Việt Nam đi đầu trong hội nhập kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trang Inter Press Services viết về vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam và việc đạt bước đột phá trong thương mại toàn cầu với việc hoàn tất đàm phán RCEP.

Việt Nam được đánh giá đi đầu trong hội nhập kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việt Nam được đánh giá đi đầu trong hội nhập kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo bài viết của tác giả Kyle Springer, một nhà phân tích cao cấp tại Trung tâm châu Á của Mỹ ở Perth, Australia, đây là năm Việt Nam đã sẵn sàng đạt được những bước tiến để vươn lên trở thành một nước dẫn đầu khu vực.

Với việc Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN, một bước đột phá trong thương mại toàn cầu đã đạt được trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và đại dịch tác động trên toàn cầu.

Đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào tháng 1/2020, ngoại giao Việt Nam đã chứng tỏ khả năng thích ứng trong bối cảnh những hạn chế của Covid-19. Việc hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với nỗ lực của Việt Nam trong năm nay sẽ củng cố vị trí lãnh đạo tầm trung ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 2020 sắp kết thúc, nhưng chúng ta đã học được cách kỳ vọng rất nhiều từ năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Hãy thử nhìn lại những gì mà lãnh đạo Việt Nam thực hiện trong quá khứ. Khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2010, nước này đã khởi động cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus), một cuộc đối thoại quốc phòng của tất cả mười thành viên ASEAN và tám đối tác đối thoại, bao gồm Mỹ và Trung Quốc.

Khi Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) cùng năm đó, Mỹ và Nga đã tham dự với tư cách khách mời của Việt Nam, mở đường cho việc trở thành thành viên chính thức của hai quốc gia quan trọng này trong hội nghị thượng đỉnh vào năm sau. ADMM Plus và EAS hiện đã trở thành những thể chế quan trọng trong kiến trúc chính trị của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Và trong năm khủng hoảng 2020, chính sách ngoại giao khéo léo của Việt Nam một lần nữa đã “ra tay giải cứu”. Khi Việt Nam đưa RCEP vào tiến trình Hội nghị thượng đỉnh tháng 11 này, đây sẽ là bước phát triển quan trọng nhất trong hệ thống thương mại toàn cầu kể từ khi thành lập WTO vào năm 1994.

Trải quan 8 năm với hơn 30 vòng đàm phán, RCEP hứa hẹn sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau Covid-19 của 15 thành viên, chiếm 29% GDP toàn cầu. Các điều khoản của hiệp định sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của chuỗi giá trị khu vực và giảm đáng kể các rào cản pháp lý đối với đầu tư.

Tài dẫn dắt của Việt Nam đối với RCEP đánh dấu sự chuyển mình để nước này trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và gắn kết quốc tế nhất trong khu vực.

RCEP có lẽ thể hiện đỉnh cao nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu bắt đầu từ giữa những năm 1990. Sau khi thực hiện công cuộc Đổi mới kinh tế từ năm 1986, Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 và bắt đầu theo đuổi một số hiệp định thương mại tự do từ năm 2005.

Ngày nay, nước này đã ký nhiều thỏa thuận với các nền kinh tế phát triển. Việt Nam không chỉ nổi lên với tư cách là một bên tham gia vào các nỗ lực thương mại đa phương, mà còn là một bên đề xuất đi đầu trong hội nhập thương mại khu vực. Việt Nam hiện là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với Australia, New Zealand và Nhật Bản. Tiền thân của CPTPP, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nổi tiếng với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này sau một thời gian dài được quảng bá rộng rãi là một nền tảng trong tiến trình “tái cân bằng” của cựu Tổng thống Barack Obama đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Vài tháng sau khi Mỹ rời khỏi hiệp định, các thành viên TPP còn lại đã gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Tại đó, các bộ trưởng đã tái khẳng định giá trị của TPP và thảo luận về cách thức hoàn tất TPP với 11 nước ký ban đầu.

Tại đây, Việt Nam đã quyết định tiếp tục tham gia hiệp định này và việc Việt Nam tham gia CPTPP làm rõ lập trường của Việt Nam: cam kết tự do hóa thương mại.

RCEP chính là sự tiếp tục các nỗ lực của Việt Nam và Việt Nam một lần nữa đưa ra một thể chế mới quan trọng trong thời điểm đang chủ trì với tư cách là chủ tịch ASEAN. RCEP được xem là thỏa thuận kịp thời, sẽ đưa Việt Nam và các đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương vào một vị trí thuận lợi để giải quyết các vấn đề kinh tế đang gây áp lực cho khu vực, đặc biệt là hậu quả từ đại dịch Covid-19, vốn đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến Đông Nam Á.

Ở đây, một lần nữa, Việt Nam chứng minh mình ở top đầu. Với việc kiểm soát dịch bệnh bùng phát trong nước, vị trí của Việt nam trong những dự báo tăng trưởng kinh tế cũng đầy hứa hẹn. Ngay cả trong những kịch bản bi quan nhất, nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020.

Trong tương lai, khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN lần tiếp theo, có thể vào năm 2030, nền kinh tế của nước này sẽ trên đường trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và RCEP sẽ được đánh giá cao vì thành tích này.

Cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn, RCEP sẽ nâng cao hơn nữa khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam để đẩy nhanh nền kinh tế phát triển theo hướng đầy hứa hẹn này.

Thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Việt Nam là hiện thực hóa những kỳ vọng của khu vực trong khi vẫn tiếp tục cải cách kinh tế trong nước.

(theo IPS News)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-di-dau-trong-hoi-nhap-kinh-te-an-do-duong-thai-binh-duong-129018.html