Vụ án thừa kế… dài hơn 32 năm vẫn chưa xong

Nguyên đơn trong vụ tranh chấp thừa kế cho rằng: 'Nhà đất 672 - 674 (số cũ 812 - 814) Điện Biên Phủ (P11, Q10 cũ, TPHCM) trước đó được xác định là tài sản công phải bán đấu giá, nhưng sau lại bán chỉ định với giá bán duyệt theo quyết định đã hết hiệu lực'(?!). Vụ án này kéo dài hơn 32 năm, đến nay tiếp tục bị kháng cáo… chờ xét xử phúc thẩm, nhưng vẫn chưa có hồi kết.

MỎI MÒN QUA HƠN 3 THẬP KỶ

Cuối tháng 5/2025, Chuyên đề Công an TPHCM (Báo Công an TPHCM) nhận được đơn và hồ sơ của ông Châu Bá Hảo (SN 1967, ngụ Q1, TPHCM), là nguyên đơn trong vụ án “Tranh chấp thừa kế, tranh chấp tài sản và tranh chấp khác” vừa được TAND TPHCM xét xử sơ thẩm. TAND TPHCM tuyên Bản án số 32/2025/DS-ST ngày 22/01/2025 về “Tranh chấp thừa kế…” (Bản án số 32/2025). Sau bản án sơ thẩm này, phía nguyên đơn, trong đó có ông Hảo đã kháng cáo…

Vụ án này đã kéo quá dài về thời gian đến tận hơn 32 năm. Trước đó, từ tháng 4/1993 TAND Q10 đã thụ lý hồ sơ, sau đó chuyển lên TAND TPHCM và 9/1994 TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm, tuyên các đồng thừa kế được chia tài sản theo quy định. Tuy nhiên, bản án này bị kháng cáo. Đến tháng 12/1994, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xét xử lại, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao về cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu. Tháng 02/1995, TAND TPHCM thụ lý lại vụ án theo thủ tục, nhưng… “ngâm” hơn 30 năm sau. Đến ngày 22/01/2025, TAND TPHCM mới xét xử và tuyên bản án sơ thẩm (lần 2, Bản án số 32/2025) và bị nguyên đơn kháng cáo...

Theo Bản án số 32/2025 và hồ sơ vụ án cùng trình bày từ phía nguyên đơn, khu nhà đất có diện tích gần 1.300m2, nguồn gốc của gia đình ông Châu Văn Tư tạo lập và sử dụng trước năm 1975. Trên khuôn viên đất, ông Tư dành một phần nhỏ để ở, phần còn lại sử dụng làm xưởng cao su. Ông Tư có 4 người vợ, 8 con chung. Ông Tư chết năm 1989, không để lại di chúc. Trong khi vụ việc tranh chấp tài sản thừa kế đang được Tòa án thụ lý giải quyết thì năm 2016, UBND TPHCM đã “bán chỉ định” nhà đất cho một mình ông Châu Văn Luân (một trong những người con của ông Tư). Từ đây, những người con khác thuộc hàng thừa kế của ông Tư bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện nhiều năm nay mà vẫn chưa có hồi kết.

Nhà đất nơi đang tranh chấp thừa kế

Nhà đất nơi đang tranh chấp thừa kế

TÀI SẢN CÔNG YÊU CẦU BÁN ĐẤU GIÁ, NHƯNG LẠI “BÁN CHỈ ĐỊNH”

Qua tìm hiểu, quá trình giải quyết bán nhà đất này có nhiều điểm mâu thuẫn? Trước đó, các cơ quan quản lý xác định nhà đất thuộc tài sản công phải bán đấu giá, nhưng về sau lại xác định bán chỉ định. Theo hồ sơ, gia đình ông Tư vốn làm nghề đắp vỏ xe từ trước năm 1975. Năm 1979, UBND TPHCM chấp thuận cho ông Tư đưa cơ sở vào hợp danh với Nhà nước (thuộc Công ty sản xuất vật tư Sở Giao thông Vận tải). Sau đó, xí nghiệp này được sáp nhập vào Xí nghiệp công tư hợp danh. Đến tháng 4/1991, UBND TPHCM ban hành quyết định giải thể Xí nghiệp công tư hợp danh và xác định vốn cổ đông xưởng cao su của ông Tư và Nhà nước.

Năm 1989, ông Tư chết mà không để lại di chúc. Năm 1993, vợ và các người con của ông Tư có đơn kiện tranh chấp quyền thừa kế đối với phần vốn trong công ty hợp danh và nhà đất nói trên. Riêng về đất, theo Chỉ thị 93/TTg ngày 03/02/1978 của Thủ tướng Chính phủ, phần đất dùng vào sản xuất kinh doanh sẽ không định giá, đất là tài sản quốc gia. Như vậy, khi Xí nghiệp công tư hợp doanh này vẫn sử dụng mặt bằng đất, nhưng không còn là chủ quyền của ông Tư. Đến thời điểm năm 2002 và 2003, UBND TPHCM có công văn về giải quyết tài sản của Xí nghiệp công tư hợp danh này. Theo đó, UBND TPHCM giao cho Hội đồng định giá và bán nhà xưởng Thành phố xác định giá trị nhà xưởng theo giá thị trường và tổ chức bán đấu giá công khai. Đến tháng 3/2011, UBND TPHCM có văn bản chấp thuận chuyển giao nhà đất nói trên cho Công ty TNHH MTV Quản lý nhà TPHCM tạm quản lý trong thời gian chờ lập thủ tục bán đấu giá. Đồng thời, giao công ty này tiếp tục triển khai việc bán đấu giá nhà đất nói trên. Tại Công văn 6638 ngày 31/8/2015, Sở Tài chính TPHCM một lần nữa nhắc lại: “Hiện nay, TAND TPHCM đang thụ lý vụ án tranh chấp thừa kế bên phía cổ đông tư. Tòa án sẽ là cơ quan quyết định người thừa kế hợp pháp của cổ đông tư”.

Tuy nhiên, đến khi ông Châu Bá Luân (một trong những người con của ông Tư) xin xem xét được mua chỉ định nhà đất nói trên, các cơ quan Nhà nước sau đó lại có cách lý giải khác và đề xuất UBND TPHCM chấp thuận bán chỉ định nhà đất cho ông Luân. Cụ thể, theo Văn bản 5860 ngày 30/10/2015 của Sở Tư pháp báo cáo UBND TPHCM, Sở này đã chủ trì, làm việc với các cơ quan Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải, thống nhất xác định phần vốn tư trong Xí nghiệp hợp doanh là tài sản của ông Châu Bá Tư và ông Châu Bá Luân. Ông Châu Bá Luân là một trong hai cổ đông của xí nghiệp hợp doanh. Đồng thời, các cơ quan này dẫn quy định trong Công văn 5136 năm 2003 do Phó Chủ tịch UBND TPHCM (lúc đó là ông Nguyễn Văn Đua) ký để làm căn cứ đề xuất bán chỉ định nhà đất trên cho ông Luân. Tháng 8/2016, UBND TPHCM có quyết định chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên cho ông Luân. Đến tháng 6/2017, UBND TPHCM có quyết định bán chỉ định cho ông Luân phần tài sản trên đất của Xí nghiệp công tư hợp danh cao su.

Ông Hảo bức xúc: “Từ việc xác định là tài sản công phải bán đấu giá, nhà đất đã được chuyển sang bán chỉ định duy nhất cho 1 người con của ông Tư là ông Luân với giá gần 6 tỷ đồng. Như vậy là không bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho những người thừa kế còn lại”.

Do chưa xác lập được chủ quyền nên vị trí mặt tiền đắc địa này vẫn đang là bãi đất trống.

Do chưa xác lập được chủ quyền nên vị trí mặt tiền đắc địa này vẫn đang là bãi đất trống.

GIÁ BÁN “CHỈ ĐỊNH” THEO QUYẾT ĐỊNH HẾT HIỆU LỰC

Ông Châu Bá Hảo (một trong những người con của ông Châu Văn Tư) cho hay, giả sử việc được bán chỉ định, các người con còn lại của ông Tư cũng phải được quyền mua chứ không riêng gì một mình ông Luân? Theo ông Hảo, việc cho phép cổ đông bên tư được xin nhận chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất theo hai hướng, trong đó nếu đất có nguồn gốc do gia đình chủ cũ tạo lập hợp pháp thì mua lại theo giá quy định của Nhà nước. Như vậy, có thể hiểu các cổ đông bên tư gồm ông Châu Văn Tư và ông Châu Bá Luân được quyền mua lại nhà đất nói trên. Ông Tư đã chết, đồng nghĩa với việc các đồng thừa kế (8 người con và các bà vợ, trong đó có ông Luân) được thừa kế quyền mua. “Trong khi bán chỉ định cho một mình ông Luân đã khiến cho những người trong hàng thừa kế thứ nhất của ông Tư mất đi quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng. Đáng nói, tại thời điểm bán, Tòa án vẫn còn đang thụ lý vụ án tranh chấp tài sản thừa kế này, cho nên việc bán cho một mình ông Luân có nhiều điều cần xem xét lại”, ông Hảo bức xúc.

Theo Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: Qua tài liệu hồ sơ vụ án, cần làm rõ các cơ sở pháp lý khi các cơ quan chức năng chuyển việc xác định nhà đất 672 - 674 Điện Biên Phủ từ đất công phải bán đấu giá sang bán chỉ định cho ông Luân có đúng hay không? Trong trường hợp đặt giả thuyết nhà đất trên không phải tài sản công và được bán chỉ định cho các cổ đông, cần xác định đơn vị này có hai hội viên góp vốn gồm ông Châu Văn Tư 310 cổ phẩn (tương đương 88,5% vốn điều lệ) và ông Châu Văn Luân góp 40 cổ phần (tương đương 11,5% vốn điều lệ). Sau khi ông Tư chết, đáng lẽ ra toàn bộ những người thừa kế của ông (bao gồm cả ông Châu Bá Luân) sẽ được hưởng thừa kế phần quyền lợi cổ đông. Điều này đồng nghĩa với việc những người thừa kế này cũng được quyền đề nghị mua chỉ định nhà đất nêu trên cùng với ông Luân. Nếu chỉ bán chỉ định cho ông Luân, người chỉ chiếm 11,5% vốn góp, là không bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho những người thừa kế còn lại.

Điều đáng nói, quyết định bán nhà đất nêu trên cho ông Luân được ban hành năm 2016, nhưng giá đất phê duyệt lại được áp theo Bảng giá đất năm 1995 của UBND TPHCM, và bảng giá này đã hết hiệu lực từ lâu. Việc phê duyệt giá bán dựa trên Bảng giá đất đã hết hiệu lực là một một trong những yếu tố cần được làm rõ (?!).

Văn Toàn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thong-tin-ban-doc/vu-an-thua-ke-dai-hon-32-nam-van-chua-xong_180288.html