Vốn ODA, nguồn lực quan trọng để phát triển

Trong nhiều năm qua, việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để đầu tư cho phát triển được tỉnh Quảng Trị thực hiện rất sáng tạo và hiệu quả.

 Đường Thanh Niên, một trong nhiều công trình được đầu tư từ nguồn vốn ODA ở thành phố Đông Hà

Đường Thanh Niên, một trong nhiều công trình được đầu tư từ nguồn vốn ODA ở thành phố Đông Hà

Ngay từ năm 1996, tỉnh Quảng Trị đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các nhà tài trợ ODA thông qua tiếp nhận các dự án tín dụng đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Qua từng giai đoạn, với sự hợp tác chặt chẽ và triển khai hiệu quả, đúng mục tiêu và yêu cầu của tỉnh Quảng Trị, các đối tác tài trợ ODA ngày càng tin tưởng và ủng hộ địa phương, đồng thời có những thay đổi về chiến lược, đặc biệt là ngày càng chú trọng vào tính liên kết vùng nhằm tạo ra động lực phát triển trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để cùng phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bà Nguyễn Thị Thương Huyền, Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin: “Từ năm 1996 đến nay, đã có hơn 126 dự án ODA được kí kết và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư hơn 706,3 triệu USD. Việc thu hút các dự án ODA trong những năm qua được chia thành năm giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1996-2000 thu hút 36 dự án với tổng vốn 83,42 triệu USD, giai đoạn 2001- 2005 có 26 dự án tổng vốn 103,24 triệu USD, giai đoạn 2006-2010 có 24 dự án tổng vốn 93,13 triệu USD, giai đoạn 2011- 2015 có 23 dự án tổng vốn 252,4 triệu USD và giai đoạn 2016- 2018 là 12 dự án với tổng vốn 132 triệu USD. Thu hút dự án ODA có sự chênh lệch nhau tương đối lớn về số lượng dự án, về tổng vốn trong từng giai đoạn. Ví dụ như số lượng dự án trong 3 năm 2016 - 2018 chỉ bằng 33% so với giai đoạn từ năm 1996 - 2000 nhưng tổng vốn đầu tư lại tăng hơn 57,4%. Số lượng dự án nhiều và nhà tài trợ vốn ODA cho Quảng Trị cũng rất phong phú với hơn 20 tổ chức như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên Hợp quốc, Quỹ OPEC vì Phát triển quốc tế (OFID); các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Tây Ban Nha, Ả Rập Xê Út...

Trong các nhà tài trợ ODA cho Quảng Trị, ADB là nhà tài trợ lớn nhất chiếm khoảng 52% tổng vốn với 27 dự án có tổng mức vốn khoảng 232,7 triệu USD, trong đó vốn vay hơn 222,8 triệu USD và viện trợ không hoàn lại hơn 9,9 triệu USD; tiếp theo là WB tài trợ ODA 13 dự án với tổng vốn khoảng 84,3 triệu USD, vốn vay hơn 69,5 triệu USD và viện trợ không hoàn lại khoảng 12,5 triệu USD. Các dự án ODA trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, hạ tầng giao thông - kĩ thuật, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, môi trường, du lịch. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Cảnh Hưng cho biết: “Đối với một tỉnh còn khó khăn như Quảng Trị, nguồn vốn ODA đã đóng góp quan trọng cho đầu tư phát triển. Quá trình triển khai trên địa bàn tỉnh cho thấy, các dự án ODA đều được thực hiện hiệu quả, đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra, tuân thủ các quy chế cũng như nguyên tắc về quản lí, sử dụng của Chính phủ Việt Nam và được các đối tác đánh giá cao”.

Đi qua nhiều địa phương ở Quảng Trị, không khó để nhận ra nhiều dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA khi đưa vào sử dụng đã thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực. Nổi bật là đầu tư nâng cấp, xây dựng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn; kết cấu hạ tầng nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu ở các huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh, Cam Lộ và Hải Lăng; hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, hệ thống đê điều, trạm bơm ở các huyện; hệ thống các trường tiểu học vùng lũ và trường trung học cơ sở, trường mầm non ở các địa phương; các công trình cấp nước quy mô nhỏ ở vùng nông thôn đồng bằng và miền núi; bệnh viện các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng cùng một số trạm y tế cấp xã được xây dựng mới, nâng cấp. Ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, các dự án ODA góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân thông qua việc cung cấp tín dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, kiến thức sản xuất, giống cây con để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất. Vốn ODA góp phần tăng cường bảo vệ môi trường và phát triển rừng bền vững của tỉnh bằng các dự án trồng rừng, cấp nước và vệ sinh môi trường, thu gom và xử lí chất thải, các nghiên cứu về giảm thiểu tác động của lũ lụt ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ và Đakrông.

Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án ODA cũng đóng góp tích cực vào việc tiếp nhận, cập nhật kinh nghiệm quản lí, điều hành tiên tiến, khoa học cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho một bộ phận cán bộ ở nhiều cơ quan chuyên môn các cấp. Ở thành phố Đông Hà, các dự án ODA với tổng mức đầu tư rất lớn đã và đang làm thay đổi cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông - kĩ thuật và diện mạo của đô thị trung tâm tỉnh lị đang trên hành trình trở thành đô thị loại II. Đơn cử như dự án Phát triển các đô thị dọc Hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) do ADB tài trợ đã dành số vốn rất lớn trong tổng số trên 2.250 tỉ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị, thiết lập và cải thiện các điều kiện môi trường đô thị. Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Nguyễn Chiến Thắng cho biết: “Xây dựng thành phố Đông Hà trở thành đô thị loại II vào năm 2020 có rất nhiều công việc phải làm và cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, nguồn vốn đầu tư công bị cắt giảm thì các dự án sử dụng vốn ODA có vai trò đặc biệt quan trọng. Đổi thay nhanh chóng về kết cấu hạ tầng giao thông - kĩ thuật, kiến trúc, không gian và mĩ quan đô thị của Đông Hà hôm nay đã chứng minh rõ điều này”.

Thanh Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140260