Việt Nam quyết tâm thực hiện các cam kết tại COP26: Một mục tiêu không trì hoãn - một quyết tâm không ngừng nghỉ

Chuyến đi của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dự Hội nghị Bộ trưởng 'Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á' tại Nhật Bản thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam là một thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng “Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á” tại Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng “Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á” tại Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam quyết tâm thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Đó là thông điệp xuyên suốt được Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng “Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á” (AZEC) tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 3-4/3.

Ở cấp độ song phương, tinh thần quyết tâm của Việt Nam cũng được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà truyền tải trong các cuộc hội kiến Chủ tịch Hạ viện Hosoda Hiroyuki; gặp Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt Nikai Toshihiro; tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nishimura Yasutoshi và tiếp các Nghị sĩ Nhật Bản phụ trách lĩnh vực môi trường của Đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP).

Cắt giảm khí thải - không thể trì hoãn

Hội nghị Bộ trưởng AZEC là hội nghị đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến do Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tháng 1/2022 nhằm thúc đẩy việc cắt giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững ở châu Á.

Thủ tướng Kishida Fumio, thông qua thông điệp gửi tới Hội nghị, đã đề cập những thay đổi trong môi trường quốc tế về năng lượng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác để cắt giảm khí thải và chuyển đổi năng lượng có tính đến các hoàn cảnh quốc gia khác nhau.

Trên tinh thần thảo luận sôi nổi, tích cực và thiện chí, các đại biểu cùng cam kết hướng tới đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án năng lượng sạch, thu hút sự quan tâm tới việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi trên toàn thế giới, cắt giảm chi phí triển khai các công nghệ mới thông qua sự hỗ trợ và điều phối chính sách, đồng thời tạo ra và gia tăng nhu cầu đối với các công nghệ khử carbon.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định quyết tâm thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nêu ra tại Hội nghị COP26. Đồng thời, Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản với mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero), khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi từ điện than sang năng lượng tái tạo, đào tạo và trao đổi nhân lực...

Đối tác tin cậy, tinh thần trách nhiệm cao

Trong các cuộc gặp song phương với phía Nhật Bản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong 50 năm qua. Hai bên cho rằng, năm 2023, dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, là thời điểm thích hợp để tăng cường giao lưu và tiếp xúc cấp cao và các cấp giữa Chính phủ, Quốc hội, các nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ hai nước; thúc đẩy giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân.

Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng chiến lược, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... có các chính sách hỗ trợ cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc thuận lợi tại Nhật Bản.

Chủ đề hợp tác năng lượng được Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh trong các cuộc trao đổi khi cho rằng đây là lĩnh vực hai nước có nhiều dư địa để thúc đẩy.

Kiêm vai trò Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tham gia quá trình thiết lập Đối tác chiến lược với Nhật Bản trong đó triển khai nghiên cứu về biển, vấn đề môi trường, chống biến đổi khí hậu, vấn đề khí tượng thủy văn... và nhiều lĩnh vực tiềm năng khác mà hai nước có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.

Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng cũng như mối liên hệ đặc biệt về văn hóa. Việt Nam là một trong những quốc gia có trách nhiệm rất cao và sẵn sàng hợp tác cùng Nhật Bản trong thực hiện các cam kết, mục tiêu toàn cầu. Qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trở thành hình mẫu trong mối quan hệ hợp tác giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển.

Về phía chủ nhà, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura nhấn mạnh, Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác quan trọng để cùng triển khai sáng kiến AZEC, mong muốn cùng Việt Nam và các nước tham gia tích cực thảo luận, thúc đẩy hợp tác nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải trên cơ sở tin cậy, công bằng.

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định phát thải ròng bằng 0 là mục tiêu không thể trì hoãn. Các nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta cần phải đưa thế giới về trạng thái này càng sớm càng tốt, chậm nhất là năm 2050 để hạn chế những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm là một thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu này thông qua những “hành trình ngoại giao xanh”. Chuyến đi của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội nghị AZEC lần này chính là một nỗ lực góp vào dòng chảy chung không ngừng nghỉ đó.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-quyet-tam-thuc-hien-cac-cam-ket-tai-cop26-mot-muc-tieu-khong-tri-hoan-mot-quyet-tam-khong-ngung-nghi-219145.html