VinaCapital: Lãi suất bình ổn trong năm 2024

VinaCapital kỳ vọng mặt bằng lãi suất thấp và biến động lãi suất thấp trong năm nay, hỗ trợ kinh tế Việt Nam tăng trưởng thông qua tăng trưởng tín dụng.

Lý do biến động lãi suất

Báo cáo "Hướng đến năm 2024" của VinaCapital cho thấy, lãi suất huy động của Việt Nam năm 2023 đã tăng 300 điểm cơ bản, sau đó giảm, quay lại mức thấp nhất trong vòng 18 tháng kể từ giữa năm 2022. Biến động này là do áp lực từ tỷ giá của VND và đã tác động lớn đến thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, cũng như ảnh hưởng đến “real economy” (các yếu tố nêu trên có tác động lớn hơn đến tăng trưởng GDP của Việt Nam).

Theo phân tích của ông Michael Kokalari - CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường (VinaCapital), từ cuối năm 2022, chỉ số USD/DXY tăng vọt lên tới 20% so với đầu năm, khiến giá trị của tiền VND giảm khoảng 9%. Điều này đã thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nâng lãi suất lên tổng cộng 200 điểm cơ bản và sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo vệ giá trị của VND.

NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ khi VND mất giá. Nguồn: VinaCapital

NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ khi VND mất giá. Nguồn: VinaCapital

NHNN đã nhiều lần thể hiện mong muốn điều tiết tỷ giá USD-VND hàng năm ở mức 3%, và lạm phát ở Việt Nam trung bình 3,2-3,3% trong cả năm 2022 và 2023. Vì vậy, biến động tỷ giá không phải do tác động bởi lạm phát trong hai năm qua.

Đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất chậm, nhưng thặng dư thương mại tăng vọt từ khoảng 0% GDP trong nửa đầu năm 2022 lên 6%/GDP trong nửa đầu năm 2023 vì nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu, sẽ được thảo luận ở phần dưới. Thặng dư tăng lên đã cho phép NHNN giảm lãi suất (tổng cộng 150 điểm cơ bản) trong nửa đầu năm ngoái mà không gây áp lực quá mức lên giá trị của VND.

Tuy nhiên, do sự cắt giảm lãi suất của NHNN và tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn của VND đã giảm xuống mức thấp hơn lãi suất kỳ hạn ngắn của USD vào đầu năm ngoái, và đến tháng 9, lãi suất VND đã thấp hơn khoảng 500 điểm cơ bản so với lãi suất USD. Khoảng cách giữa lãi suất VND và USD đã tạo ra áp lực giảm giá trị mới cho VND, khiến tỷ giá USD-VND giảm hơn 4% so với đầu năm vào thời điểm đó.

NHNN một lần nữa thực hiện điều tiết khi giá trị của VND giảm hơn 3%. Thay vì sử dụng những biện pháp như tăng lãi suất hay can thiệp ngoại hối, NHNN đã rút khoảng 15 tỷ USD (3-4%/GDP) khỏi thị trường tiền tệ của Việt Nam trong khoảng thời gian bảy tuần, giúp ổn định giá trị của VND bằng cách tạo ra một số áp lực tăng lên đối với lãi suất liên ngân hàng.

Tuy nhiên, khi NHNN rút thanh khoản khỏi nền kinh tế Việt Nam vào cuối tháng 9 để bảo vệ giá trị của VND, điều đó cũng có nghĩa là thanh khoản VND để hỗ trợ giá cổ phiếu bị rút khỏi thị trường trong khi thanh khoản luôn là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn ở mọi thị trường.

Sau khi NHNN bắt đầu rút thanh khoản khỏi hệ thống ngân hàng thương mại vào cuối tháng 9, VN-Index (đã tăng tới 24% so với đầu năm) đã chịu một đợt bán tháo 16%.

Áp lực tăng lãi suất không còn

VinaCapital cho biết, trong hai năm qua, Việt Nam siết chặt chính sách tiền tệ khi giá trị của VND giảm hơn 3% so với đầu năm và nới lỏng lại khi giá trị của VND ổn định.

Khoảng cách lãi suất. Nguồn: VinaCapital

Khoảng cách lãi suất. Nguồn: VinaCapital

Trong năm 2022, giá trị của VND đã giảm 3,5%, do mức tăng 8% của chỉ số USD/DXY (đã tăng gần 20% so với đầu năm vào một số thời điểm trong năm), và trong năm 2023 VND đã giảm 2,7% do kết quả của hai lực kéo ngược chiều. Khoảng cách giữa lãi suất USD và lãi suất kỳ hạn ngắn của VND đạt mức cao kỷ lục, tạo áp lực giảm giá trị đối với VND, nhưng thặng dư thương mại của Việt Nam tăng vọt từ 3%/GDP lên 7%/GDP, điều này đã hỗ trợ giá trị của VND, cũng như mức giảm 2% của giá trị DXY.

Trong năm 2024, thặng dư thương mại của Việt Nam có khả năng chuyển từ mức thặng dư lớn sang mức thâm hụt thương mại nhỏ, điều này sẽ tạo ra một số áp lực giảm giá trị đối với VND. Tuy nhiên, đồng thuận dự kiến giá trị của USD sẽ giảm khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.

“Với áp lực lên VND khá cân bằng năm nay so với hai năm trước, chúng tôi chỉ dự kiến áp lực giảm giá nhẹ đối với VND và NHNN sẽ không phải tăng lãi suất”, VinaCapital ghi nhận trong báo cáo.

Đồng thời, VinaCapital cũng nhận định, lạm phát sẽ không ảnh hưởng đến các quyết định của NHNN năm nay, một phần vì hàng tiêu dùng ở Trung Quốc hiện đang phải giảm giá, khiến nhiều bên dự đoán rằng Trung Quốc sẽ "xuất khẩu giảm phát" ra phần còn lại của thế giới; Việt Nam có thể sẽ chỉ ghi nhận giá thực phẩm tăng nhẹ do điều này.

Tuấn Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/vinacapital-lai-suat-binh-on-trong-nam-2024.html