Vụ cựu phó chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận hối lộ: Xử lý các bản án đã tuyên ra sao?

Cần xem xét lại các bản án, quyết định do cựu phó chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử, để đảm bảo sự khách quan và công bằng, công lý được thực thi.

Như PLO đã đưa tin, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tấn Hoàng (cựu phó chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng (cũ) - nay là Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng) về tội nhận hối lộ theo khoản 2 Điều 354 BLHS.

Ngày 17-7-2025, ông Phạm Tấn Hoàngđã đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao để đầu thú về hành vi nhận hối lộ 140 triệu đồng. Ông Hoàng nhận số tiền này để xét xử phúc thẩm giúp bị cáo Trần Hoàng Đan phạm tội giết người được giảm 1,5 năm tù.

Ngoài nhận số tiền 140 triệu đồng nêu trên, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác định ông Hoàng còn có hành vi nhận hối lộ để xét xử giám đốc thẩm có lợi cho đương sự trong vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc xảy ra tại tỉnh Quảng Trị.

 Cựu phó chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Tấn Hoàng. Ảnh: Báo Công Lý

Cựu phó chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Tấn Hoàng. Ảnh: Báo Công Lý

Cựu phó chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Tấn Hoàng là bị can thứ 27 trong vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ - xảy ra tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành - đã được Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đề nghị truy tố hồi tháng 5-2025.

Nhiều bạn đọc thắc mắc những bản án, quyết định mà ông Hoàng đã xét xử (có liên quan đến hành vi nhận hối lộ trong vụ án nêu trên) có bắt buộc phải rà soát, kiểm tra lại không?

Trao đổi với PLO, Luật sư Nguyễn Trần Phương, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết pháp luật tố tụng dân sự, hành chính và hình sự đều có cơ chế để xem xét lại những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bằng thủ tục giám đốc thẩm khi có căn cứ xác định kết luận của bản án, quyết định đó có dấu hiệu không khách quan, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của đương sự hoặc những bản án, quyết định đó vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Ngoài thủ tục giám đốc thẩm thì người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền cũng có quyền xem xét lại bản án quyết định đã có hiệu lực theo thủ tục tái thẩm khi có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

Lưu ý, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử mà là thủ tục đặc biệt để xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Về cơ quan, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì các luật tố tụng đều quy định Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao.

Như vậy, trong vụ án này, các bản án mà bị can Phạm Tấn Hoàng đã xét xử phúc thẩm dù bước đầu cho thấy bị can này đã nhận tiền trước khi tuyên án và kết quả đúng theo ý của người đưa tiền (chưa khẳng định là các phán quyết đó là sai quy định của pháp luật).

Nhưng để xem xét một cách thận trọng và đảm bảo công lý được thực thi, thì TAND Tối cao, VKSND Tối cao cần xem xét lại toàn bộ các bản án, quyết định mà các bị can là thẩm phán, chủ tọa phiên tòa đã ban hành để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (nếu có căn cứ).

Đối với các bản án, các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, quyết định giám đốc thẩm trong các vụ việc nêu trên, Cơ quan điều tra đã có văn bản chuyển Vụ Công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND Tối cao, Vụ kiểm sát án dân sự VKSND tối cao và Vụ kiểm sát án hành chính, kinh doanh thương mại VKSND tối cao, để đề nghị xem xét lại theo quy định.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-cuu-pho-chanh-an-tand-cap-cao-tai-da-nang-nhan-hoi-lo-xu-ly-cac-ban-an-da-tuyen-ra-sao-post862127.html