Viện KSND tối cao Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm

Trước phán quyết của 2 bản án sơ thẩm tại TAND tỉnh Bình Định và phúc thẩm tại TAND cấp cao tại Đà Nẵng, ngày 14/6/2023 Viện KSND tối cao đã ra Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm (số 02/QĐKNGĐT-VKS-KDTM) đối với Bản án KDTM phúc thẩm số 31/2022/KDTM-PT ngày 16/12/2022 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Quyết định Kháng nghị Giám đốc 02 đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và giao hồ sơ về TAND tỉnh Bình Định giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật...

Về phán quyết của 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan đến việc lai dắt tàu ở Bình Định:

 Trước quyết định của 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm ở Bình Định: Viện KSND tối cao đã ra Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm

Trước quyết định của 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm ở Bình Định: Viện KSND tối cao đã ra Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm

Nội dung phán quyết của 2 bản án

Đảm nhiệm hợp đồng lai dắt tàu vào cảng Quy Nhơn, Cty TNHH vận tải biển Cửu Long (Cty Cửu Long) bất ngờ chấm dứt hoạt động lai dắt khiến cảng Quy Nhơn rơi vào tình huống mất an ninh, an toàn hàng hải.

Từ năm 2016, Cty CP cảng Quy Nhơn ký hợp đồng kinh tế có thời hạn 10 năm với Cty Cửu Long về việc thuê tàu lai vào khai thác tại cảng Quy Nhơn (HĐKT số 274/CUULONG/2016/01.02 ngày 26/10/2016). Bất ngờ ngày 4/12/2018, Cty Cửu Long ra văn bản gửi cảng Quy Nhơn thông báo sẽ kết thúc HĐKT 274 vào ngày 5/12/2018.

Ngay hôm sau (ngày 6/12/2018), Cty Cửu Long đã không thực hiện lai dắt tàu container MSC Reunion vào cầu cảng cảng Quy Nhơn để lấy hàng. Trước nguy cơ mất an ninh, an toàn hàng hải nghiêm trọng này, Cty cảng Quy Nhơn đã buộc phải chấp thuận yêu cầu của Cty Cửu Long là để Cty Cửu Long làm việc trực tiếp với các hãng tàu và hưởng trọn 100% phí dịch vụ từ 5/12/2018 – 25/12/2018.

Sau khi Cty cảng Quy Nhơn phải chấp nhận điều kiện, Cty Cửu Long mới thực hiện lai dắt tàu MSC Reunion vào cảng. Việc này đã khiến tàu MSC Reunion vào lấy hàng chậm 7 tiếng 30 phút, dẫn đến chậm kết nối với tàu mẹ ở Singapore và Malaysia, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Đây có thể nói là sự cố chưa từng có tiền lệ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải.

Theo tìm hiểu của PV ấn phẩm Pháp luật & Xã hội (Báo Kinh tế và Đô thị), ngoài việc yêu cầu làm việc trực tiếp với các hãng tàu biển, Cty Cửu Long còn cho rằng Cty cảng Quy Nhơn vi phạm HĐKT 274 khi không thực hiện đối chiếu, không thanh toán cho Cty Cửu Long theo giá tàu ngoại. Sau đó, Cty Cửu Long đã khởi kiện Cty cảng Quy Nhơn ra tòa đòi bồi thường thiệt hại.

Qua hai cấp tòa (sơ thẩm tại TAND tỉnh Bình Định ngày 15/7/2022 và phúc thẩm tại TAND cấp cao tại Đà Nẵng ngày 16/12/2022), tòa đã tuyên buộc Cty cảng Quy Nhơn phải trả cho Cty Cửu Long tổng cộng hơn 54,48 tỉ đồng và phải tiếp tục thực hiện HĐKT 274.

Vì sao Viện KSND tối cao đã ra Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm?

Theo tìm hiểu của PV Pháp luật & Xã hội, sau khi ký HĐKT 274, Cty cảng Quy Nhơn và Cty Cửu Long đã ký tiếp các phụ lục hợp đồng trong đó có nội dung hai bên thỏa thuận điều chỉnh về đơn giá thanh toán cước các tàu lai dắt theo chiều dài, đặc điểm của tàu và tải trọng của tàu yêu cầu hỗ trợ lai dắt.

Điều đáng lưu ý là giá cước theo HĐKT 274 do chính bà Nguyễn Thị Nghiệp (là đại diện theo pháp luật của Cty Cửu Long) lúc đó là Ủy viên thường trực Hội đồng quản trị Cty cảng Quy Nhơn phê duyệt, thống nhất tại tờ trình ngày 24/7/2017.

Quá trình thực hiện HĐKT 274, hai bên đã đối chiếu và thanh toán như sau: Từ ngày 12/10/2016 đến ngày 1/7/2017 hai bên đã hoàn tất việc thanh toán; từ ngày 1/7/2017 đến ngày 5/12/2018, hai bên đã đối chiếu và thống nhất, phía Cty cảng Quy Nhơn đã thu của các tàu vào cảng hơn 76,3 tỉ đồng, tương ứng với 2.262 lượt lai dắt Cty Cứu Long đã thực hiện (trong đó lai dắt tàu ngoại là 1.585 lượt, giá trị hơn 66,5 tỉ đồng; lai dắt tàu nội là 677 lượt, giá trị hơn 9,7 tỉ đồng). Cty cảng Quy hơn đã thực hiện thanh toán hơn 51,8 tỉ đồng và Cty Cửu Long đã xuất hóa đơn cho khoản thanh toán này và không thắc mắc gì.

Điều bất ngờ là ngày 4/12/2018, Cty Cửu Long ra văn bản truyên bố chấm dứt hoạt động lai dắt, chấm dứt HĐKT số 274 và dẫn tới sự cố mất an ninh, an toàn hàng hải nêu trên.

Về phán quyết của 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, ngày 14/6/2023, Viện KSND tối cao đã Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm (số 02/QĐKNGĐT-VKS-KDTM) đối với Bản án KDTM phúc thẩm số 31/2022/KDTM-PT ngày 16/12/2022 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Quyết định KNGĐT 02 đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và giao hồ sơ về TAND tỉnh Bình Định giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Quyết định KNGĐT 02, Viện KSND tối cao nhận định việc 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm phán quyết Cty cảng Quy Nhơn phải bồi thường cho Cty Cửu Long tổng cộng hơn 54,48 tỉ đồng và phải tiếp tục thực hiện HĐKT 274 là không có cơ sở pháp luật. Cụ thể, Cty cảng Quy Nhơn ký hợp đồng với các hãng tàu và thu phí dịch vụ theo khung giá quy định của Bộ GTVT, sau đó Cty cảng Quy Nhơn thuê lại Cty Cửu Long lai dắt với giá thấp hơn và đã được Cty Cửu Long đồng ý là hoạt động kinh doanh dịch vụ đúng pháp luật, đúng ngành nghề kinh doanh và đúng với thỏa thuận tại HĐKT đã ký kết.

Về việc 2 cấp tòa buộc Cty cảng Quy Nhơn phải tiếp tục HĐKT 274 với Cty Cửu Long cũng được Quyết định KNGĐT nhận định là hoàn toàn “không có căn cứ”, bởi lẽ, phía Cty Cửu Long ngay sau khi ra văn bản 72 thông báo chấm dứt thực hiện HĐKT 274 kể từ ngày 5/12/2018 thì ngày 6/12/2018 đã tự ý không thực hiện lai dắt; còn về phía Cty cảng Quy Nhơn cũng thể hiện ý chí muốn chấm dứt hợp đồng, quá trình giải quyết vụ án Cty cảng Quy Nhơn đã yêu cầu các cấp tòa giải quyết tuyên bố chấm dứt HĐKT 274.

Quyết định KNGĐT của Viện KSND tối cao cũng nhận định: Cty cảng Quy Nhơn là doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (75%), việc 2 cấp tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty Cửu Long là trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Cty cảng Quy Nhơn, qua đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vien-ksnd-toi-cao-quyet-dinh-khang-nghi-giam-doc-tham-341562.html