Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Bắc Kạn: Kiến nghị ĐBQH làm rõ dấu hiệu vi phạm tố tụng

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới 3 công nhân của Điện lực Bắc Kạn đang nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận. Hiện vụ việc cũng đang có nhiều đơn kiến nghị gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn giám sát, tránh oan sai.

Các bị cáo và bị hại tại phiên tòa sơ thẩm

Các bị cáo và bị hại tại phiên tòa sơ thẩm

Liên quan tới vụ việc này, trước đó, ngày 16/6/2020, Báo Công lý đăng tải bài viết “Xét xử vụ án lừa đảo tại Bắc Kạn: Tòa trả hồ sơ để làm rõ nhiều tình tiết”. Bài viết phản ánh, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Kạn, năm 2012, Nguyễn Song Lý (sinh năm 1974, là công nhân của Điện lực huyện Ngân Sơn, thuộc Điện lực Bắc Kạn), quen biết bà Lê Thị Kiêm có nhu cầu xin việc cho cháu gái Lý Thị Linh (quê quán huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) vào làm ngành điện lực.

Sau đó Lý gặp nói chuyện và được Trần Thị Minh Hằng (sinh năm 1968 là công nhân Điện lực Thành phố Bắc Kạn) đồng ý giúp xin việc cho Linh. Tiếp đó, Hằng hỏi Lâm Văn Thông (công tác tại Công ty Điện lực tỉnh Bắc Kạn) vì biết Thông có nhiều mối quan hệ ở Hà Nội để nhờ vả.

Vài ngày sau, Thông trả lời Hằng là được và bảo họ chuyển hồ sơ đưa Thông. Sau khi nhận được thông tin từ Thông, Hằng đã nói với Lý là xin được việc cho Linh vào làm việc tại Điện lực Cao Bằng và bảo gia đình làm hồ sơ. Sau đó, Lý gặp bà Kiêm đưa thông tin sẽ xin được việc cho Linh vào Điện lực Cao Bằng với chi phí 230 triệu đồng.

Bà Kiêm tin tưởng Lý xin được việc nên ngày 19 và 24/9/2012 đã đưa cho Lý 230 triệu đồng. Lý có viết giấy vay tiền với bà Kiêm trong thời hạn 3 tháng để làm tin.

Ngày 26/09/2012, Lý đến ngân hàng chuyển 190 triệu đồng xin việc của Linh cho Hằng, còn giữ lại 40 triệu đồng để sử dụng. Ngày 12/11/2012, Hằng chuyển số tiền 180 triệu đồng xin việc của Linh cho Thông tại nhà ông Hoàng Hữu Vịnh (sinh năm 1960, trú tại Thành phố Bắc Kạn). Ông Vịnh được Hằng nhờ đứng tên viết giấy cho Thông vay tiền 180 triệu đồng với thời hạn 5 tháng để làm tin. Hằng giữ lại 10 triệu đồng để sử dụng cá nhân.

Cáo trạng khẳng định mặc dù không có nhiệm vụ về công tác tuyển dụng nhưng Lý đã trao đổi với Hằng. Hằng tiếp tục nói với Thông cùng đưa ra thông tin không có thật là xin được việc cho Linh. Bà Kiêm tin tưởng sẽ được việc cho Linh nên đã tự nguyện giao Lý 230 triệu đồng. Sau đó Lý chiếm đoạt 40 triệu đồng, chuyển cho Hằng 190 triệu đồng. Hằng tiếp tục chiếm đoạt 10 triệu đồng, chuyển cho Thông 180 triệu đồng.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 1

Toàn cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 1

Trước quan điểm truy tố của VKSND tỉnh Bắc Kạn, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 16/6, Luật sư Trần Quốc Toản, Công ty Công ty TNHH Luật Trương Anh Tú bào chữa cho các bị cáo đề nghị triệu tập các điều tra viên của CQĐT Công an tỉnh Bắc Kạn, trong đó có điều tra viên Trịnh Xuân Phương nhằm làm rõ việc ghi biên bản hỏi cung không đúng với trả lời của Lý, Hằng ở giai đoạn điều tra ngày 19/07/2019 và 22/07/2019. Đồng thời, triệu tập và áp dụng biện pháp dẫn giải với người làm chứng Nguyễn Thái Công và những người tham gia tố tụng khác.

Luật sư Toản cũng yêu cầu tòa triệu tập những người tham gia tố tụng mới là Giám đốc Công ty Điện lực Cao Bằng và huyện Bảo Lâm nhằm làm rõ hợp đồng khoán việc ký với Linh có ý nghĩa thế nào, cũng như quy trình tiếp nhận, điều động người lao động với Linh. Bởi vì, “Cơ quan điều tra, tố tụng Bắc Kạn chưa làm rõ những vấn đề này nhưng đã cáo buộc các bị can là phạm tội”- Luật sư Toản nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, trong bản kiến nghị lần 3 gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Luật sư bào chữa cho các bị cáo cho biết, ngày 02/12/2019, Bút lục 644, lời khai của bà Kiêm tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Kạn đã ghi rõ buổi làm việc được ghi hình có âm thanh. Tuy nhiên, Công an tỉnh Bắc Kạn lại không đưa vào hồ sơ vụ án các thẻ nhớ ghi hình buổi lấy lời khai để người bào chữa và Tòa án kiểm chứng sự chính xác, trung thực giữa ghi lời khai và bản ghi hình có âm thanh là có dấu hiệu rút bỏ tài liệu hồ sơ vụ án.

Liên quan tới vật chứng của vụ án, theo kiến nghị gửi tới Đoàn ĐBQH được biết, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần thứ nhất ngày 15/05/2020, TAND tỉnh Bắc Kạn nêu rõ vật chứng đưa ra xem xét gồm điện thoại di động của Nguyễn Song Lý (điện thoại này có chứa dữ liệu ghi âm nội dung Lý làm việc qua các thời kỳ tại Công an huyện Ngân Sơn và Công an tỉnh Bắc Kạn để chứng minh không có việc Lý gian dối…). Tuy nhiên, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử lần hai ngày 07/07/2020, trong phần vật chứng của vụ án lại không đưa chiếc điện thoại này vào. Chính điều này khiến người bào chữa của các bị cáo cho rằng không đảm bảo sự khách quan trong việc đánh giá chứng cứ của vụ án. Đồng thời, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lý đã đề nghị HĐXX công khai các bản ghi âm có trong điện thoại của Lý. Luật sư cũng yêu cầu cho tiếp cận dữ liệu này nhưng cũng chưa được chấp nhận, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi về việc không đưa vật chứng vào Quyết định đưa ra xét xử, Thẩm phán Chu Đức Quế, chủ tọa phiên tòa cho biết, trong quyết định lần 1 thì HĐXX có đưa ra để xem xét tuy nhiên đã trả hồ sơ, nếu có yêu cầu xem xét tại phiên tòa thì sẽ căn cứ vào quy trình tố tụng. Trong phiên tòa sắp tới nếu các bên có ý kiến yêu cầu xem xét thì HĐXX sẽ mở vật chứng, hiện tại vật chứng đang nằm tại thi hành án. Việc có đưa vật chứng ra tòa hay không thì do HĐXX sẽ xem xét có cần thiết hay không. Việc đưa vật chứng vào trong Quyết định đưa ra xét xử là do HĐXX, nếu tại phiên tòa có người yêu cầu xem xét thì HĐXX thì sẽ có trách nhiệm lấy vật chứng ra.

Đối với yêu cầu triệu tập Điện lực Cao Bằng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ để làm rõ bản chất của hợp đồng khoán việc đối với bị hại Linh, Thẩm phán Chu Đức Quế cho rằng HĐXX nếu thấy có căn cứ cần triệu tập thì sẽ mời nhưng thấy không cần vì trong hồ sơ đã có những biên bản xác minh. Tại tòa, HĐXX sẽ cho các bên được trình bày, tranh tụng, đối chất…theo đúng quy định để làm rõ vụ án.

Được biết, Luật sư Toản cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Kạn đề nghị giám sát nhưng chưa được thực hiện. Qua trao đổi với phóng viên, bà Phương Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Bắc Kạn cho rằng vụ án đang trong quá trình tố tụng, chưa có bản án nên chưa đủ căn cứ để giám sát. Đoàn sẽ thực hiện giám sát khi có đầy đủ thông tin từ các bên.

Nhóm PV

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/cau-chuyen-phap-dinh/vu-an-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tai-bac-kan-kien-nghi-dbqh-lam-ro-dau-hieu-vi-pham-to-tung-49884.html