'Vũ điệu' ngoại giao ở Thái Bình Dương

Washington vừa lên kế hoạch mở các đại sứ quán mới cũng như chuẩn bị một gói tài trợ chiến lược trị giá 810 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực này đang trở thành tâm điểm mới của cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.

Động thái dồn dập của Mỹ

Tại thủ đô Nuku'alofa của Tonga hồi đầu tháng 5, quốc kỳ của Mỹ đã được kéo lên trong buổi lễ khai trương một tiền đồn ngoại giao mới của nước này ở các đảo Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước Thái Bình Dương tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ và các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra ở Nhà Trắng ngày 29.9.2022. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước Thái Bình Dương tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ và các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra ở Nhà Trắng ngày 29.9.2022. Ảnh: Reuters

Quyền Ngoại trưởng Tonga, Samiu Vaipulu, gọi sự kiện này là “lịch sử” và “được chờ đợi từ lâu”. “Hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ lâu dài và bền chặt giữa Vương quốc Tonga và Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ”, Bộ Ngoại giao Tonga cho biết trong một thông cáo báo chí. Về phần mình, các quan chức ngoại giao ở Washington ca ngợi việc mở đại sứ quán là biểu tượng của sự đổi mới quan hệ và nhấn mạnh sức mạnh cam kết của Mỹ đối với quan hệ song phương và quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ cũng có kế hoạch thành lập các đại sứ quán ở Vanuatu và Kiribati khi các đảo ở Thái Bình Dương trở thành một đấu trường cạnh tranh chiến lược quan trọng giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong khi quyết định hủy chuyến công du được chờ đợi của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Papua New Guinea vào phút thứ 89 đặt ra một số câu hỏi về cam kết của Washington, các nhà quan sát cho rằng, việc Mỹ tăng cường can dự với các quốc đảo Thái Bình Dương trong những tháng gần đây cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông Joe Biden dự kiến đến thăm Papua New Guinea ngay sau khi đến Hiroshima tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 từ ngày 19 - 21.5. Và nếu như thế, ông sẽ là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm quốc đảo này. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị hủy bỏ vào phút chót do ông phải quay trở lại Washington ngay lập tức để xử lý các cuộc đàm phán về trần nợ công.

Thay thế cho Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Papua New Guinea vào 22.5 để thảo luận về một loạt vấn đề từ thương mại đến an ninh khu vực với các nhà lãnh đạo đảo quốc Thái Bình Dương. Tại đây, ông Blinken đã ký một hiệp ước quốc phòng với Papua New Guinea, cho phép hai quốc gia chia sẻ chuyên môn kỹ thuật và cùng nhau “tuần tra tốt hơn” trên biển. Thủ tướng James Marape phát biểu tại lễ ký kết rằng, với thỏa thuận an ninh mới, Papua New Guinea đang “nâng cao” mối quan hệ với Washington.

Ông Corey Bell, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc của Đại học Công nghệ Sydney cho biết, sự gia tăng hiện diện lãnh sự quán và đại sứ quán Mỹ trong khu vực - bao gồm cả kế hoạch đặt đại sứ quán tại Tonga - là một “biểu tượng mạnh mẽ cho thấy vị thế và tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực” trong ưu tiên đối ngoại của Washington.

Ông Alan Tidwell, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia, New Zealand và Thái Bình Dương tại Đại học Georgetown, cho biết những động thái gần đây của Washington chính là nhằm thực hiện cam kết mà Tổng thống Biden đã đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo các đảo Thái Bình Dương vào tháng 9 năm ngoái. Tại hội nghị này, Tổng thống Biden cam kết tăng cường can dự với các đảo Thái Bình Dương trong khi đưa ra Chiến lược quốc gia đầu tiên của Washington cho khu vực - một gói tài chính hào nhoáng trị giá 810 triệu USD.

“Phần lớn lịch sử thế giới của chúng ta sẽ được viết ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới. Và các đảo ở Thái Bình Dương là tiếng nói quan trọng trong việc định hình tương lai đó”, Tổng thống Biden phát biểu tại Hội nghị. “Và đó là lý do tại sao chính quyền của tôi đã ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia của bạn”.

Với đại sứ quán mới ở Tonga, Mỹ đang tìm cách củng cố “trật tự dựa trên luật lệ” và “các giá trị dân chủ mà họ coi là quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng toàn cầu”, Mihai Sora, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại Đại học Australia, cho biết. Ông nói thêm rằng các đảo ở Thái Bình Dương là một “yếu tố sống còn” trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vì các lãnh thổ đại dương rộng lớn và vị trí chiến lược của các nước này, khiến khu vực trở thành một điểm trung chuyển quan trọng cho các hoạt động thương mại và quân sự.

Tonga đặc biệt quan trọng đối với Washington vì quốc đảo nằm dọc theo eo biển nối liền Australia và Mỹ. Ông Corey Bell lưu ý rằng khi Trung Quốc xâm nhập vào Thái Bình Dương, Tonga “có thể được coi là một trong những quốc gia có thể tham gia cuộc chơi”.

Bước đi của Bắc Kinh

Trong cuộc đua này, Trung Quốc cũng không tỏ ra chậm chân; tháng 4 năm ngoái, Bắc Kinh và quần đảo Solomon đã ký một thỏa thuận hợp tác an ninh cho phép các lực lượng Trung Quốc thực hiện các chuyến thăm và dừng nghỉ bằng tàu ở đó. Vào thời điểm đó, các nhà phân tích cho rằng hiệp ước này là kết quả của việc Washington “thờ ơ” với khu vực và là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở đó.

Các đảo Thái Bình Dương được chia thành ba nhóm - Micronesia, Melanesia và Polynesia. Theo truyền thống, Mỹ tập trung vào nhóm đầu tiên trong khi dựa vào Australia và New Zealand cho hai nhóm còn lại trong các vấn đề ngoại giao và quân sự. Nhưng động thái mở đại sứ quán mới ở Tonga - thuộc Polynesia - “là bằng chứng rõ ràng hơn về sự can dự rộng lớn hơn của Mỹ ở khu vực”, ông Bell nói. “Cú sốc sau thỏa thuận an ninh giữa Solomon với Trung Quốc có lẽ là một trong những động lực chính đằng sau sự thúc đẩy này”.

Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục thắt chặt quan hệ với các đảo quốc theo cách của họ; tháng trước, đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề quốc đảo Thái Bình Dương Qian Bo, đã gặp một phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo chính trị từ Thái Bình Dương và trình bày các chính sách của Bắc Kinh đối với khu vực.

Nhà phân tích Corey Bell cho biết, Trung Quốc đã đạt được “những lợi ích đáng kể” trong khu vực, bao gồm cả công việc cứu trợ thiên tai ở Tonga vào năm ngoái sau vụ phun trào núi lửa và sóng thần ở đó; nhưng ông nói rằng Trung Quốc có thể đã “hơi vội vã” khi cố gắng thúc đẩy một hiệp ước an ninh đa quốc gia sau thành công của họ ở quần đảo Solomon.

“Họ đã nhầm lẫn sự nhiệt tình của các nước Thái Bình Dương trong việc hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc với sự nhiệt tình muốn Trung Quốc thay thế hoặc thay thế một phần vai trò an ninh của Australia và Mỹ trong khu vực”. Theo ông Corey Bell, các quốc gia Thái Bình Dương sẽ luôn sẵn sàng nhận viện trợ từ Trung Quốc cũng như hợp tác an ninh vô thưởng vô phạt; nhưng họ sẽ dè dặt với bất kỳ ràng buộc an ninh nào sâu sắc hơn.

“Chìa khóa đối với Trung Quốc là không nên thực hiện những bước tiến lớn quá sớm về an ninh, điều có thể làm suy yếu lòng tin và báo động cho các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là khi các nước này cảm thấy những tham vọng an ninh của Trung Quốc trong khu vực còn thiếu rõ ràng”, ông Bell nói. Ông lưu ý rằng, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những bất lợi trong việc xây dựng quan hệ nhân dân mạnh mẽ. Ví dụ, các quốc gia như Tonga có mối quan hệ gia đình và di cư chặt chẽ với Australia và New Zealand.

Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết các đảo ở Thái Bình Dương - giống như bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới - sẽ rất quan trọng đối với các cường quốc thế giới như Mỹ và Trung Quốc. Ông Wang Huiyao nhấn mạnh rằng “không có giới hạn” nào cho các quốc gia đầu tư hoặc hợp tác với các quốc gia Thái Bình Dương. “Đó là một thế giới tự do, nếu họ muốn hợp tác với bất kỳ quốc gia nào khác thì đó là sự lựa chọn của họ”. “Thời gian sẽ cho biết ai thực sự ở giúp đỡ và ai không”, ông nói.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/vu-dieu-ngoai-giao-o-thai-binh-duong-i329989/