Vụ Hợp tác Quốc tế: Đẩy mạnh ngoại giao, hội nhập quốc tế

Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Xây dựng) thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; tổ chức thực hiện các công việc về hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế của Bộ theo sự phân công, ủy quyền của Bộ trưởng. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngành Xây dựng, phóng viên Báo Xây dựng có cuộc phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Trung Thành.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper.

Ông cho biết đặc điểm nổi bật trong công tác đối ngoại mà Vụ Hợp tác Quốc tế đạt được trong năm qua?

- Vụ đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong 2 UBLCP do Thủ tướng Chính phủ giao phụ trách với các nước Cuba và An-giê-ri, từng bước thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và hai nước để tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và các nước cùng xây dựng, vun đắp trong nhiều năm qua. Nổi bật là công tác đối ngoại Nhân dân mà Vụ Hợp tác quốc tế đã phối hợp với các đơn vị và Đại sứ quán Cuba thực hiện, đó là tổ chức Lễ trao tặng của DN Việt Nam ủng hộ Nhân dân Cuba về vụ cháy nổ kho nhiên liệu tại tỉnh Matanzas, Cuba.

Vụ nghiên cứu, đề xuất và tham gia hiệu quả vào các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là công tác hậu gia nhập WTO, APEC, CPTPP, EVFTA, hợp tác trong khối ASEAN và với các đối tác ngoài khối, hợp tác song phương và đa phương.

Vụ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tăng cường nghiên cứu, thu thập thông tin, tận dụng diễn đàn, hội nghị để tiếp cận các nhà tài trợ và vận động các dự án viện trợ không hoàn lại theo hướng tận dụng ưu tiên hỗ trợ của Chính phủ nước ngoài, phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành, bao gồm các dự án trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, phát triển nhà ở xã hội...).

Hoạt động đối ngoại đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ngành Xây dựng, đặc biệt là trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tham gia quản lý và thực hiện dự án ODA.

Xin ông chia sẻ công tác đối ngoại trong ngành Xây dựng có thuận lợi và khó khăn gì?

- Các quyết sách mà Đại hội Đảng đề ra là nguồn động lực to lớn, lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Sau 35 năm đổi mới, đất nước đã có thế và lực, uy tín và tiềm năng chưa từng có trong lịch sử. Quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trong công tác đã tìm tòi nhiều biện pháp, kết hợp trực tuyến, trực tiếp và nhiều hình thức khác để triển khai hoạt động rộng khắp, trên tất cả các mảng công tác đối ngoại song phương, đa phương, thông tin đối ngoại.

Tuy nhiên, trong công tác đối ngoại vẫn còn tồn tại một số khó khăn như một số đơn vị chưa có nhận thức rõ và đầy đủ về một số vấn đề đối ngoại, chưa huy động được toàn bộ hệ thống tham gia công tác đối ngoại, nhất là trong chủ trương hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương, một phần do khác biệt về lợi ích cơ chế thống nhất quản lý đối ngoại chưa tối ưu, các nguồn lực dành cho công tác đối ngoại, cả về vật chất và nhân sự còn hạn hẹp.

Thời gian tới, công tác đối ngoại ngành Xây dựng định hướng phát triển như thế nào, thưa ông?

- Công tác đối ngoại của đất nước nói chung và ngành Xây dựng nói riêng đang được triển khai trong bối cảnh chiến lược mới. Cơ sở cho nhận thức này xuất phát từ nhiệm vụ chiến lược mới, từ tầm vóc, vị thế mới của đất nước và từ những thay đổi của cục diện quốc tế.

Mục tiêu cao nhất của đối ngoại là phải tích cực đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu phát triển chiến lược đến 2025, 2030 và 2045 của đất nước. Yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại và ngành Xây dựng “cao hơn về chất lượng hiệu quả, sâu rộng hơn về lĩnh vực và lực lượng tham gia, đồng bộ chặt chẽ hơn về phối hợp, chủ động tích cực hơn trong triển khai”.

Nhiệm vụ của Bộ xây dựng tất yếu sẽ gắn chặt và liên thông nhiều hơn nữa với các nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương. Quá trình phối hợp sẽ cần đáp ứng các tiêu chí mới về nội dung và tính thời điểm, theo tinh thần: Chủ động, tích cực, toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, từ sớm, từ xa.

Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển là nhiệm vụ trung tâm, tạo chuyển biến mới, mạnh mẽ về tư duy, cách làm theo hướng sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm; quyết tâm đi vào những lĩnh vực, hướng đi mới, chuyển biến mạnh mẽ hơn trong hợp tác tăng trưởng xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu… trong quan hệ với các đối tác, thiết thực phục vụ các định hướng phát triển của đất nước; lồng ghép hiệu quả các nội hàm, mục tiêu phát triển vào các lĩnh vực và nhiệm vụ đối ngoại. Đẩy mạnh mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ, kinh nghiệm quản lý…, phục vụ quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương phù hợp với thế và lực mới của đất nước, triển khai hiệu quả Chỉ thị 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đóng góp tích cực vào Cộng đồng ASEAN, nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN, Tiểu vùng Mê Kông, APEC, ASEM… Chủ động thúc đẩy hợp tác thực chất hiệu quả với các cơ chế đa phương khác.

Tăng cường nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, nhất là các vấn đề tác động trực tiếp, lâu dài đến phát triển của ngành, đất nước và các vấn đề cấp bách trước mắt như phục hồi kinh tế...

Đẩy mạnh xây dựng tính chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, năng lực, chuyên môn, phong cách chuyên nghiệp, hiện đại, tư duy đổi mới, sáng tạo, nhạy bén, có tinh thần chủ động tiến công. Đồng thời, tiếp tục nâng cao sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các kênh và cơ quan đối ngoại, nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất quản lý đối ngoại, gia tăng tính bổ trợ, tạo thành sức mạnh tổng hợp về đối ngoại của ngành.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hạ Ly (thực hiện)

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vu-hop-tac-quoc-te-day-manh-ngoai-giao-hoi-nhap-quoc-te-353421.html