ, Belarus và đang tìm kiếm thêm khách hàng ở châu Phi, Trung Đông. Điều này chứng minh rằng ngay cả khi phải duy trì hoạt động chiến đấu cường độ cao ở Ukraine, Nga vẫn không thiếu nguồn lực để duy trì xuất khẩu - một dấu hiệu cho thấy rõ ràng rằng kho đạn không hề cạn kiệt.

Bên cạnh đó, trong khi Ukraine chỉ có thể dựa vào sự viện trợ từ Mỹ và châu Âu - vốn chịu giới hạn về ngân sách, chính trị và tốc độ sản xuất thì Nga tự chủ hoàn toàn trong chuỗi cung ứng của mình. Năng lực phục hồi và tái sản xuất của Nga không phải là điều dễ bị bóp nghẹt bằng các đòn đánh chính xác vào vài vị trí trận địa.

Tên lửa S-400. Ảnh News Live

Tên lửa S-400. Ảnh News Live

S-400 vẫn là “lá chắn thép”

Dù chịu thiệt hại trước các đòn tấn công của Ukraine, S-400 vẫn giữ vai trò then chốt trong chiến lược phòng không tầng sâu của Nga. Với tầm bắn tối đa lên đến 400 km (với đạn 40N6), tốc độ đánh chặn mục tiêu khí động vượt Mach 14, khả năng theo dõi đồng thời 300 mục tiêu và xử lý tên lửa đạn đạo ở cự ly trung bình, S-400 là vũ khí mà ngay cả Mỹ cũng phải dè chừng.

Hiện tại, các tổ hợp S-400 vẫn được triển khai tại nhiều khu vực trọng yếu từ Crimea, Donetsk, Belgorod đến cả vùng Viễn Đông, bảo vệ các căn cứ chiến lược, thành phố lớn và cơ sở hạt nhân. Tổn thất có thể xảy ra, nhưng toàn bộ hệ thống sẽ không thể bị làm suy kiệt khi nền công nghiệp tên lửa Nga vẫn duy trì nhịp độ sản xuất và cải tiến đều đặn.

Đó cũng là lý do khiến các chuyên gia phương Tây thừa nhận rằng, dù Kiev có tiếp tục phá hủy vài radar hay bệ phóng, khả năng làm Nga mất thế thượng phong trên bầu trời là điều rất khó xảy ra trong tương lai gần.

Lê Hưng (Military Watch)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-ukraine-kho-pha-lop-la-chan-thep-s-400-cua-nga-ar952227.html