Viện Nghiên cứu hạt nhân phải làm chủ công nghệ lõi trong nghiên cứu, ứng dụng
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đoàn công tác của Chính phủ tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu hạt nhân (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) tại phường Lâm Viên – Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngày 25/7.
Báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ, lãnh đạo Viên nghiên cứu hạt nhân cho biết, hơn 40 năm qua, lò phản ứng hạt nhân đã vận hành an toàn và khai thác hiệu quả các mục tiêu đề ra. Trong đó nổi bật là lĩnh vực chiếu mẫu để sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích mẫu bằng kỹ thuật kích thích hạt nơtron, nghiên cứu vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng và đào tạo nguồn nhân lực…

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Viện Nghiên cứu hạt nhân.
Đến nay, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã hoạt động hơn 71.500 giờ an toàn, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và sản xuất được chất phóng xạ.
Đơn vị cũng đã chuyển đổi nhiên liệu từ độ giàu cao (HEU) sang độ giàu thấp (LEU), góp phần nâng cao an toàn và hiệu quả hoạt động của lò, được quốc tế đánh giá cao.
Viện Nghiên cứu hạt nhân đã xây dựng nhiều hệ thống đo lường chất lượng cao và đưa vào sử dụng các kênh ngang của lò để phục vụ công tác nghiên cứu. Đơn vị cũng đã hoàn thiện quy trình sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ lĩnh vực y tế và điều trị bệnh.

Phó Thủ tướng kiểm tra công tác vận hành Lò phản ứng hạt nhân.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), cùng với Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035 theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 26/5/2025... cộng hưởng với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, đã tạo xung lực mạnh mẽ mang tính ứng dụng thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, định hướng đột phá phát triển lâu dài.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Viện Nghiên cứu hạt nhân tiếp tục khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng, nâng cao vai trò, vị thế của Viện đối với khu vực và thế giới, đồng thời quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ lõi trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hạt nhân, điện hạt nhân cho ngành năng lượng nguyên tử của cả nước.