Việt Nam - Thụy Sĩ: Động lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại

Trải qua hơn 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, các chuyến thăm lẫn nhau và các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo chính phủ hai nước đã góp phần tạo sự tin cậy và khuôn khổ thuận lợi thúc đẩy hợp tác song phương. Tại cuộc hội đàm, lãnh đạo hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, mở ra dấu mốc mới trong quan hệ song phương, đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Thụy Sĩ; tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ sẽ tạo động lực mạnh mẽ để các bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác, nhất là về thương mại và đầu tư.

Quan hệ thực chất

Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh tư liệu: chinhsachcuocsong.vnanet.vn

Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh tư liệu: chinhsachcuocsong.vnanet.vn

Chia sẻ về những kết quả hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn từ 1991 đến 2024, ông Thomas Gass - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam cho biết: Kể từ năm 1991, Quỹ hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam đã chuyển từ trọng tâm giảm nghèo sang thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Trong 34 năm qua, Thụy Sĩ đã hỗ trợ Việt Nam tổng cộng 650 triệu CHF (tương đương 800 triệu USD).

Đại sứ Thomas Gass khẳng định: Quan hệ hai nước Việt Nam - Thụy Sĩ phát triển qua hơn ba thập kỷ và ngày càng thực chất, toàn diện. Trong giai đoạn qua, Thụy Sĩ đã đồng hành cùng Việt Nam tăng cường khung pháp lý giúp nâng cao tính an toàn dịch vụ, tài chính, đẩy mạnh xuất khẩu bền vững, cải thiện quy hoạch đô thị và góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư.

Đáng chú ý, trong giai đoạn qua, xúc tiến thương mại của Chương trình hợp tác phát triển giữa hai nước đã đồng hành cùng hơn 60 tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hơn 10.000 doanh nghiệp triển khai sáng kiến đổi mới sáng tạo và sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo hướng bền vững hơn. Cùng đó, khuyến khích thúc đẩy thành công 2.018 doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam với nguồn vốn huy động 124 triệu CHF; khoảng gần 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được vay thêm 33 tỷ USD thông qua các cơ chế tài trợ tín dụng theo chuỗi liên kết đổi mới sáng tạo.

“Những kết quả này đã góp phần đưa Việt Nam phát triển, vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, thương mại trong khu vực”, Đại sứ Thomas Gass nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, hiện tại, Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN của nước này.

Kim ngạch thương mại song phương tăng đều qua các năm: năm 2021 đạt 860,7 triệu USD; năm 2022 đạt 806,7 triệu USD; năm 2023 đạt 825,8 triệu USD; năm 2024 đạt 811,2 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2025 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đạt 454 triệu USD. Các mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh tại thị trường Thụy Sĩ gồm sản phẩm thủy hải sản, dệt may, túi xách, giày dép, thủ công mỹ nghệ, trà, cà phê, gia vị...

Hơn nữa, Thụy Sĩ ngày càng coi trọng vai trò của Việt Nam, nhất là vị thế hội nhập sâu rộng của Việt Nam sau khi ký kết FTA với Liên minh châu Âu (EU). Hai bên đang tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA gồm 4 nước: Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein). Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và Thụy Sĩ cũng hợp tác hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực ASEAN- Thụy Sĩ…

Về đầu tư, tính lũy kế đến hết tháng 12/2024, Thụy Sĩ đứng thứ 20/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 221 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,116 tỷ USD. Một số tập đoàn lớn của Thụy Sĩ đầu tư tại Việt Nam gồm Nestlé (thực phẩm, đồ uống), Novatis/Ciba-Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thế), Sulzer (cơ khí, thiết bị điện), SGS (giám định), Escatec (thiết bị điện tử), Ringier (in ấn), André/CIE (thương mại) và một số doanh nghiệp khác…

Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: Thời gian qua, hai nước đã song hành trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế thương mại. Chính phủ Thụy Sĩ bền bỉ giúp Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hợp tác với Bộ Công Thương về dự án thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại với kết quả cụ thể là xây dựng cơ chế đối thoại đối tác công tư về phát triển kinh tế tư nhân...

"Những hoạt động hỗ trợ của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài", ông Bùi Huy Sơn cho hay.

Hướng tới bền vững

Ông Lê Triệu Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Việt Nam đã ký kết 16 FTA, đang đàm phán thêm 2 hiệp định mới và hoàn tất nội dung 2 hiệp định khác chờ phê chuẩn. Đặc biệt, mạng lưới FTA là công cụ quan trọng để Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư chất lượng cao.

Đề cập đến FTA với EFTA, ông Lê Triệu Dũng xác nhận đàm phán đã bị gián đoạn từ năm 2018 nhưng hai bên đang nối lại trao đổi và Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy tiến trình này để có thể hoàn tất trong năm nay.

“Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái định hình, việc có thêm một FTA với đối tác đáng tin cậy như Thụy Sĩ sẽ giúp Việt Nam tăng độ ổn định, giảm thiểu rủi ro và tạo ra thế cân bằng mới”, ông Lê Triệu Dũng bày tỏ.

Tại buổi làm việc với ông Martin Candinas, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Liên bang Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Thụy Sĩ với ưu thế và kinh nghiệm trong các ngành tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ cao sẽ tăng cường đầu tư vào dự án công nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, quản trị hiện đại giúp kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Cùng đó, hỗ trợ phát triển những ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam như công nghiệp vật liệu, hóa chất, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo. Đặc biệt, tạo điều kiện hoặc thúc đẩy đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Việt Nam vào những ngành này đi kèm cùng quá trình đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ, hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình trở thành nền kinh tế có thu nhập cao và khả năng chống chịu. Với tầm nhìn đó, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) sẽ dành ngân sách trị giá 50 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam cho giai đoạn 2025 – 2028 gồm thúc đẩy thương mại bền vững và đổi mới sáng tạo; tăng cường tài chính công và tư nhân bền vững và phát triển công nghiệp, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh đến phát triển thương mại bền vững và đổi mới sáng tạo, bà Sibylle Bachmann - Trưởng phòng Hợp tác, Đại sứ quán Thụy Sĩ cho biết: Với mục tiêu này, Thụy Sĩ hỗ trợ các ngành xuất khẩu tại Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, từ đó mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cao cấp.

"Việc tăng cường đổi mới sáng tạo và thúc đẩy khởi nghiệp sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu với các sản phẩm mang tính bền vững", bà Sibylle Bachmann chia sẻ.

Ngoài ra, trọng tâm của chương trình hợp tác giai đoạn 2025 - 2028 chính là lĩnh vực mà chuyên môn và kinh nghiệm của Thụy Sĩ có thể tạo ra sự khác biệt. Đại sứ Thomas Gass nhấn mạnh: Chương trình mới cho giai đoạn 2025 - 2028 được xây dựng dựa trên nền tảng chuyên môn và kinh nghiệm của Thụy Sĩ, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Thụy Sĩ trong việc đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình trở thành quốc gia thu nhập cao có khả năng chống chịu vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ưu tiên của chương trình hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển và đóng góp thiết thực vào kế hoạch mở ra một kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam.

Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Thụy Sĩ, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp cần liên tục cập nhật xu hướng phát triển của thị trường và thị hiếu tiêu dùng, chú trọng yếu tố xanh, bền vững trong sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu.

Cùng đó, tích cực tham gia vào các diễn đàn toàn cầu về kinh tế và thương mại (SECO và ITC) và sự kiện giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp như Diễn đàn Phát triển Xuất khẩu Thế giới, SheTrades Global, Hội nghị Tổ chức Xúc tiến Thương mại Thế giới, Diễn đàn Thương mại vì Phát triển Bền vững và Hội thảo Chiến lược Xuất khẩu Quốc gia.

Ngoài ra, tìm kiếm cơ hội để chia sẻ kiến thức cùng hiểu biết và kinh nghiệm hợp tác liên quan đến lĩnh vực cụ thể mà hai bên cùng quan tâm, tập trung cụ thể vào cam kết của Việt Nam nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mặt khác, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và thực hành sản xuất tuần hoàn; kinh tế số và chuyển đổi số theo xu hướng xanh hóa.

Đặc biệt, tích cực tham gia chương trình hỗ trợ kỹ thuật, tiếp cận chuyên môn, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, hợp tác công nghiệp, cơ hội thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam về năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp và ngành, chuyển đổi kỹ thuật số, đổi mới, tính bền vững, trao quyền kinh tế cho phụ nữ và thanh niên.

Uyên Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-thuy-si-dong-luc-moi-thuc-day-hop-tac-thuong-mai-20250725191442515.htm