Vụ bắt 'Công chúa Huawei' có thể làm chiến tranh thương mại leo thang

Theo CNN, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc với chiến tranh thương mại và công nghệ có thể sẽ càng leo thang sau việc Giám đốc Tài chính Huawei bị bắt tại Canada.

Sự kiện Canada bắt giữ Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của tập đoàn Huawei, theo yêu cầu của chính phủ Mỹ khiến Bắc Kinh nổi giận và nhiều nhà đầu tư hoảng sợ. Vụ việc đồng thời làm dấy lên những nghi ngờ về thỏa thuận đình chiến thương mại mà lãnh đạo 2 nước vừa mới chỉ đạt được cách đây ít ngày.

Huawei là một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc với doanh số smartphone thậm chí đã vượt Apple. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tham gia xây dựng mạng viễn thông ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, công ty này từ lâu đã được tình báo Mỹ xem như một mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Việc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và có những giao dịch với quốc gia Hồi giáo này được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ bắt giữ con gái của nhà sáng lập Huawei.

Mạnh Vãn Châu là con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nhưng lại lấy họ mẹ. Ảnh: Alexei Druzhinin

Mạnh Vãn Châu là con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nhưng lại lấy họ mẹ. Ảnh: Alexei Druzhinin

“Dưới thời Obama, Mỹ đã buộc tội nhiều nhân viên Trung Quốc với các cáo buộc tương tự nhưng không sẵn sàng để đưa ra những hành động quyết liệt như với Mạnh Vãn Châu. Washington lo ngại Bắc Kinh có thể trả đũa lợi ích của Mỹ ở Trung Quốc hoặc các nước khác,” các nhà phân tích chính trị của Eurasia Group cho hay.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc bắt giữ lãnh đạo cấp cao của Huawei là bằng chứng về việc Mỹ không hề e ngại trong cuộc chiến với Trung Quốc.

Những gì diễn ra tiếp theo tới với Mạnh Vãn Châu có thể gây ra hậu quả to lớn đối với mối quan hệ Mỹ - Trung và hoạt động của Huawei trong tương lai.

Chiến tranh thương mại leo thang

Vụ bắt giữ diễn ra ngay lúc chính phủ Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận giải pháp cho các vấn đề dẫn đến xung đột thương mại nhiều tháng qua.

“Hành động này sẽ ảnh hưởng đến bầu không khí xung quanh các cuộc đàm phán. Khả năng về ổn định bền vững sẽ thấp hơn”, chuyên gia phân tích tại Eurasia Group nhận xét.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang trở lại vì vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu. Ảnh: EBM.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang trở lại vì vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu. Ảnh: EBM.

Trước đó, theo tuyên bố hôm thứ năm vừa qua của Bộ Thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh tự tin sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ trong thời hạn 90 ngày “đình chiến”.

Nhưng vụ bắt giữ “Công chúa Huawei” đã khiến giới chức Trung Quốc giận dữ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ và Canada “ngay lập tức sửa chữa sai lầm” và thả tự do cho Mạnh Vãn Châu.

Câu hỏi quan trọng hiện tại nằm ở những hành động tiếp theo của Bắc Kinh và Washington. Nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc có thể trả đũa và nội các của Tổng thống Trump đang chuẩn bị những nước cờ mới trong cuộc đấu với quốc gia đông dân nhất thế giới.

Scott Kennedy, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington cho rằng “cả Mỹ và Trung Quốc cần phải cư xử một cách thận trọng và ý thức rõ ràng về những lợi ích dài hạn của mình.”

Công nghệ đang là trung tâm của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Chính quyền Tổng thống Trump từng tuyên bố các hàng rào thuế quan áp lên hàng Trung Quốc là một phần trong nỗ lực ngăn chặn quốc gia này có được các công nghệ của Mỹ. Giới chức Mỹ cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đã sử dụng những biện pháp không minh bạch như hoạt động tội phạm công nghệ cao hay buộc các công ty Mỹ giao lại bí mật thương mại.

Nhiều nguồn tin chứng tỏ việc bắt giữ Mạnh Vãn Châu diễn ra cùng ngày Washington và Bắc Kinh đồng ý “đình chiến” thương mại. “Phải xem hành động này như một sự leo thang với chiến tranh thương mại”, PGS. Christopher Balding, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Fulbright Việt Nam, nêu quan điểm.

Huawei nên lo lắng về tương lai

Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu là một trong những động thái mạnh mẽ nhất chống lại Huawei của Mỹ. Trước đó, công ty này không được tham gia cung cấp thiết bị viễn thông cho các nhà mạng Mỹ. Các quan chức Mỹ nhiều lần cáo buộc chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng các sản phẩm của Huawei cho mục đích gián điệp dù công ty luôn một mực phủ nhận.

Sự kiện này có thể chỉ là “khởi đầu cho chuỗi các hành động tiếp theo chống lại Huawei và ban điều hành”, các nhà phân tích của Eurasia Group dự đoán.

Huawei có thể sẽ tiếp tục hứng chịu những hành động trừng phạt từ Mỹ. Ảnh: Reuters.

Huawei có thể sẽ tiếp tục hứng chịu những hành động trừng phạt từ Mỹ. Ảnh: Reuters.

ZTE, đối thủ của chính Huawei, là ví dụ điển hình cho những gì chính phủ Mỹ sẵn sàng thực hiện. ZTE đã điêu đứng trong nhiều tháng và đứng trước bờ vực phá sản khi bị chính quyền của Tổng thống Trump cấm mua thiết bị. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn cầu là đối tác của ZTE cũng chịu thiệt hại.

Cuộc khủng hoảng của ZTE chỉ chấm dứt khi đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhờ Tổng thống Trump giúp đỡ. Trường hợp của ZTE càng minh chứng rõ hơn sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ, điều mà Bắc Kinh luôn muốn giảm thiểu.

Một lệnh cấm tương tự với Huawei có thể tạo ra tác động khủng khiếp hơn nhiều khi sản phẩm của Huawei được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.

Những động thái tiếp theo trong vụ Mạnh Vãn Châu sẽ là chìa khóa quan trọng với tương lai của Huawei.

Việt Đức
Lược dịch theo CNN

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vu-bat-cong-chua-huawei-co-the-lam-chien-tranh-thuong-mai-leo-thang-post898772.html