Vòng bảng EURO 2024: Nhiều cung bậc cảm xúc

Vòng đấu bảng EURO 2024 khép lại sau 13 ngày thi đấu, qua đó 16 tấm vé vào vòng 1/8 đã xác định được chủ nhân. Niềm vui dành cho những đội đi tiếp vào vòng sau cùng với đó là nỗi buồn, nuối tiếc của những đội phải dừng cuộc chơi sớm. Và sự bất ngờ - điều làm nên sự hấp dẫn của các kỳ EURO đã được tái hiện ở giải lần này...

 Gruzia - bất ngờ lớn nhất của EURO 2024

Gruzia - bất ngờ lớn nhất của EURO 2024

Những bất ngờ

Bước vào giảiđấu EURO 2024, có lẽ ít người hâm mộ túc cầu biết đến cái tên Gruzia - một đất nước nhỏ bé được tách ra từ Liên Xô cũ và thực tế thì nền bóng đá của quốc gia này cũng còn khá non trẻ, chưa có nhiều thành tích nổi bật (họ là đội có thứ hạng FIFA thấp nhất trong 24 đội tham dự EURO 2024). EURO 2024 là giải đấu lớn đầu tiên mà ĐTQG nước này góp mặt và ngay cả cái cách họ đến với vòng chung kết cũng khá nhọc nhằn, chỉ nhờ thành tích tốt ở Nations League mùa giải 2022 - 2023 (giải này được UEFA khai sinh từ năm 2018 để thay thế cho các trận giao hữu của các đội tuyển quốc gia châu Âu) nên họ mới có mặt ở vòng play-off tranh vé vớt vào tháng 3/2024 và vượt qua Hy Lạp để giành 1 trong 3 chiếc vé cuối cùng tham dự (cùng với Ba Lan và Ukraine).

Có lẽ không bị áp lực quá lớn nên họ thi đấu khá thoải mái và chính Gruzia chứ không phải đội bóng lớn hay danh tiếng nào khác đã tạo ra một trận đấu rất hấp dẫn với Thổ Nhĩ Kỳ ngay ở lượt đầu tiên. Sau khi giành điểm số lịch sử với trận hòa 1 - 1 trước Cộng hòa Séc, Gruzia đã tạo nên một cơn địa chấn thật sự bằng cách vượt qua Bồ Đào Nha có Ronaldo với tỷ số 2 - 0 để hiên ngang tiến vào vòng 1/8 với tư cách 1 trong 4 đội thứ 3 xuất sắc nhất. Đối thủ của họ ở vòng 1/8 là Tây Ban Nha - đội duy nhất toàn thắng cả 3 trận vòng bảng và cũng chưa bị chọc thủng lưới lần nào, một ứng cử viên thực sự nặng ký cho chức vô địch lần này. Song đối với HLV Willy Sagnol, các cầu thủ và người dân Gruzia thì đối thủ là ai giờ đây không quá quan trọng. Họ vẫn đang tiếp tục mơ.

Không đến mức gây sốc như Gruzia, nhưng đội tuyển (ĐT) Áo cũng mang đến cho người hâm mộ mà trình diễn rất ấn tượng. Nằm ở bảng D có hai "ông kẹ" Pháp và Hà Lan, nhưng Áo, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên (HLV) Ralf Rangnick đã thể hiện lối đá mang tính khoa học, được tổ chức tốt để đoạt ngôi đầu bảng, thậm chí họ còn ghi được số bàn thắng (6 bàn) bằng cả Pháp (2 bàn) và Hà Lan (4 bàn) cộng lại. Có thể xem Áo là ngựa ô của giải lần này.

 Tây Ban Nha, đội duy nhất toàn thắng ở vòng bảng

Tây Ban Nha, đội duy nhất toàn thắng ở vòng bảng

Các "ông lớn" hay, may và phập phù

Sau vòng bảng thì không có đội bóng lớn, ứng cử viên nào rơi rụng, nhưng cái cách mà mỗi đội thể hiện đem lại nhiều cảm xúc rất khác nhau. Chủ nhà Đức, sau những hoài nghi trước khi giải đấu diễn ra, đã có những màn trình diễn xuất sắc để đứng đầu bảng A với thành tích bất bại. Tất nhiên, các đối thủ ở bảng A của Đức chưa phải quá mạnh, hàng thủ của đội bóng này còn nhiều vấn đề như đã thể hiện trước Thụy Sĩ, nhưng ĐT Đức tạo dựng lại được niềm tin của người hâm mộ sau những thành tích bết bát ở các giải đấu lớn gần đây.

Người hâm mộ còn được chứng kiến một Tây Ban Nha không còn quá rườm rà nhưng bế tắc trong cầm bóng và chuyền bóng trước đây mà là một đội bóng chơi rất trực diện trên nền tảng phẩm chất kỹ thuật rất tốt của các cầu thủ, với những nhân tố trẻ rất nổi bật như Lamine Yamal (sắp 17 tuổi), Nico Williams (21 tuổi) hay một Pedri rất chững chạc ở tuổi 22. Bồ Đào Nha vẫn khẳng định được vị thế ông lớn trong một bảng đấu không quá mạnh (trận thua 0 - 2 trước Gruzia có thể xem là 1 tai nạn, khi Bồ Đào Nha đã chắc suất đầu bảng), song vấn đề đối với đội bóng này liên quan đến vai trò của người đội trưởng của họ. Với tầm ảnh hưởng của mình, HLV Martinez rất khó để Ronaldo ngồi dự bị, nhưng nếu anh tiếp tục tịt ngòi như ở vòng bảng thì Bồ sẽ tính sao đây?

Trái ngược với màn trình diễn của Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, các "ông lớn" Anh, Pháp, Italy, Hà Lan lại chưa khiến người hâm mộ yên tâm. Đương kim vô địch Italy dù giành ngôi nhì bảng B để vào vòng sau, nhưng phải thừa nhận là đội bóng áo thiên thanh còn thiếu quá nhiều điều để có thể bảo vệ thành công chức vô địch. Màn bị "tra tấn" bởi Tây Ban Nha ở lượt trận thứ 2 càng chứng tỏ Italy hiện nay thiếu hụt nhân sự thế nào.

Hà Lan, mặc dù không được đánh giá quá cao, nhưng việc họ thua trước Áo để lại nhiều hoài nghi về năng lực và tham vọng của đội bóng này. Pháp - ứng cử viên số 2 cho chức vô địch, với hàng công được đánh giá rất cao, lại thi đấu khá tậm tịt, mặc dù cơ hội mà họ tạo ra ở các trận đã qua là rất nhiều. Đội gây thất vọng và kém thuyết phục nhất là ĐT Anh - đội bóng luôn thu hút sự chú ý của truyền thông mỗi khi bước vào các giải đấu lớn. Màn trình diễn của ĐT Anh phải nói là bạc nhược, nhàm chán, vô hồn, do đó không có gì khó hiểu khi họ là đội duy nhất vào vòng 1/8 với ngôi đầu bảng nhưng lại nhận về rất nhiều chỉ trích.

 Luka Modric - cuộc chia tay không trọn vẹn

Luka Modric - cuộc chia tay không trọn vẹn

Không có cái kết hoàn hảo cho Luka Modric

EURO 88 lần này có thể là giải đấu cuối cùng của nhiều gương mặt kỳ cựu, như Toni Kroos (Đức), Lewandowski (Ba Lan), Olivier Giroud (Pháp), Ronaldo, Pepe (Bồ Đào Nha), Luka Modric (Croatia). Với việc các đội Ba Lan, Croatia đã bị loại, sự nghiệp quốc tế của Lewandowski, Luka Modric đã khép lại theo cách không được hoàn hảo. Người hâm mộ chắc sẽ còn ám ảnh mãi với ánh mắt thất thần, những giọt nước mắt đầy tiếc nuối, pha chút bất lực của Luka Modric khi anh nhận giải cầu thủ xuất sắc nhất trận Croatia - Italia, khi đội bóng của anh bị gỡ hòa ở những giây cuối cùng và bị loại khỏi cuộc chơi. Người đội trưởng, cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Croatia đã tận hiến đến những giây cuối cùng, nhưng không vượt qua được quy luật nghiệt ngã của bóng đá và có lẽ rất lâu lắm nữa, bóng đá Croatia mới sản sinh được một cầu thủ vĩ đại như thế.

Những kỷ lục

Vòng bảng EURO 2024 cũng đã xác lập một số kỷ lục mới. Bàn thắng ghi vào lưới Italia ở giây thứ 23 của cầu thủ Bajami (Albania) là bàn thắng nhanh nhất trong lịch sử các vòng chung kết Euro. Cầu thủ Lamine Yamal (Tây Ban Nha) là cầu thủ trẻ nhất ở 16 tuổi 338 ngày. Pepe của Bồ Đào Nha là cầu thủ lớn tuổi nhất (41 tuổi) ra sân, trong khi Luka Modric là cầu thủ lớn tuổi nhất ghi bàn thắng ở một trận đấu ở Euro (38 tuổi 289 ngày), tuy nhiên nếu Ronaldo có bàn thắng ở các trận đấu vòng sau thì kỷ lục này sẽ bị vượt qua.

Trận đấu Thổ Nhĩ Kỳ - CH Czechia là trận đấu có nhiều thẻ phạt nhất từ trước tới nay trong tất cả các giải đấu chính thức: 18 thẻ vàng và 2 thẻ đỏ. Vòng bảng Euro lần này còn ghi nhận rất nhiều bàn thắng phản lưới nhà (7 bàn) và khả năng rất cao là kỳ lục 11 bàn phản lưới của vòng chung kết Euro 2020 sẽ bị vượt qua. Ngoài ra, Lukaku còn là cầu thủ lập "kỷ lục" không ai mong muốn khi có 3 bàn thắng bị từ chối bởi VAR...

Trận đấu đầu tiên ở vòng 1/8 là cuộc đối đầu giữa Thụy Sĩ và Italia - hai đối thủ nhiều duyên nợ, diễn ra vào lúc 23 giờ, ngày 29/6/2024 (giờ Việt Nam), sau đó là trận đấu giữa chủ nhà Đức và Đan Mạch (2 giờ, ngày 30/6/2024). Với những diễn biến đã qua của vòng bảng, có nhiều lý do để tin rằng vòng đấu loại trực tiếp sẽ diễn ra hấp dẫn, căng thẳng, mang lại những bữa tiệc bóng đá thực sự cho người xem.

NGỌC ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-thao/vong-bang-euro-2024-nhieu-cung-bac-cam-xuc-142452.html