Việt Nam - Thụy Sĩ, nửa thế kỷ hợp tác tốt đẹp

Ngày 11/10/2021 ghi dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Bước qua nửa thế kỷ với những thăng trầm của lịch sử, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển, gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp.

Thụy Sĩ tặng thiết bị y tế hỗ trợ Việt Nam chống dịch.

Thụy Sĩ tặng thiết bị y tế hỗ trợ Việt Nam chống dịch.

Năm 1971 đánh dấu thời điểm Việt Nam và Thụy Sĩ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đặt “những viên gạch” đầu tiên trong tiến trình vun đắp nhịp cầu hợp tác song phương. Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tuy nhiên, ngược dòng lịch sử hai nước, mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đã được khởi nguồn từ lâu hơn thế. Từ thế kỷ 19, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các thương gia Thụy Sĩ. Năm 1954, Hội nghị Geneva về Đông Dương, trong đó Việt Nam có liên quan trực tiếp, được tổ chức ở Thụy Sĩ. Những trao đổi và kết nối ban đầu này đã tạo nền tảng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, bất chấp khoảng cách địa lý giữa hai nước.

Chia sẻ về những thành quả hai nước gặt hái được trong chặng đường hợp tác đã qua, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển theo chiều hướng tốt đẹp mà không ai có thể nghĩ đến vào 50 năm trước”. Trên nền tảng quan hệ chính trị tin cậy, hợp tác kinh tế song phương ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Với 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam và tổng số vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD (tính đến tháng 5/2021), hiện Thụy Sĩ đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 của hai nước đạt 863,5 triệu USD.

Những kết quả tích cực này mở ra triển vọng tươi sáng trong quan hệ thương mại song phương, khi đại dịch được kiểm soát và nền kinh tế thế giới phục hồi. Đại sứ Ivo Sieber khẳng định, với những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế, Việt Nam là một điểm sáng thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp Thụy Sĩ. Sức mạnh tổng hợp giữa nền kinh tế năng động và quy mô lớn của Việt Nam cùng với thế mạnh của Thụy Sĩ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới được tin tưởng sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương có những bước tiến vững chắc trong tương lai.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật... cũng thu được kết quả tốt đẹp. Hiện Việt Nam là một trong 8 nước ưu tiên nhận viện trợ của Thụy Sĩ. Nguồn vốn ODA Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam từ năm 1992 đến nay đạt 470 triệu USD, trong đó chủ yếu là viện trợ không hoàn lại. Viện trợ của Thụy Sĩ chủ yếu được triển khai trong các lĩnh vực: tăng cường hiệu quả các thể chế và chính sách kinh tế; tạo sức cạnh tranh và nguồn lực hiệu quả cho khu vực tư nhân; phát triển đô thị bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu. Là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao, Thụy Sĩ cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh…

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Thụy Sĩ năm nay, Đại sứ Ivo Sieber khẳng định, dấu mốc 50 năm không chỉ là cơ hội để Thụy Sĩ và Việt Nam nhìn lại những thành tựu đã cùng nhau đạt được, mà còn là dịp để hai bên hướng tới tương lai và tìm ra con đường tốt nhất để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Những thành tựu hợp tác mà Việt Nam và Thụy Sĩ cùng nhau gặt hái trong nửa thế kỷ qua là nền tảng cho mối quan hệ đối tác bền vững và chặt chẽ trong tương lai ■

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/viet-nam-thuy-si-nua-the-ky-hop-tac-tot-dep-668589/