Vọng gác Cửa Tùng

Cửa Tùng là một địa danh đặc biệt trong thực hiện Hiệp định Genève năm 1954. Hiện nay, trong khuôn viên của Đồn Biên phòng Cửa Tùng, BĐBP Quảng Trị vẫn còn lưu giữ di tích Trạm kiểm soát liên hợp. Trước năm 1975, lực lượng Công an nhân dân vũ trang ở bờ Bắc và lực lượng Cảnh sát của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở bờ Nam cùng phối hợp kiểm soát tàu thuyền qua lại nơi đây.

Di tích Trạm kiểm soát liên hợp Cửa Tùng. Ảnh: Văn Chương

Di tích Trạm kiểm soát liên hợp Cửa Tùng. Ảnh: Văn Chương

"Cuộc chiến" trong lòng địch

50 năm về trước, Báo Công an nhân dân vũ trang đăng bài viết “Vọng gác Cửa Tùng”, vọng gác này thuộc Đồn Liên hợp Cửa Tùng. Hai từ “vọng gác” là một mảng đề tài rất lớn mà báo chí thời điểm đó thường chú tâm khai thác. Bởi ngay sát Đồn Liên hợp Cửa Tùng có một khu nhà ở, một trạm kiểm soát nhỏ để kiểm soát việc thông thương, giao lưu, đi lại của nhân dân hai miền. Hoạt động phối hợp giữa hai bên để thực thi Hiệp định Genève luôn có sự giám sát của Ủy ban quốc tế.

Trong bài viết cách đây 50 năm, tác giả Nguyễn Đức Thiện đã ghi chép không khí hăng say làm nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang Đồn Liên hiệp Cửa Tùng - đơn vị anh hùng trên giới tuyến Vĩnh Linh. Nhà báo Đức Thiện mô tả: “Đối diện với Cửa Tùng là Đồn Cát Sơn của Cảnh sát bờ Nam. Trong tầm mắt của mình có thể thấy rõ đồn bốt, tháp canh, hàng rào ấp chiến lược... Hằng tuần, có một tổ sang bờ Nam làm nhiệm vụ, các chiến sĩ vẫn phải bắt tay, làm việc, cùng ăn, cùng ngủ một chỗ với kẻ thù”.

Theo quy chế hoạt động của khu phi quân sự vùng giới tuyến, mỗi tuần các cặp Đồn Liên hợp hai bên đều phải thực hiện hoạt động đổi bờ, tức là kiểm tra chéo, đồn này sang thị sát đồn kia, rồi họp mặt giao ban, phản ánh tình hình và ký sổ. Đều đặn phải vậy. Thời gian đầu thực hiện khá nghiêm túc, chẳng có gì xảy ra. Bắt đầu từ cuối năm 1958, đầu 1960, cảnh sát bờ Nam bắt đầu giở trò “cù nhầy”, gây khó dễ, sau lấn tới khiêu khích, thậm chí là gây hấn với thái độ rất ngông nghênh, láo xược. Cuộc đấu tranh đòi chính nghĩa giữa những chiến sỹ cách mạng ở bờ Bắc với quân Việt Nam Cộng hòa ở bờ Nam diễn ra triền miên, căng thẳng từng giây từng phút.

Tác giả Nguyễn Đức Thiện kể lại, khi anh em Công an nhân dân vũ trang ở bờ Bắc sang bờ Nam để phối hợp, họ phải có bản lĩnh chính trị tuyệt đối vững vàng và "thần kinh thép" vì thường xuyên bị khiêu khích bằng đủ chiêu trò của cảnh sát ở bờ Nam. Hai cán bộ Nguyễn Xuân Dưỡng, Nguyễn Trọng Vinh đã tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch khi đối mặt và đối đầu với chúng là “cố gắng hòa giải, tránh đụng độ nhưng quyết không nhân nhượng”. Bằng mọi giá chúng ta phải thực thi đúng cam kết, bảo vệ lẽ phải, tránh không để bị cuốn vào âm mưu của địch để chúng lấy cớ phá hoại Hiệp định. Một công việc thật khó, thật phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh vững vàng, sự thông minh nhanh nhạy trong ứng biến của người đứng mũi chịu sào.

Câu chuyện của nhà báo Nguyễn Đức Thiện kể về Đồn Liên hợp Cửa Tùng, sau này rất giống với cuộc chiến không tiếng súng ở trại Davis (Ban liên hợp quân sự bốn bên, sau Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam) của phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong trại Davis nằm ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, suốt 823 ngày đêm, gần 300 cán bộ, chiến sĩ hai đoàn quân sự đã dũng cảm, mưu trí vượt lên muôn vàn khó khăn để buộc đối phương phải tuân thủ hiệp định Paris.

Hậu cứ cho Cồn Cỏ

Trong lịch sử viết về Cửa Tùng, có một câu chuyện về sự mưu trí, dũng cảm của những người lính giúp cho chiếc ghe chở vũ khí qua mặt được Cảnh sát ở bờ Nam, trong lúc lực lượng của hai bên đang phối hợp gác ngay cửa biển. Đó là vào phiên trực, chỉ huy đơn vị đã mật báo cho 2 chiến sĩ về việc từ khoảng 19 đến 20 giờ sẽ có 2 chiếc thuyền ngụy trang thuyền đánh cá và chở vũ khí từ Quảng Bình đi qua Cửa Tùng. 2 chiến sĩ phải có nhiệm vụ đánh lạc hướng, không để 2 tên Cảnh sát ở bờ Nam cùng ca trực ra kiểm tra 2 chiếc thuyền này.

Chiếc radio do Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Đồn Liên hợp Cửa Tùng. Ảnh: Tư liệu

Chiếc radio do Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Đồn Liên hợp Cửa Tùng. Ảnh: Tư liệu

Khi chiếc thuyền vào cửa biển, hai bên to tiếng với nhau vì phía Công an nhân dân vũ trang không phối hợp ra kiểm soát và trì hoãn để thuyền neo lại, sáng mai sẽ kiểm tra. Đêm đó, số vũ khí trên thuyền đã được vận chuyển vào bờ.

Hằng ngày, lực lượng hai bên đều ghi vào nhật ký “Biên bản đổi bờ”. Phần lớn các tờ biên bản đều ghi “tình hình bình thường”, thỉnh thoảng mới ghi chép, phản ánh một vài vụ việc liên quan đến thuyền đánh cá.

Biên bản ngày 28/6/1969 giữa hai bên đã đưa ra nhiều ý kiến, phía Cảnh sát ở bờ Nam đã nêu rõ: “Có 2 chiếc ghe không được kiểm soát, như vậy là vi phạm quy chế. Công an nhân dân vũ trang trong khi kiểm soát thuyền đánh cá đã tuyên truyền cho ngư dân về đấu tranh với chính quyền miền Nam”. Còn phía Công an nhân dân vũ trang có ý kiến: “Một số thuyền đánh cá ở bờ Nam đã kẻ vẽ lên thuyền, những khẩu hiệu trên ảnh hưởng tới việc kiểm soát”.

Giai đoạn này, nhiều thuyền đánh cá đã tham gia vận chuyển vũ khí để tiếp tế cho du kích ở bờ Nam, vì vậy, các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã mưu trí để bà con chở vũ khí đi thoát vào cửa biển. Tên tuổi những ngư dân vẫn còn được lưu trong "Biên bản đổi bờ" có thể kể đến như Trần Lư, Nguyễn Khuôn... Có thể họ chính là lực lượng đã tham gia vận chuyển vũ khí, vì trong "Biên bản đổi bờ" luôn đề cập về việc những chiếc ghe này đi vượt trạm.

Những người lính ưu tú

Đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị là người giữ nhiều ký ức về Cửa Tùng. Ông kể rằng, 100 chiến sĩ đầu tiên của Công an nhân dân vũ trang ở giới tuyến được tuyển chọn từ những chiến sĩ ưu tú của các Đại đội 340, 348 bộ đội địa phương các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và chiến sĩ Quân đội, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Trị. Riêng cán bộ, chiến sĩ Đồn Liên hợp Cửa Tùng đều được tuyển chọn kỹ, được Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang trực tiếp duyệt lý lịch từng người. Anh em phải đáp ứng tiêu chí về kiến thức quân sự và chính trị, học các kỹ năng ngoại giao như: Đi đứng, chào hỏi, bắt tay, nâng cốc, cụng ly, ca hát, đánh bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng... vì vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa thực hiện công tác địch vận.

Kết quả địch vận của những người lính Công an nhân dân vũ trang là viên Cảnh sát ở bờ Nam tên là Hồ Thắng đã từ bỏ chế độ ở miền Nam để về với cách mạng vào ngày 18/11/1966. Ghi nhận thành tích của Đồn Liên hợp Cửa Tùng, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... đã có thư, gửi quà tặng động viên cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Ngày 3/9/1973, đơn vị đã vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vong-gac-cua-tung-post469899.html