Vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long: Không gây hoang mang dư luận

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long là sự cố hy hữu, không nên vì thế mà hoang mang, ảnh hưởng đến ngành du lịch.

Liên quan đến vụ lật tàu chở khách tại vịnh Hạ Long, chia sẻ tại họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Cao Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, sự việc là hy hữu, bất khả kháng. Chúng ta buồn đau với những mất mát của đồng bào, tuy nhiên cũng không hoang mang mà làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn.

“Cần đánh giá một cách khách quan. Trên thế giới, du lịch tàu biển được ưa chuộng và an toàn. Giông lốc là khó dự đoán, khó dự báo”, ông Cao Lê Tuấn Anh thông tin.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch họp báo thường kỳ quý II/2025. Ảnh: Lê An

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch họp báo thường kỳ quý II/2025. Ảnh: Lê An

Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền những mặt tích cực, đặt biệt là đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch. Ông Cao Lê Tuấn Anh cho hay, tỉnh Quảng Ninh hết sức trách nhiệm, xây dựng kế hoạch truyền thông, qua đó để tạo tin yêu điểm đến.

Thông tin về công tác cảnh báo an toàn du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy cho biết: "Công tác cảnh báo, khuyến cáo về an toàn du lịch được ngành thực hiện thường xuyên. Công tác này không chỉ áp dụng riêng cho các nhóm hoạt động du lịch cụ thể, mà là yêu cầu thường xuyên đối với toàn ngành. Những nội dung này được lồng ghép trong các chương trình đào tạo, hướng dẫn ngay tại các cơ sở, trường học về du lịch".

Ngành du lịch cũng đã triển khai phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó và khắc phục hiệu quả trước thiên tai và rủi ro. Tại các địa phương, việc xử lý luôn được thực hiện theo phương châm "bốn tại chỗ": chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Liên quan vụ việc xảy ra tại Quảng Ninh, ngay khi nhận được thông tin về cơn bão, Cục Du lịch Quốc gia đã tổ chức họp trực tuyến khẩn với các đơn vị liên quan, phân công cán bộ phụ trách từng đầu mối, trực tiếp xuống hiện trường phối hợp xử lý.

Cùng thời điểm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành công điện với chỉ đạo chi tiết và quyết liệt hơn. Lãnh đạo Bộ và Cục đã phân công cán bộ chuyên môn phối hợp với tỉnh Quảng Ninh giải quyết tình huống, khắc phục tồn tại và sẵn sàng xử lý các sự cố tiếp theo nếu có.

Không chỉ tập trung cho miền Bắc, ngành du lịch cũng đã đưa ra khuyến cáo ứng phó với tình hình thời tiết phức tạp ở khu vực phía Nam. Sau khi Bộ trưởng ký ban hành Công điện tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025, đã có 12 địa phương chủ động ra văn bản chỉ đạo triển khai cụ thể tới tận các cơ sở.

"Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục khuyến cáo, cảnh báo các địa phương, đặc biệt là những điểm đến như vùng rừng núi, hang động, các khu vực du thuyền..., nhằm ngăn ngừa sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Đây là công việc phải được thực hiện xuyên suốt trong năm, không chỉ khi có bão lũ hay sự cố", đại diện Cục Du lịch Quốc gia thông tin.

Tàu Vịnh Xanh 58 chở 46 hành khách và 3 thuyền viên rời bến cảng Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh lúc 12h55 ngày 19/7, đến 13h30 khi gần hang Đầu Gỗ thì bị giông gió xô lật úp, tất cả người trên tàu rơi xuống biển. Đến 14h05, tàu mất kết nối GPS. Cho đến nay, cơ quan chức năng đã và đang thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ, khắc phụ hậu quả đối với các nạn nhân.

Trần Đình - Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-lat-tau-o-vinh-ha-long-khong-gay-hoang-mang-du-luan-412093.html