VietCycle và giấc mơ về một Việt Nam 'không rác thải nhựa'

Công ty Cổ phần VietCycle là doanh nghiệp định hướng phát triển các giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho một Việt Nam văn minh hơn với rác thải, nhân văn hơn với cộng đồng thu gom, tái chế.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, với khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra mỗi năm, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới. Trong bối cảnh hiện tại, phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là xu thế tất yếu và việc “hồi sinh rác thải nhựa” là một trong những mục tiêu cấp thiết.

VietCycle đã và đang thực hiện nhiều dự án thu gom, tái chế, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng liên quan. Trong đó phải kể đến sự hợp tác giữa VietCycle và Tập đoàn ALBA Châu Á về việc phát triển Dự án nhà máy tái chế, với vốn đầu tư lên đến 50 triệu USD và công suất ước tính gần 48.000 tấn/năm. Dự án sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất nhựa PET/HDPE đạt chất lượng bao bì thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế do EU đặt ra và được nhiều tập đoàn đa quốc gia áp dụng.

VietCycle hợp tác với Tập đoàn ALBA Châu Á trong việc phát triển Dự án nhà máy tái chế quy mô lớn. (Ảnh: VietCycle)

VietCycle hợp tác với Tập đoàn ALBA Châu Á trong việc phát triển Dự án nhà máy tái chế quy mô lớn. (Ảnh: VietCycle)

Không chỉ được kỳ vọng đóng góp vào các giải pháp cấp thiết cho vấn đề rác thải nhựa hiện nay, dự án còn góp phần mở rộng mạng lưới thu gom của VietCycle. Qua đó, VietCycle và ALBA sẽ cùng nỗ lực đẩy mạnh bình đẳng giới, hòa nhập xã hội trong hệ thống thu gom và toàn ngành tái chế nhựa nói chung.

VietCycle cũng đã và đang hợp tác với nhiều đối tác trong nước lẫn quốc tế như UNDP, AEPW, Dow Chemical, IUCN, TCP Group, Pepsi, Unilever… để triển khai các hoạt động thiết thực, nhằm hỗ trợ nhóm lao động phi chính thức yếu thế, bao gồm phụ nữ trong ngành thu gom tái chế.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc VietCycle thăm hỏi, động viên người lao động trong ngành thu gom tái chế.(Ảnh: VietCycle)

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc VietCycle thăm hỏi, động viên người lao động trong ngành thu gom tái chế.(Ảnh: VietCycle)

Năm 2022, VietCycle thành công thu gom và phân loại hơn 16.000 tấn rác thải nhựa từ bốn tỉnh phía Bắc (TP Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc). VietCycle sẵn sàng hợp tác với các đối tác chung quan điểm để tăng tỷ lệ thu gom, cũng như tổ chức các chương trình truyền thông để thay đổi nhận thức trong và ngoài cộng đồng thu gom, tái chế trong tương lai.

Bên cạnh đó, VietCycle còn nghiên cứu, phát triển Dự án máy bán hàng tự động CyclePacking - mô hình bán dung dịch rót trực tiếp vào chai, can của người tiêu dùng nhằm giảm lượng bao bì bị thải bỏ. CyclePacking chính thức ra mắt tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022, được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trải nghiệm và chia sẻ về sản phẩm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trải nghiệm máy bán hàng tự động CyclePacking.(Ảnh: VietCycle)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trải nghiệm máy bán hàng tự động CyclePacking.(Ảnh: VietCycle)

Dự án đặt mục tiêu giảm 90 triệu bao bì nhựa và 54 triệu kg khí thải carbon đến hết năm 2027, là một trong ba mũi nhọn chiến lược của VietCycle, với mong muốn thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua xây dựng kênh phân phối và cung ứng bền vững, khuyến khích tái chế và tái sử dụng.

“VietCycle hy vọng những nỗ lực của mình sẽ đem đến nhiều giải pháp giúp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cùng Chính phủ và các doanh nghiệp, người dân hiện thực hóa giấc mơ về một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc VietCycle chia sẻ.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vietcycle-va-giac-mo-ve-mot-viet-nam-khong-rac-thai-nhua.html