Việt Nam dẫn đầu Liên hoan Sân khấu các trường nghệ thuật của châu Á

Ngày 11/6, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thông tin về kết quả tại Liên hoan Sân khấu các trường nghệ thuật của châu Á.

Một cảnh trong vở diễn 'Như hạt mưa sa'.

Một cảnh trong vở diễn 'Như hạt mưa sa'.

Dù là lần đầu tiên tham dự Liên hoan Sân khấu các trường nghệ thuật của châu Á (ATEC), nhưng đoàn Việt Nam đã dẫn đầu với 1 giải “Vở diễn xuất sắc” và 2 giải “Biểu diễn xuất sắc”.

Ngày 11/6, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thông tin về kết quả tại Liên hoan Sân khấu các trường nghệ thuật của châu Á. Đây là liên hoan lần thứ VII được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) từ 17/5 đến 23/5, có đề tài “Sức quyến rũ của sân khấu truyền thống châu Á”.

Đại diện tới từ Việt Nam là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã mang tới vở diễn “Như hạt mưa sa”. Vở diễn lấy cảm hứng, chất liệu từ nghệ thuật chèo truyền thống nhưng lại mang đậm hơi thở của sân khấu đương đại.

Vở diễn do PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng chỉ đạo nghệ thuật, TS.NSƯT Bùi Như Lai - Phó Hiệu trưởng trong vai trò đạo diễn, các diễn viên là giảng viên và sinh viên đến từ Khoa Kịch hát dân tộc.

Để chuẩn bị cho vở diễn tham dự liên hoan này, trường đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước và báo cáo vở diễn trước Hội đồng kiểm duyệt của Bộ VH,TT&DL. Vở diễn được gửi cho ban tổ chức xem xét (thông qua video) trước khi thực hiện trực tiếp tại liên hoan.

Vở diễn đã tạo nên sức hút đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc với khán giả tại liên hoan. Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật chính: Thị Màu, Thị Kính và Xúy Vân. Cả ba nhân vật đều là những người phụ nữ trẻ, nhiệt huyết, bị ràng buộc bởi các quy tắc xã hội và áp lực gia đình.

“Như hạt mưa sa” đã tạo ra một không gian biểu diễn đa chiều, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Với sự kết hợp của chèo truyền thống và các yếu tố sân khấu đương đại, vở diễn tạo ra một trải nghiệm tương tác độc đáo cho khán giả, với thông điệp sâu sắc về sự tự do, quyền lựa chọn và quyền tự quyết của phụ nữ.

Vở diễn đã khắc họa thành công nghệ thuật chèo ở các điểm nhấn như tính tự sự trong nghệ thuật chèo (giao lưu tinh tế với khán giả), âm nhạc chèo. Đồng thời tận dụng tối đa cách tả ý, tả thần để sáng tạo nhân vật; tập trung cho kỹ thuật múa, hát, âm nhạc, ánh sáng, biểu diễn, sự sáng tạo của diễn viên đã làm cho người xem cảm nhận được rõ xung đột nội tâm nhân vật và ý nghĩa của vở diễn.

Vở diễn “Như hạt mưa sa” với lối thể hiện mới đã góp phần bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Việt Nam, đồng thời phát triển đưa nghệ thuật truyền thống tới gần hơn với khán giả hiện đại.

Trần Kiệt

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/viet-nam-dan-dau-lien-hoan-san-khau-cac-truong-nghe-thuat-cua-chau-a-post687240.html