Việt Nam kỳ vọng gì từ chính sách kinh tế đối ngoại mới?

Maybank Kim Eng phối hợp cùng ASEAN Exchanges mới đây đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Invest ASEAN với chủ đề 'ASEAN: Vượt qua đại dịch'. Hội nghị có sự tham gia của những người đứng đầu 4 sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Những người đứng đầu các sàn giao dịch nhất trí rằng, các thị trường của ASEAN tuy chưa đồng nhất nhưng tạo ra cơ hội đáng kể để họ tận dụng công nghệ nhằm hạ giá thành, nâng cao hiệu quả và phát triển các sản phẩm hấp dẫn mới.

Hội nghị trực tuyến Invest ASEAN với chủ đề “ASEAN: Vượt qua đại dịch” có sự tham gia của những người đứng đầu 4 sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Trong khi đó, bà Ami Moris, Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank Kim Eng cho biết, các chuyên gia của tập đoàn này dự báo tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 5% cho ASEAN trong hai năm tới. “Con đường hồi phục có thể gập ghềnh, nhưng sẽ có ánh sáng cuối đường hầm”, bà nói.

Các sở giao dịch chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy áp dụng và chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững hơn, thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn đo lường như chỉ số ESG (tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), công bố thông tin và minh bạch của các công ty. Đại dịch Covid-19 được cho là đã tạo thêm động lực thúc đẩy cho sự phát triển bền vững.

Các nhà lãnh đạo của các sàn giao dịch chứng khoán cũng thừa nhận, các sàn giao dịch truyền thống cần học hỏi từ tài chính kỹ thuật số và phát triển giải pháp cho chính mình để thu hút các nhà đầu tư mới, đồng thời bảo vệ họ.

Tại phiên thảo luận riêng về thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi về những ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 cũng như các chính sách kinh tế - đối ngoại của chính phủ mới.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), các kế hoạch phát triển xã hội của chính phủ mới nhầm biến Việt Nam thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nền kinh tế phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP ước tính đạt 6,5 -7,5% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2025. Song, sẽ có nhiều thách thức đặt ra, trước mắt là đại dịch Covid-19.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Linda Liu của Maybank Kim Eng cho rằng, nếu nhìn trong ngắn hạn từ 5 – 10 năm tới Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng GDP. Từ đó, có thể kỳ vọng tăng trưởng GDP thấp nhất 6% nhờ các động lực kinh tế hiện tại cũng như khả năng cạnh tranh về lương thấp và dân số trẻ.

Đồng thời, nhà chức trách đã không ngừng đưa ra các giải pháp nhằm khôi phục tăng trưởng thu nhập hay đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế. Điển hình là việc tăng tỷ trọng sản xuất của Việt Nam trong GDP để có thêm nhiều khu công nghiệp hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm cho những người bị mất thu nhập do đại dịch.

Liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Việt Nam vẫn duy trì vị thế trung lập. “Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai. Trong khi đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”, ông Hiệp diễn giải.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, các chuyên gia đều đồng thuận rằng Việt Nam cần cải cách luật pháp và chính sách kinh tế đối ngoại, thúc đẩy hội nhập cũng như phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Việc tăng tỷ trọng doanh nghiệp tư nhân sẽ làm tăng năng suất của toàn bộ nền kinh tế. Đây cũng là chất xúc tác cho đà tăng trưởng của Việt Nam trong 5 năm tới.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-ky-vong-gi-tu-chinh-sach-kinh-te-doi-ngoai-moi-post141453.html