Vĩnh Long xây dựng Chính quyền số gắn liền với cải cách hành chính

Tỉnh Vĩnh Long xác định nhiệm vụ chuyển đổi số là trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp, nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân; bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.

Thực hiện Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã ban hành Quyết định số 742 triển khai chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Ông Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: TTX.

Ông Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: TTX.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu triển khai đồng bộ, sâu rộng đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân, phấn đấu đạt các mục tiêu chỉ đạo của Chương trình, Kế hoạch chuyển đổi số cho từng giai đoạn và từng năm. Chuyển đổi số phải gắn liền với cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp, các ngành; hiệu quả quản lý của chính quyền gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng.

Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đổi mới mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Thúc đẩy hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào tăng trưởng GRDP hàng năm...

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long phối hợp Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCert) tổ chức Hội thảo “An toàn thông tin trong chuyển đổi số”.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long phối hợp Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCert) tổ chức Hội thảo “An toàn thông tin trong chuyển đổi số”.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh luôn quan tâm thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai các phần mềm ứng dụng và chú trọng việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Kết quả xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh có bước phát triển nổi bật như: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh vận hành ổn định, công tác đảm bảo an toàn thông tin được nâng cao.

Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy, quá trình triển khai kế hoạch chuyển đổi số đạt một số kết quả nổi bật. Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh năm 2022 tăng 2 bậc so với năm 2021 (30/63). Cụ thể: chỉ số Hạ tầng số tăng 39 hạng (8/63), trụ cột xã hội số tăng 6 hạng (25/63), trụ cột kinh tế số tăng 5 hạng (28/63), trụ cột chính quyền số tăng 4 hạng (25/63). Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng đến ấp, khóm với 107 tổ xã (687 người), 752 tổ ấp (2.786 người), đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trở thành lực lượng nồng cốt trong chuyển đổi số của tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh (phiên bản 2.0); Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh. Triển khai một số nền tảng số gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng NDXP của quốc gia; Nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng; Nền tảng sàn thương mại điện tử; Nền tảng hóa đơn điện tử; hoàn thành việc hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh thành; đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính cho các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã; một số cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành được hình thành và từng bước triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu sẳn sàng cho việc hình thành kho dữ liệu dùng chung phục vụ hiệu quả công tác quản trị, điều hành của lãnh đạo góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính.

100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh.

100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh.

Công tác đảm bảo an toàn thông tin luôn được tỉnh quan tâm, triển khai các hệ thống giám sát an toàn thông tin. Tổ chức Hội thảo “Giải pháp bảo vệ các ứng dụng và phòng ngừa tấn công, đánh cắp dữ liệu tỉnh Vĩnh Long”; phối hợp với Công an tỉnh, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn thông tin trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn tập thực chiến với chủ đề “Tấn công mạng thực chiến vào hệ thống thông tin ứng dụng sở, ngành tỉnh Vĩnh Long năm 2023; tham gia diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố năm 2023 - Cụm mạng lưới ứng cứu sự cố số 9 tại tỉnh Sóc Trăng đạt giải nhì và giải ba dành cho Đội tấn công.

Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thường xuyên qua Cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng, Pano, Áp phích, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook… UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.

Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai “Mô hình Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt”.

Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai “Mô hình Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt”.

Tổ Đề án 06 các cấp, Tổ công nghệ số cộng đồng, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên,... đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân doanh nghiệp ưu tiên sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện các thủ tục hành chính. Công an cấp xã đã thực hiện mô hình tổ chức các điểm hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại khu dân cư, bộ phận một cửa,... 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh, xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền. Các cơ sở giáo dục đều đã triển khai Hệ thống quản lý nhà trường (SMAS) để quản lý, quản trị nhà trường, triển khai hồ sơ điện tử, thực hiện đăng ký tài khoản dịch vụ công khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024… Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) trong việc hợp tác, xây dựng, triển khai thí điểm ứng dụng chuyển đổi số về Truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai “Mô hình Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt”, hơn 240 tiểu thương tại chợ đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (Viettel Money). Trên địa bàn tỉnh có 70 website thương mại điện tử tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến.

Bà Đoàn Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Long được vinh danh Lãnh đạo chuyển đổi số và an toàn thông tin tiêu biểu năm 2023.

Bà Đoàn Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Long được vinh danh Lãnh đạo chuyển đổi số và an toàn thông tin tiêu biểu năm 2023.

Bà Đoàn Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long cho biết, quá trình thực hiện được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo và điều hành thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong triển khai chuyển đổi số và an toàn thông tin. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm và chỉ đạo quyết liệt từ đó có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số đã mang lại chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, giúp duy trì hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Công tác đảm bảo an toàn thông tin luôn được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện; Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách CNTT, an toàn thông tin thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về an toàn thông tin, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/vinh-long-xay-dung-chinh-quyen-so-gan-lien-voi-cai-cach-hanh-chinh-i716408/