Viêm gan B cấp nguy hiểm đến mức nào?

Gan đóng vai trò lọc máu, thải độc, xử lý và lưu trữ dưỡng chất… Khi bị viêm gan B cấp, chức năng gan có thể bị giảm.

Viêm gan B cấp tính thường không gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe gan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, nó có thể gây suy gan tối cấp, nguy cơ tử vong cao, nhất là ở người lớn tuổi, nhiều bệnh nền.

Ngoài ra, viêm gan B cấp còn có thể tiến triển thành viêm gan B mạn tính, đe dọa sức khỏe và tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

 Viêm gan B cấp nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: BVĐKTA

Viêm gan B cấp nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: BVĐKTA

Biến chứng viêm gan B cấp tính

Viêm gan B nếu không được can thiệp y tế sớm có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.

Suy gan cấp: Khoảng 0,1 – 0,5% người bị viêm gan cấp có thể phát triển thành suy gan tối cấp. Đây là biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh.

Viêm gan B mạn tính: Hầu hết các trường hợp viêm gan B sẽ khỏi sau khoảng 6 tháng và một số trường hợp (khoảng 5 – 10%) có thể tiến triển thành viêm gan siêu vi B mạn tính. Bệnh lý này có thể khiến người bệnh đối mặt với các tác động tiêu cực đến sức khỏe như suy gan, ung thư gan, xơ gan…

Tái phát viêm gan: Một biến chứng khác của viêm gan B chính là tái hoạt động viêm gan sau một khoảng thời gian virus viêm gan B không hoạt động.

Biến chứng ngoài gan (hiếm gặp): Trong một số trường hợp hiếm gặp, viêm gan B cấp tính có thể gây ra một số biến chứng như viêm cầu thận, viêm đa khớp, viêm đa động mạch dạng nốt, cryoglobulin huyết, bệnh da liễu…

Khi bị viêm gan B cấp, người bệnh cần tuân thủ kế hoạch điều trị từ bác sĩ điều trị, chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe và thông báo ngay với bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường.

Phòng tránh viêm gan B cấp tính

Viêm gan B cấp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức phòng tránh viêm gan B bằng cách: Chủ động xét nghiệm sàng lọc, tiêm vaccine ngừa viêm gan B; đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tích cực tập thể dục, ngủ đủ giấc, tránh thuốc lá và các chất kích thích.

Không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bấm móng tay…; quan hệ tình dục an toàn; không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ y tế nguy cơ cao tiếp xúc máu người bệnh.

Nhân viên y tế hoặc người làm các công việc đặc thù thường xuyên tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ.

Nên ăn gì - kiêng gì?

Nên ăn thịt nạc, cá, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây…

Nên kiêng các thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu, các sản phẩm từ sữa nguyên chất, thức ăn nhiều muối, đồ tái sống, rượu bia và đồ uống có cồn.

BS BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/viem-gan-b-cap-nguy-hiem-den-muc-nao-post860794.html