Vị trí Trung Quốc xây đập thủy điện lớn nhất thế giới có gì đặc biệt?
Đập thủy điện lớn nhất thế giới mà Trung Quốc đã chính thức khởi công xây dựng nằm tại huyện Mê Đột thuộc cao nguyên Tây Tạng, nơi hẻo lánh nhưng mang ý nghĩa địa chiến lược quan trọng do nằm sát đường biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

Dự án xây đập thủy điện lớn nhất thế giới đã được Trung Quốc chính thức khởi công vào tháng này. Ảnh: Getty Images.
Mê Đột (hay Motuo theo cách gọi của Trung Quốc) là huyện biên giới nằm ở đông nam Khu tự trị Tây Tạng, thuộc vùng chân núi Himalaya. Đập thủy điện mới mà Trung Quốc gần đây chính thức khởi công, được đặt tại khu vực này, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP).
Đập mới sẽ khai thác nguồn thủy điện khổng lồ trên sông Yarlung Tsangpo tại đoạn uốn khúc hiểm trở gọi là "Khúc quanh lớn" – nơi dòng sông đột ngột rẽ hình móng ngựa rồi đổ xuống độ cao hơn 2.000m trong phạm vi 50km. Khi chảy sang Ấn Độ, con sông này được gọi là Brahmaputra, sau đó tiếp tục chảy qua Bangladesh ra biển.
Mê Đột từng bị cô lập gần như quanh năm do địa hình núi non hiểm trở. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng hàng loạt tuyến đường, hầm và đường sắt để kết nối khu vực này với phần còn lại của Tây Tạng.
Ngoài tiềm năng thủy điện, vùng đất này còn được chính quyền trung ương ở Bắc Kinh đẩy mạnh phát triển thành địa điểm du lịch, nhờ sự đa dạng sinh thái và vẻ đẹp hoang sơ.

Vị trí Trung Quốc xây đập thủy điện mới trên sông Yarlung Tsangpo. Ảnh: SCMP.
Theo SCMP, vị trí xây đập thủy điện còn nằm ngay phía bắc Đường kiểm soát thực tế (LAC) – ranh giới chưa được phân định giữa hai nước. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với vùng Arunachal Pradesh do Ấn Độ kiểm soát, coi đây là một phần thuộc "Nam Tây Tạng".
Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh các dự án hạ tầng khác trong khu vực, bao gồm việc xây mới và mở rộng hàng trăm ngôi làng – động thái mà một số chuyên gia nhận định nhằm tăng cường hiện diện và thay đổi cán cân địa chính trị, nơi mà Ấn Độ từng có ưu thế quân sự.
Theo kế hoạch phát triển huyện Mê Đột giai đoạn 2021–2035, Trung Quốc hướng đến việc hình thành một "cụm năng lượng sạch" và trung tâm thủy điện quy mô lớn. Trên thực tế, ý tưởng về việc khai thác sông Yarlung Tsangpo đã được nhắc đến từ năm 2003, khi con sông được xếp vào nhóm "dự án chiến lược dài hạn".
Đến năm 2014, các khảo sát thực địa chính thức bắt đầu tại khu vực Khúc quanh lớn. Sau nhiều năm chuẩn bị, chính phủ Trung Quốc phê duyệt kế hoạch xây dựng vào tháng 12/2024 và công trình được khởi công trong tháng này.
Theo Tân Hoa Xã, tổng mức đầu tư của dự án lên tới 1.200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 167 tỷ USD). Sau khi hoàn thành, nhà máy thủy điện này có thể sản xuất tới 300 tỷ kilowatt-giờ điện mỗi năm – gấp 3 lần công suất đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. Tam Hiệp hiện là đập lớn nhất thế giới hiện nay với công suất 22.500MW.