Vụ bắt cóc trẻ em không có lời giải tại Hàn Quốc

Tháng 1/1991, Lee Hyung-ho, con trai một gia đình khá giả tại Hàn Quốc bị bắt cóc.

Bạn bè, người thân đến dự lễ tang của Lee Hyung-ho.

Bạn bè, người thân đến dự lễ tang của Lee Hyung-ho.

Trong hơn một tháng sau đó, gia đình Lee cùng cảnh sát bị “xoay vần” bởi kẻ thủ ác giấu mặt.

Những cuộc gọi không báo trước

Lee Hyung-ho, 9 tuổi, bị bắt cóc vào năm 1991.

Lee Hyung-ho, 9 tuổi, bị bắt cóc vào năm 1991.

Ngày 29/1/1991, sau khi tan học, cậu bé Lee Hyung-ho, 9 tuổi, đi bộ đến công viên gần nhà chơi cùng bạn học. Khoảng 17 giờ 30 phút, khi bạn bè đã về nhà, chỉ còn mình cậu bé chơi xích đu giữa khoảng sân rộng lớn trong công viên. Đó là lần cuối cùng hàng xóm nhìn thấy Lee Hyung-ho.

Đến 19 giờ, chưa thấy con trai về nhà, bố cậu vô cùng sốt ruột và lo lắng. Ông đi tìm khắp khu nhà và gọi điện hỏi thăm bạn bè của con nhưng không ai hay tin về cậu bé. Gia đình Lee vội gọi điện báo cảnh sát.

Từ khi Lee Hyung-ho còn nhỏ, bố mẹ em ly dị. Cậu bé sống với cha và mẹ kế trong căn biệt thự sang trọng nằm ở Gangnam, khu dành cho giới nhà giàu ở Seoul, Hàn Quốc. Bố của Lee Hyung-ho là chủ một doanh nghiệp tư nhân.

Ngày hôm sau, gia đình của Hyung-ho nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông lạ mặt. Hắn nói: “Con trai anh đang ở trong tay tôi. Hãy chuẩn bị 70 triệu won trong hai ngày. Tôi sẽ gọi lại cho anh, đừng hòng báo cảnh sát”.

Lúc này, cảnh sát đang có mặt tại nhà Hyung-ho để tìm hiểu vụ mất tích. Ngay sau đó, họ đã lắp đặt nhiều thiết bị giám sát trong nhà Hyung-ho để chờ đợi cuộc gọi tiếp theo của kẻ bắt cóc. Tuy nhiên, trong hai ngày tiếp theo, kẻ bắt cóc “án binh bất động”.

Sáng 31/1, điện thoại nhà họ Lee một lần nữa đổ chuông. Lần này, mẹ kế của Hyung-ho nhấc máy. Phía bên kia điện thoại truyền tới giọng của một người đàn ông, nói: “Tôi gọi đến từ đồn cảnh sát Seocho ở Seoul. Chị hãy chuyển máy cho cảnh sát bên cạnh”.

Vị cảnh sát đang túc trực tại nhà Hyung-ho lập tức nhận ra điều bất thường. Gia đình cậu bé sống tại quận Gangnam nên đồn cảnh sát ở một quận khác không được phép gọi điện đến nhà dân không thuộc phạm vi quản lý của mình.

Nghĩ vậy, anh ra hiệu cho mẹ kế của nạn nhân trả lời: “Tôi chỉ là một người dân thường, làm gì có cảnh sát ở đây. Anh nhầm máy rồi”. Khi chị vừa dứt lời, đối phương vội vàng dập máy.

Lá thư đe dọa của kẻ bắt cóc gửi cho gia đình Lee.

Lá thư đe dọa của kẻ bắt cóc gửi cho gia đình Lee.

Điều này chứng tỏ cuộc gọi thăm dò đến từ kẻ bắt cóc. Hắn muốn kiểm tra xem liệu bố mẹ của Hyung-ho có báo cảnh sát hay không. Đồng thời, nó cũng thể hiện kẻ bắt cóc là người thông minh, suy nghĩ cẩn trọng.

Không lâu sau, hắn ta gọi điện lại, yêu cầu bố của Hyung-ho mang theo 70 triệu won tiền mặt đến bãi đỗ xe thứ hai tại sân bay Seoul Gimpo.

Nghe lời kẻ bắt cóc, ngày hôm sau, ông Lee chuẩn bị một túi xách to màu đen, chứa đầy tiền mặt để mang đến điểm hẹn. Cơ quan điều tra bố trí một cảnh sát nấp ở băng ghế sau cùng một nhóm cảnh sát mặc thường phục lái xe theo sau.

Đến nơi, ông Lee nháy đèn xe hai lần theo yêu cầu của kẻ bắt cóc. Đáp lại, hắn ta gọi điện, giọng quát nạt: “Tôi đã bảo ông đi một mình. Vậy ai ở phía sau xe kia?”.

Có vẻ hắn ta đã quan sát ông Lee theo một đoạn đường và từ khoảng cách xa nên phát hiện viên cảnh sát nấp ở băng ghế sau. Dù vậy, ông Lee vẫn bình tĩnh trả lời: “Làm gì có ai ngồi ở sau. Tôi đi một mình mà? Anh có nhầm với xe khác không vậy?”.

Tuy nhiên, kẻ bắt cóc liên tục yêu cầu thay đổi địa điểm gặp mặt từ rạp hát trên đường Chungmuro đến cửa hàng gà rán, tiệm bánh ngọt... Cứ như vậy, ông Lee cùng nhóm cảnh sát đi lòng vòng quanh Seoul suốt nhiều tiếng đồng hồ mà không thu được kết quả gì.

Cùng lúc đó, người mẹ kế ở nhà cũng nhận được điện thoại từ kẻ bắt cóc. Qua điện thoại, giọng hắn ta chứa đầy sự tức giận: “Không phải tôi đã nói không được gọi cảnh sát sao? Tôi nhìn thấy cảnh sát mặc thường phục ngồi bên cạnh chồng cô”.

Viên cảnh sát túc trực tại nhà lập tức nghi ngờ kẻ bắt cóc gọi điện để thăm dò bởi mỗi lần thay đổi địa điểm giao dịch, cơ quan điều tra lại cử các nhóm cảnh sát khác nhau cải trang thành người đi đường để bám theo. Do đó, rất khó có thể phát hiện ra tung tích của đội điều tra.

Tuy nhiên, khi viên cảnh sát chưa kịp ra hiệu, mẹ kế của Hyung-ho, do quá lo lắng, đã phân bua: “Không, chúng tôi không gọi cảnh sát. Có thể ông nhà tôi lo lắng nên gọi bạn bè đi theo”.

Kẻ bắt cóc lập tức cúp máy và không liên lạc thêm kể từ đó.

Tiến hành giăng lưới

Cảnh sát phác họa chân dung kẻ bắt cóc.

Cảnh sát phác họa chân dung kẻ bắt cóc.

Ngày hôm sau, kẻ bắt cóc một lần nữa yêu cầu ông Lee lái xe đến sân bay Seoul Gimpo. Mặc cho ông đợi ở đó cả ngày, hắn ta gọi điện yêu cầu vợ của Lee lái xe từ nhà đến một sạp báo nhỏ vào lúc 2 giờ 30 phút sáng cùng với túi tiền chuộc. Sau khi đỗ xe cạnh sạp báo theo mệnh lệnh từ kẻ bắt cóc, chị ta đánh liều núp gần đó để quan sát cùng với nhiều thanh tra từ đội cảnh sát.

Ít lâu sau, một người đàn ông 30 tuổi xuất hiện gần khu vực và liên tục liếc nhìn về chiếc xe. Người đàn ông chỉ đứng ngắm một lúc rồi rời đi. Sau này, khi được hỏi tại sao không bắt người đàn ông khả nghi đó, cảnh sát lập luận rằng, họ sợ bắt nhầm người sẽ “rút dây động rừng” khiến kẻ bắt cóc trốn thoát. Trong 4 ngày tiếp theo, không có tin tức gì về kẻ bắt cóc.

Đến ngày 5/2, bảy ngày sau khi Hyung-ho mất tích, gia đình nhận được cuộc gọi từ kẻ bắt cóc, thông báo từ giờ sẽ liên lạc qua thư và tin nhắn. Kẻ bắt cóc yêu cầu ông Lee đến một địa chỉ được chỉ định và tìm bức thư nặc danh. Trong thư, kẻ bắt cóc yêu cầu ông Lee chuyển 20 triệu won vào hai tài khoản ngân hàng, với số tài khoản được ghi sẵn trong đó.

Cảnh sát đã kiểm tra kỹ càng mẩu giấy nhưng không tìm thấy bất kỳ dấu vân tay nào. Xung quanh địa điểm liên lạc cũng không có camera giám sát. Đáng chú ý, hai ngân hàng mà ông Lee được yêu cầu chuyển tiền cũng không có thiết bị giám sát và theo dõi an ninh.

Ông Lee quyết định chuyển trước 20 triệu vào một trong hai tài khoản với lý do chưa gom đủ tiền. Dù vậy, kẻ bắt cóc chưa từng rút tiền từ tài khoản này.

Đến chiều 13/2, hắn ta lại gọi điện hỏi ông Lee đã gom đủ tiền chưa rồi yêu cầu bố của nạn nhân mang 50 triệu won tiền mặt đến dưới cầu sông Hàn vào 20 giờ cùng ngày. Ở đó, hắn ta đã để sẵn một bức thư dưới hòn đá cạnh ống thép.

Ông Lee yêu cầu được nghe thấy giọng của con trai, song kẻ bắt cóc đe dọa: “Ông không yêu con trai mình sao? Ông muốn Hyung-ho chết hay không? Đây là cơ hội cuối cùng nên hãy liệu mà cư xử cho tốt”.

Mang theo chút hy vọng cuối cùng cứu con trai, ông Lee, nay đã kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, vẫn tiếp tục lần theo hướng dẫn của kẻ bắt cóc đến cầu sông Hàn và tìm thấy bức thư. Trong thư yêu cầu ông bỏ tiền vào một chiếc hộp sắt trên cầu. Người bố chỉ nhét 100.000 won vào hộp sắt, còn lại đều là giấu trắng.

Ở gần đó, cảnh sát đã giăng lưới để tóm gọn nghi phạm khi hắn đến lấy tiền. Đúng như dự đoán, khoảng 22 giờ 15 phút, một chiếc ô tô phóng đến, giật lấy hộp sắt rồi lao đi không dừng lại. Cảnh sát có mặt tại hiện trường không kịp phản ứng nên để hắn chạy mất, thậm chí biển số xe cũng không kịp ghi lại.

Đến khoảng 1 giờ sáng, kẻ bắt cóc gọi điện cho ông Lee với giọng giận dữ: “Mày dám mang tiền giả ra lừa tao. Mày không muốn con trai trở về nữa à? Nhưng cảm ơn vì không báo cảnh sát”. Kể từ đó, kẻ bắt cóc hoàn toàn cắt đứt liên lạc.

Rơi vào ngõ cụt

Thi thể của Hyung-ho được tìm thấy ở cống thoát nước gần sông Hàn.

Thi thể của Hyung-ho được tìm thấy ở cống thoát nước gần sông Hàn.

Trong vòng 15 ngày, hắn ta đã sử dụng 13 số điện thoại, gọi 87 cuộc cho gia đình Hyung-ho. Nhưng ngoài giọng nói và chữ viết tay thu thập trên những bức thư, cảnh sát không tìm thấy bất kỳ manh mối nào. Họ đành chuyển sự chú ý vào 20 triệu nằm trong ngân hàng chưa từng được động tới.

Cảnh sát đã yêu cầu ngân hàng này đóng băng tài khoản. Vào ngày 19/2, một người đàn ông đã đến chi nhánh phía Tây Đông Seoul của ngân hàng để rút 20 triệu từ tài khoản của mình.

Tuy nhiên, nhân viên giao dịch ngân hàng vào thời điểm đó không ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chỉ thông báo rằng tài khoản của người này đã bị đóng băng. Phía ngân hàng cũng không cung cấp lý do tài khoản bị đóng băng cho giao dịch viên và chủ tài khoản.

Do không nhận được tiền, người đàn ông nhanh chóng rời khỏi ngân hàng. Quá trình này không được ghi lại bởi ngân hàng trên không lắp đặt camera giám sát.

Nhân viên giao dịch trở thành người duy nhất nhìn thấy kẻ bắt cóc nhưng hắn ta trùm kín mặt, giao dịch chóng vánh, nên nhân chứng gần như không có ấn tượng. Theo mô tả, hắn ta ngoài 30 tuổi, dáng dấp trung bình, cao khoảng 1,67m đến 1,7m, nói giọng Seoul xen lẫn tỉnh Jeollanam-do.

Ngày 13/3, 44 ngày sau khi Hyung-ho bị bắt cóc, người dân phát hiện một xác chết gần miệng cống thoát nước gần sông Hàn, cách cầu Jamsil 1,5 km về phía Tây. Tại hiện trường, cảnh sát ghi nhận mắt, mũi và miệng nạn nhân bị quấn bằng băng keo dán còn tay và chân bị trói chặt bằng dây nilon. Em vẫn mặc bộ quần áo vào hôm mất tích nhưng mang đôi giày mới.

Kết quả khám nghiệm tử thi chỉ ra nguyên nhân cái chết là ngạt thở. Thức ăn còn lại trong dạ dày giống với những gì cậu bé đã ăn vào ngày mất tích. Theo phỏng đoán, thời gian tử vong vào khoảng 2 ngày sau khi Hyung-ho bị bắt cóc. Thi thể bị bỏ trong tủ đông thời gian dài rồi bị vứt xuống sông vài ngày trước khi được phát hiện.

Trước đó, cảnh sát không tiết lộ diễn tiến vụ án để giữ bí mật và truy lùng kẻ bắt cóc. Nhưng khi vụ việc chuyển thành vụ giết người, các phương tiện truyền thông bắt đầu đưa tin công khai.

Cảnh sát Hàn Quốc đã phải chịu rất nhiều chỉ trích và áp lực dư luận khi để thoát một kẻ bắt cóc được đánh giá là máu lạnh nhưng cũng rất mưu mô, xảo quyệt. Hắn có thể là cảnh sát hoặc từng là cảnh sát vì xử lý vụ án khéo léo, không để lại dấu vết.

Cùng với đó, hàng chục nghìn người đã cung cấp manh mối. Cảnh sát cử gần 10.000 điều tra viên tham gia vụ án. Trong những tháng sau đó, hơn 400 nghi phạm bị bắt giữ cùng với 28.000 đối tượng khả nghi bị điều tra, trong đó có chú của Lee Hyung-ho, em trai của mẹ ruột cậu bé.

Người này có giọng nói giống với kẻ bắt cóc đến 92%, lại đang thất nghiệp. Tuy nhiên, vào ngày Hyung-ho bị bắt cóc, người này có đủ bằng chứng ngoại phạm.

Vụ án dần rơi vào bế tắc và khép lại từ tháng 1/2016, khi hết thời hạn truy cứu trách nhiệm theo luật Hàn Quốc. Đến nay, ai là hung thủ trong vụ án thương tâm này vẫn là một câu hỏi không có lời giải.

Theo Kyen

Anh Khoa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vu-bat-coc-tre-em-khong-co-loi-giai-tai-han-quoc-post626668.html