Vụ sát hại mẹ vợ tại Quảng Bình: Giải mã hành vi tàn bạo của con rể

Sau khi sát hại mẹ vợ, Lê Văn Triễn đã bỏ trốn vào khu vực rừng rậm trên địa bàn xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Do địa bàn hiểm trở, Công an tỉnh Quảng Bình đã sử dụng chó nghiệp vụ và flycam nhằm xác định nơi lẩn trốn của đối tượng Triễn.

Ngày 12/7, Công an tỉnh Quảng Bình đã sử dụng chó nghiệp vụ và flycam nhằm xác định nơi lẩn trốn của đối tượng Lê Văn Triễn (SN 1988, trú tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Triễn được xác định là nghi can sát hại mẹ vợ là bà Hà Thị Th (SN 1967).

Trước đó, người dân phát hiện bà Th tử vong phía sau vườn của gia đình nên đã báo công an. Khám nghiệm tử thi cho thấy, bà Th tử vong do bị người khác sát hại, gây thương tích nhiều chỗ trên người. Quá trình xác minh, Công an tỉnh Quảng Bình nhận định Lê Văn Triễn là nghi can đã sát hại bà Th. Công an tỉnh Quảng Bình kêu gọi Triễn sớm ra đầu thú để được nhận sự khoan hồng của pháp luật.

Chia sẻ về vụ án này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trường hợp có căn cứ cho thấy nghi phạm đang bỏ trốn chính là hung thủ đã sát hại nạn nhân thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 (Bộ luật Hình sự 2015), với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là: Có tính chất côn đồ; phạm tội đối với người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng.

"Với các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như trên, nếu bị kết tội, đối tượng Triễn sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình", luật sư Cường nói.

Chó nghiệp vụ được đưa đến khu vực nghi đối tượng Triễn đang lẩn trốn (ảnh TL)

Chó nghiệp vụ được đưa đến khu vực nghi đối tượng Triễn đang lẩn trốn (ảnh TL)

Cũng theo luật sư Cường, thời gian gần đây liên tục những vụ án mạng xảy ra mà hung thủ chính là những người thân trong gia đình. Nạn nhân thiệt mạng là vợ, con, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ của hung thủ, trong đó phần lớn đối tượng gây án là những kẻ có tiền án tiền sự, liên quan đến ma túy hoặc trong những gia đình mà mâu thuẫn kéo dài không có lối thoát... Đã đến lúc báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức của một số bộ phận không nhỏ trong xã hội. Mối quan hệ giữa vợ chồng, cha con và những người thân trong gia đình được duy trì trên cơ sở đầu tiên là các quy phạm đạo đức, sau đó là đến các quy phạm pháp luật.

Dưới góc độ đạo đức thì con cái phải biết vâng lời, kính trọng, yêu mến cha mẹ. Vợ chồng có bổn phận yêu thương, quý mến, giúp đỡ lẫn nhau. Khi con cái không biết vâng lời cha mẹ, không biết kính trọng cha mẹ, không phụng dưỡng cha mẹ, vợ chồng đánh cãi chửi nhau thì đó là biểu hiện của một gia đình mâu thuẫn, đạo đức xuống cấp và người đời cười chê.

Theo đó, những tranh chấp, mẫu thuẫn trong gia đình bắt nguồn từ khiếm khuyết, thấp kém trong văn hóa ứng xử, thêm vào đó là sự ích kỷ cá nhân và thiếu ý thức tôn trọng người khác. Ngoài ra, khó khăn quẫn bách về kinh tế, sa đà vào các tệ nạn xã hội, thiếu kỹ năng sống, không có văn hóa ứng xử phù hợp, không quản lý được cảm xúc đã dẫn đến mâu thuẫn gia tăng và kết thúc là án mạng đau lòng khiến người chết, kẻ dính vào tù tội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ án mạng mà hung thủ gây án là con rể, là chồng và nạn nhân là vợ, gia đình nhà vợ, trong đó có thể kể ra một vài nguyên nhân như: Đối tượng gây án thường là những đối tượng hung hãn và có tính ích kỷ cao độ, thường coi trọng lợi ích của mình mà so đo, coi nhẹ lợi ích của người khác. Khi quyền lợi của mình bị xâm phạm hoặc cho rằng mình đang chịu thiệt thòi thì đối tượng có thể tìm mọi cách để trả thù, đòi hỏi bằng được quyền lợi của mình, kể cả việc sử dụng bạo lực với những người thân.

Bên cạnh đó là việc mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, ngày càng căng thẳng nhưng không có phương hướng giải quyết phù hợp dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng ngày càng thêm trầm trọng. Khi mâu thuẫn dồn nén, cảm xúc và những suy nghĩ tiêu cực tích tụ đến một thời điểm thích hợp (khi họ cảm thấy không còn được tôn trọng, bị coi thường hoặc cho rằng quyền lợi của mình bị chiếm đoạt) thì có thể sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, dẫn đến án mạng xảy ra.

"Để giảm bớt những vụ án huynh đệ tương tàn, con cái sát hại cha mẹ thì việc đầu tiên là cần phải tăng cường giáo dục đạo đức xã hội, hoạt động giáo dục phải có hiệu quả sâu rộng trong nhân dân. Khi con người biết tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nhau thì những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm sẽ giảm đi", luật sư Cường chia sẻ.

Nguyễn Hằng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/vu-sat-hai-me-vo-tai-quang-binh-giai-ma-hanh-vi-tan-bao-cua-con-re-20210712180849239.htm