Vĩnh Linh đạt được nhiều kết quả sau hơn một năm sáp nhập trường học

Thực hiện Đề án sáp nhập giai đoạn một, các đơn vị trường học trên địa bàn, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh đã đạt được được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu tại các đơn vị mới từng bước được khắc phục và có nhiều chuyển biến tích cực. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn ông LÊ THANH HẢI, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Vĩnh Linh để hiểu thêm vấn đề này.

- Thưa ông!Trước đây ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh đã thí điểm sáp nhập một số trường Tiểu học (TH), Trung học cơ sở (THCS) với nhau. Qua thực tế hoạt động của các trường ông có thể cho biết mô hình này có những ưu điểm và khó khăn gì?

- Vào giai đoạn 2010-2015, tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương sáp nhập các trường có quy mô nhỏ. Huyện Vĩnh Linh là đơn vị tiên phong tại thời điểm đó và đã sáp nhập 4 trường thành 2 trường, đó là Trường TH&THCS Vĩnh Hòa, TH&THCS Vĩnh Trung. Thành quả bước đầu là giảm được đội ngũ cán bộ quản lí, nhân viên thư viện, kế toán, liên thông và gắn bó trách nhiệm giáo dục, giảm đầu tư kinh phí cho những hạng mục dùng chung như hội trường, sân tập, thư viện trong lúc ngân sách đầu tư còn khó khăn, thiếu thốn...

Tuy nhiên, nhìn lại thời gian đã qua, chúng ta có nhiều bài học quý từ mô hình các trường phổ thông cơ sở tồn tại 25 năm (1965 - 1990); mô hình Tiểu học, Trung học cơ sở tồn tại đến thời điểm sáp nhập là 28 năm (1990-2018). Mỗi mô hình, mỗi cách tiếp cận đều có không ít khó khăn về quản lí, điều hành, về tổ chức các hoạt động giáo dục trên hai quảng độ tuổi học sinh khá khác biệt về tâm sinh lí, mục tiêu giáo dục, muốn thay đổi cần có một thời gian nhất định. Cho dù xóa được tường rào ngăn cách giữa hai trường bằng một tên trường mới có nhiều điểm trường (ví dụ Trường TH và THCS Vĩnh Long có 5 điểm trường) nhưng do mục tiêu, chương trình, phương pháp giảng dạy các cấp học khác nhau nên cách thức tổ chức, điều hành gần như hai cách quản lí mà trong quản lí giáo dục phải cập nhật, bổ túc mới đáp ứng được yêu cầu chất lượng.

- Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về việc “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lí, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”, việc thực hiện đề án sáp nhập trường học của huyện Vinh Linh đến đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

- Thực hiện Nghị quyết 19 và được cụ thể hóa bằng Đề án 1322 của UBND tỉnh Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh làm hết sức thận trọng nhưng kiên quyết đảm bảo lộ trình. Đợt một sáp nhập 16 trường thành 7 trường, giảm 9 trường. Đợt hai dự kiến tiến hành ngay sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, vì các trường học nằm trong diện sáp nhập đợt hai đều liên quan sáp nhập xã, thị trấn của huyện. Dự tính sẽ tổ chức sáp nhập liên quan 19 trường và giảm khoảng 11 trường. Như vậy, hoàn thành đợt sáp nhập này huyện Vĩnh Linh từ 66 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chỉ còn 46 trường. Và đến lúc đó có 9 trường TH&THCS/13 trường có cấp học THCS.

- Ông có thể cho biết sau khi sáp nhập những trường nào hoạt động tốt nhất?

- Đợt một diễn ra vào năm 2018, huyện Vĩnh Linh sáp nhập liên quan 16 trường, giảm 9 trường. Trong các trường làm tốt công tác sáp nhập và hoạt động tốt, dạng thứ nhất phải kể đến là các trường cùng cấp học trong một xã, thị trấn như Trường Tiểu học Cửa Tùng (được sáp nhập từ Trường Tiểu học Vĩnh Tân với Trường Tiểu học Cửa Tùng), Trường THCS Cửa Tùng (được sáp nhập từ Trường THCS Hùng Vương với Trường THCS Cửa Tùng). Dạng thứ hai là trường sáp nhập khác cấp thì phải kể đến trường TH&THCS Vĩnh Long, sáp nhập từ 2 trường tiểu học với 1 trường THCS, Các trường còn lại đến nay cũng đã ổn định, khắc phục những khó khăn và đi vào hoạt động bình thường.

 Trường TH và THCS Vĩnh Sơn hoạt động tốt sau sáp nhập. Ảnh: T.T.L

Trường TH và THCS Vĩnh Sơn hoạt động tốt sau sáp nhập. Ảnh: T.T.L

- Ông có thể cho biết trong quá trình sáp nhập, tâm tư nguyện vọng của các giáo viên ra sao và những vướng mắc, khó khăn cũng như bài học kinh nghiệm rút ra là gì?

- Trước hết, khó nhất vẫn là sắp xếp bộ máy cán bộ quản lí, nhân viên, xử lí dôi dư sau sáp nhập, ổn định tư tưởng công tác. Đặc biệt, đối với trường chung cấp học.

Thứ hai, sự tiếp cận công việc, chất lượng công việc của một số vị trí cần rất nhiều thời gian, đó là phải đảm nhận thêm một số phần việc mới, hoặc thay đổi công việc (hiệu trưởng chỉ đạo chuyên môn một cấp học chưa có thời gian tiếp cận, kế toán làm văn phòng, văn thư đều phải học việc, thử việc...).

Thứ ba, một số vị trí việc làm quá tải, không đảm bảo chất lượng: thư viện thiết bị, phụ trách đội do quá nhiều điểm trường, phương pháp giải quyết chưa đáp ứng ngay được. Một số giáo viên dạy cả hai cấp học, khác tâm sinh sinh lí lứa tuổi, phải thay đổi phương pháp liên tục...

Thứ tư, lộ trình xây dựng một số mục tiêu chung của ngành thay đổi: Trước sáp nhập có 43 trường đạt chuẩn quốc gia/ 66 trường, đạt 65%; sau sáp nhập đợt một giảm 12 trường và 1 trường không duy trì sau 5 năm. Hiện còn 30/57 trường, chiếm 52,6%, so với trước sáp nhập giảm 14,1%. Nếu theo kế hoạch sáp nhập đợt hai, giảm thêm 9 trường. Như vậy, sau hai lần sáp nhập sẽ giảm 29 trường đạt chuẩn, còn 14/45 trường, lúc này chỉ còn 31%. Xác định được những vướng mắc khó khăn đó, toàn ngành nỗ lực thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

Với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo huyện, sự phát huy nội lực và chủ động của Phòng Giáo dục và Đào tạo, sau hơn một năm sáp nhập, ngành Giáo dục Vĩnh Linh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các trường ổn định và đi vào hoạt động có nền nếp, việc sắp xếp cán bộ quản lí khá ổn thỏa trong đợt một, đội ngũ tiếp tục hoạt động nghề nghiệp phù hợp dần với môi trường mới. Đáng chú ý là có 5 trong 7 trường sau khi sáp nhập đã tích cực phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ một. Để có được những kết quả đó, công tác vận động tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, quyết liệt nhưng chặt chẽ, thận trọng từng khâu trong sắp xếp bố trí nhân sự được quan tâm đặc biệt, sự chia sẻ, phối hợp hỗ trợ giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương với nhà trường là việc làm thường xuyên, cùng gánh vác, cùng cộng đồng trách nhiệm.

- Sáp nhập các trường học một cách hợp lí với hoàn cảnh địa phương và khoa học là một chủ trương rất đúng. Vậy kế hoạch sáp nhập các trường học đợt hai dự trù sẽ diễn ra thời gian nào?

- Vâng, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lí, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là một chủ trương đúng đắn, vấn đề là sáp nhập như thế nào để tiếp tục ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục là mục tiêu hàng đầu, nội dung đáng quan tâm. Nếu sáp nhập theo cơ học, máy móc chắc chắn phá vỡ cấu trúc, quy mô trường lớp của địa phương, ảnh hưởng đến điều kiện học tập của học sinh, về lâu dài làm giảm sút chất lượng giáo dục. Chúng tôi cũng đã chủ động các phương án, mỗi phương án sáp nhập đơn vị hành chính sẽ ứng với một phương án sáp nhập trường hợp lí. Và thuận lợi nhất dự kiến đợt sáp nhập sau sẽ diễn ra vào dịp tháng 7, tháng 8 năm 2020. Sáp nhập 19 đơn vị, giảm 11 trường. Tuy nhiên, tùy vào cơ cấu dân cư, dự báo, thay đổi sau sáp nhập các địa bàn hành chính, tùy vào mức độ khả năng quản lí của đội ngũ trong phạm vi cho phép... thì việc sáp nhập cũng phải tính toán lại, có thể chậm một thời gian nhưng không phải thay đổi quá nhiều lần hoặc làm mất đi cơ hội thuận lợi cho người học. Vấn đề trọng yếu nhất là mọi thay đổi, mọi sự tác động đều tập trung nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Vĩnh Linh.

- Xin cảm ơn ông!

Trần Tú Linh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144441