Việt Nam và EU chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do sau 9 năm đàm phán

16h30 ngày 30/6/2019, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức được ký kết tại Hà Nội, sau 9 năm đàm phán.

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành và thành phố Hà Nội, các vị khách quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania Stefan-Radu Oprea, Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu Cecilia Malmstrom đã ký Hiệp định EVFTA; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania Stefan-Radu Oprea, Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu Cecilia Malmstrom đã ký Hiệp định IPA.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc chính thức ký 2 Hiệp định quan trọng là Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên. Đây là một dấu mốc son cho quá trình dài về đàm phán và hoàn thành các thủ tục nhiều năm qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ký.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ký.

Liên minh châu Âu với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng trái đất để làm đối tác. Là quốc gia giàu tiềm năng phát triển năng động hàng đầu tại Đông Nam Á, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ, với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam rất vui mừng hợp tác với Liên minh Châu Âu ở phía Tây Bán cầu, một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới, cũng như mở rộng hợp tác song phương với 28 nước thành viên EU.

Hiệp định EVFTA và IPA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác bền vững, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như củng cố quan hệ thương mại và đầu tư, từ đó tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Hiệp định EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do nhiều tham vọng nhất từ trước tới nay mà EU ký với một nền kinh tế mới nổi. Hiệp định EVFTA và IPA được xây dựng dựa trên cam kết chung của cả hai bên về tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế theo hướng mở cửa, công bằng và tuân thủ luật lệ.

Các Hiệp định này cũng sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia của EU với khu vực Đông Nam Á, góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và EU nhằm hướng tới quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn giữa hai khu vực.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến lễ ký.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến lễ ký.

Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi ký kết, về phía Việt Nam, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ được trình Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn; còn về phía EU thì sẽ trình Nghị viện Châu Âu thông qua. Riêng Hiệp định IPA cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện các nước thành viên EU.

"Chúng tôi hy vọng các Hiệp định này sẽ được các cơ quan lập pháp nhanh chóng phê chuẩn trong những tháng tới để cho phép các doanh nghiệp, công nhân, nông dân và người tiêu dùng của Việt Nam và EU gặt hái lợi ích của các Hiệp định trong thời gian sớm nhất", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) được ký kết cùng lúc, với những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư, nhà đầu tư sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Từ đó, Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU.

EVFTA với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo (thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ...) là hiệp định toàn diện và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được gỡ bỏ sau 7 năm, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên EU. 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết sẽ bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU. Sau 7 năm số dòng thuế được xóa bỏ tăng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam sẽ áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

"EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Trong khi đó, Hiệp định IPA gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua Hệ thống mới Tòa án về Đầu tư đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả hai phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân.

Hiệp định IPA sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam, triển khai một khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường minh bạch.

Các bước tiếp theo sau khi hai hiệp định này được EU và Việt Nam ký sẽ trình lên Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, dự kiến trong năm 2020. Sau bước phê chuẩn này, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức hoàn tất, có hiệu lực. Trong khi đó Hiệp định IPA cần sự phê chuẩn của các nước thành viên EU tuân thủ theo các tiến trình nội bộ của từng nước, dự kiến sẽ mất khoảng 2 năm.

Lộ trình đàm phán và những mốc thời gian chính:

* Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

* Tháng 6/2012, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

* Tháng 12/2015, hai bên kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6/2017, hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật

*Tháng 9/2017, EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt EVFTA và IPA.

* Tháng 6/2018, Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

* Tháng 8 năm 2018, hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.

Sau nhiều năm tiến hành đàm phán và rà soát pháp lý đến ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA và đến ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.

Hoa Hạ

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/thoi-su/viet-nam-va-eu-chinh-thuc-ky-ket-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-sau-9-nam-dam-phan-72149.html