Vụ án Đông Á: Vay gần 1.700 tỷ đồng không đăng ký giao dịch bảo đảm

Bị cáo Trần Phương Bình khai thời điểm làm thủ tục vay 1.680 tỷ đồng của DAB, các bên chỉ ký hợp đồng thế chấp, không thực hiện công chứng và cũng chưa đăng ký giao dịch bảo đảm.

Ngày 14/3, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm ông Trần Phương Bình (64 tuổi, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB), Phùng Ngọc Khánh (cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M&C) và đồng phạm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 12-20 năm tù.

Là người đầu tiên trả lời xét hỏi, bị cáo Phùng Ngọc Khánh cho biết hiện Công ty M&C không còn hoạt động do kể từ ngày bị cáo bị bắt Công ty M&C chưa làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật.

Thừa nhận việc thỏa thuận với bị cáo Trần Phương Bình trước khi nhờ 5 Công ty trong nhóm M&C vay tiền tại DAB. Ông Khánh cho biết lý do dùng 5 công ty để vay tiền nhằm chia nhỏ các khoản vay để vay được số tiền lớn hơn vì theo quy định về hạn mức cấp tín dụng của ngân hàng, thì một doanh nghiệp không được vay quá 15% vốn tự có.

 Bị cáo Trần Phương Bình tại tòa. Ảnh: Dương Trang.

Bị cáo Trần Phương Bình tại tòa. Ảnh: Dương Trang.

Đứng trước bục khai báo, giọng chậm rãi, ông Trần Phương Bình khai liên quan đến chứng thư bảo lãnh và khoản vay 146 tỷ đồng của Công ty M&C, thời điểm đó DAB không đủ vốn để cho vay trung và dài hạn nên chỉ cho vay ngắn hạn.

Tuy nhiên, sau khi cho vay và đến hạn trả nợ, Công ty M&C không có nguồn tiền để chi trả cho DAB, nên đã đi vay tại Ngân hàng An Bình bằng hình thức phát hành trái phiếu. Để có thể vay tiền ở ngân hàng An Bình bằng trái phiếu, DAB đã phát hành chứng thư bảo lãnh trị giá 120 tỷ đồng.

Theo cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, bản chất của việc phát hành chứng thư bảo lãnh cho Công ty M&C là để sau khi M&C vay được tiền từ Ngân hàng An Bình, thì DAB thu về được số tiền 120 tỷ đồng, qua đó kéo dài thời gian trả nợ cho Công ty M&C.

"Bị cáo chỉ đạo cho Công ty M&C vay bắt buộc 146 tỷ đồng để công ty này trả nợ gốc và lãi trái phiếu cho Ngân hàng An Bình mục đích thời điểm đó không bị ảnh hưởng đến uy tín của DAB", ông Bình trình bày.

Tại tòa hôm nay, bị cáo Trần Phương Bình và Phùng Ngọc Khánh cùng thừa nhận thời điểm làm thủ tục vay tiền của DAB, thì Công ty M&C dùng 18 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty M&C để làm tài sản thế chấp cho khoản vay của nhóm 5 công ty với số tiền 1.680 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 bên chỉ ký hợp đồng thế chấp, không thực hiện công chứng và cũng chưa đăng ký giao dịch bảo đảm.

Theo HĐXX, việc thế chấp tài sản của các bị cáo không đúng quy định pháp luật về ngân hàng, về bản chất ngân hàng chỉ giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty M&C mà chưa thực hiện các thủ tục như công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm.

 Bị cáo Phùng Ngọc Khánh bị áp giải đến tòa. Ảnh: Dương Trang.

Bị cáo Phùng Ngọc Khánh bị áp giải đến tòa. Ảnh: Dương Trang.

Cáo trạng xác định giai đoạn 2007-2013, ông Trần Phương Bình là Tổng giám đốc và Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng ngân hàng. Cuối năm 2012, Sở giao dịch của DAB cho 5 công ty thuộc nhóm M&C vay 1.680 tỷ đồng. Nhóm này gồm Công ty Ngôi Sao vay 400 tỷ đồng, Công ty Liên Phát vay 400 tỷ đồng, Công ty Phát Vạn Hưng vay 410 tỷ đồng, Công ty Biển Bạc vay 380 tỷ đồng, Công ty Minh Quân vay 90 tỷ đồng và Công ty CP M&C vay hơn 146 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo chung cho những khoản vay trên là một phần giá trị quyền sử dụng khu đất diện tích hơn 62.000 m2 thuộc dự án 7,6 ha tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Quá trình DAB hội sở cho 5 công ty thuộc nhóm M&C vay tiền, ông Bình là người ký phê duyệt đồng ý cho vay. Tuy nhiên, số tiền cho vay đã không được bên vay sử dụng theo mục đích vay, mà được dùng để trả nợ cho các khoản vay khác của M&C.

Một trong các khoản vay trên diễn ra khi các bị can Trần Hoài Ân (cựu cán bộ tín dụng DAB Sở giao dịch), Nguyễn Chí Công (cựu phó Phòng tín dụng) và Nguyễn Đức Tài (cựu giám đốc DAB Sở giao dịch) lập, ký tờ trình vay dài hạn 400 tỷ đồng của Công ty Ngôi Sao. Sau đó, ông Bình ký duyệt đồng ý cho vay. Theo phương án vay vốn, phía Ngôi Sao nói dùng tiền để góp vốn đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh dự án 7,6 ha tại quận 2, TP.HCM với Công ty Liên Phát.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Công ty Liên Phát không dùng để đầu tư vào dự án như phương án vay vốn, mà sử dụng tiền để trả nợ, rút tiền mặt và chuyển hơn 51 tỷ đồng cho ông Trương Quốc Phục. Tính đến ngày 24/5/2022, khoản vay 400 tỷ đồng trên vẫn còn dư nợ với số tiền lãi là trên 826 tỷ đồng.

VKS cáo buộc những sai phạm của ông Bình vi phạm quy định Luật Các tổ chức tín dụng, Quy chế bảo lãnh Ngân hàng và Điều lệ của DAB, gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền trên 5.500 tỷ đồng. Bị can Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền thiệt hại này.

Dương Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-an-dong-a-vay-gan-1700-ty-dong-khong-dang-ky-giao-dich-bao-dam-post1411805.html