Viêm loét dạ dày điều trị như thế nào hiệu quả?

Viêm loét dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, có thể gây ra những biến chứng khó lường nếu không được điều trị kịp thời. Vậy viêm loét dạ dày điều trị như thế nào hiệu quả?

Nội dung

1. Nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày
2. Các loại thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày
3. Lưu ý trong điều trị viêm loét dạ dày

1. Nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày tổn thương, lâu ngày hình thành nên các vết loét.

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày, trong đó các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

Do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày. Loài vi khuẩn này có khả năng tồn tại dai dẳng trong cơ thể, vì vậy nếu không được điều trị hiệu quả, bệnh có thể gây ra các biến chứng khó lường trên đường tiêu hóa, nghiêm trọng là ung thư dạ dày.
Do sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau sai cách: Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) có thể gây viêm loét dạ dày khi dùng kéo dài với liều cao. Viêm loét dạ dày thường phổ biến ở người lớn tuổi, sử dụng loại thuốc này để điều trị các bệnh lý như đau nhức xương khớp…

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến viêm loét dạ dày bao gồm căng thẳng (stress), thói quen hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh (ăn không đúng giờ, thường xuyên bỏ bữa, ăn nhiều các thức ăn chua, cay nóng…).

Viêm loét dạ dày có thể do di truyền. Do đó, những người có người thân trong gia đình mắc viêm loét dạ dày sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.

Viêm loét dạ dày có thể gây ra biến chứng khó lường nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm loét dạ dày có thể gây ra biến chứng khó lường nếu không được điều trị kịp thời.

2. Các loại thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày

Việc điều trị viêm loét dạ dày sẽ dựa theo nguyên nhân gây ra bệnh. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, người bệnh mắc viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh phối hợp với các thuốc khác để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Trường hợp viêm loét dạ dày không kèm HP sẽ được điều trị giảm triệu chứng và làm lành vết loét. Các thuốc này bao gồm thuốc kháng tiết axit dạ dày, trung hòa axit hoặc bao phủ ổ loét.

2.1 Kháng sinh trị viêm loét dạ dày

Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP cần phối hợp 2 loại kháng sinh trở lên.

Các loại kháng sinh thường được sử dụng như amoxicillin, metronidazole… Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định phối hợp thuốc.

2.2 Thuốc kháng tiết axit dạ dày

Thuốc kháng tiết axit dạ dày gồm 2 nhóm chính là thuốc kháng histamin H2 và thuốc ức chế bơm proton. Dù có cơ chế tác dụng khác nhau, song hai nhóm thuốc này đều có tác dụng giúp giảm tiết axit dạ dày, nhờ đó giảm đau, nóng rát và giúp làm lành vết loét.

Một số thuốc nhóm kháng histamin H2 thông dụng như cimetidin, ranitidin, famotidin... được sử dụng trong những trường hợp viêm loét dạ dày nhẹ, ít triệu chứng hoặc giúp giảm tiết axit khi ngủ. Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc bao gồm rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi và ngủ gà…

Thuốc ức chế bơm proton như omeprazol, lansoprazol, rabeprazol, esomeprazol và pantoprazol thường được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày. Tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, chướng bụng…

2.3 Thuốc trung hòa axit dạ dày (antacid)

Nhóm thuốc này có tác dụng trung hòa acid chlohydric (HCl) dạ dày và hạn chế khả năng hoạt động của pepsin, chống lại các nguyên nhân gây viêm loét. Các thuốc antacid như bicarbonat natri, canxi cacbonat, hydroxit nhôm…

Người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ để điều trị dứt điểm viêm loét dạ dày.

Người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ để điều trị dứt điểm viêm loét dạ dày.

2.4 Thuốc bao phủ ổ loét, bảo vệ dạ dày

Sucralfat là thuốc có tác dụng bao phủ ổ loét thường được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày. Dùng loại thuốc này giúp ngăn ngừa tổn thương niêm mạc và làm lành các ổ loét.

3. Lưu ý trong điều trị viêm loét dạ dày

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, hiệu quả của điều trị viêm loét dạ dày còn phụ thuộc vào thói quen sinh hoạt, ăn uống của người bệnh. Do đó, người bệnh cần lưu ý:

Dùng thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc có thể làm giảm hiệu quả điều trị hoặc bệnh tái đi tái lại không dứt điểm.
Thực hiện các lời khuyên của bác sĩ về thay đổi lối sống, hạn chế các thói quen không lành mạnh như tránh uống rượu bia, giảm hút thuốc, ăn thức ăn lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây, giàu chất xơ... cũng giúp kiểm soát và tránh tái phát bệnh.
Hạn chế sử dụng các thuốc giảm đau NSAID hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn một loại thuốc có tác dụng tương tự.
Trong quá trình điều trị, cần báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn nếu gặp phải tác dụng phụ của thuốc.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

BSCKI. Phạm Thị Việt Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-loet-da-day-dieu-tri-nhu-the-nao-hieu-qua-169230306223825648.htm