'Vua thép' Trần Đình Long và hành trình Hòa Phát làm nông nghiệp

Là mảng kinh doanh 'non trẻ', sau 9 năm phát triển, nông nghiệp đã trở thành một trong những trụ cột tại Hòa Phát, có thời điểm đóng góp tới 12% cơ cấu lợi nhuận...

Gần một thập kỷ làm nông nghiệp

Nhiều năm trở lại đây, giới doanh nhân Việt Nam chứng kiến làn sóng nhiều đại gia trên sàn chứng khoán đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó có ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG).

Trên thương trường, ông Long được ví là “vua thép" với hơn 30 năm xây dựng đế chế Hòa Phát từ một doanh nghiệp kinh doanh đồ cũ vào những năm 1992. Nhưng với nông nghiệp, đây vẫn là hành trình tương đối mới mẻ với vị tỷ phú ngành thép này.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.

Ngược thời gian về năm 2015, tỷ phú Trần Đình Long quyết định làm nông nghiệp bằng việc tiến công vào thị trường thức ăn chăn nuôi. Quyết định này được cụ thể hóa thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Thức ăn chăn nuôi có vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Vào thời điểm gia nhập ngành nông nghiệp, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long nhắm đến mảng thức ăn chăn nuôi với mục tiêu chiếm lĩnh 10% thị phần; quy mô đạt khoảng 3 tỷ USD trong 10 năm. Đồng thời, Hòa Phát cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt sản lượng 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm; 750.000 đầu heo thương phẩm/năm; 200.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm.

Kết quả là sau 9 năm dấn thân, nông nghiệp là một trong những trụ cột kinh doanh chính của Hòa Phát. Theo đó, Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát là một trong 5 công ty con cấp một của Hòa Phát. Lĩnh vực nông nghiệp Hòa Phát bao gồm 4 mảng kinh doanh chính là thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò và chăn nuôi gia cầm.

Ngoài công ty nông nghiệp, Tập đoàn Hòa Phát còn 4 công ty quản lý về gang thép, tôn mạ, bất động sản và gia dụng.

Tín hiệu phục hồi từ đáy lợi nhuận

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn từ 2016-2020, mảng kinh doanh “sinh sau đẻ muộn" của Hòa Phát ghi nhận tăng trưởng tích cực. Chỉ trong giai đoạn 5 năm nêu trên, doanh thu mảng nông nghiệp của Hòa Phát đã tăng 19 lần, lợi nhuận tăng 62 lần.

Từ chỉ đóng góp vỏn vẹn 0,4% lợi nhuận vào năm 2016, đến năm 2020 mảng nông nghiệp đã chiếm 12% cơ cấu lợi nhuận Tập đoàn Hòa Phát, đạt 1.620 tỷ đồng. Doanh thu từ mảng nông nghiệp Hòa Phát cũng cải thiện đáng kể, cán mốc 29.209 tỷ đồng, chiếm 32% tỉ trọng doanh thu tập đoàn năm 2020.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình hình kinh doanh Hòa Phát nói chung và mảng nông nghiệp nói riêng đều ghi nhận sụt giảm trong giai đoạn từ 2021-2022. Cụ thể, lợi nhuận từ nông nghiệp của Hòa Phát sụt giảm xuống 690 tỷ đồng vào năm 2021 rồi “bốc hơi” còn 84 tỷ đồng vào năm 2022; tương đương giảm hơn 87%. Nguyên nhân chính do chi phí đầu vào và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong giai đoạn đầu năm khiến giá vốn bị đẩy lên.

Bước sang năm 2023, dù doanh thu từ nông nghiệp vẫn sụt giảm nhưng lợi nhuận từ mảng kinh doanh này đã ghi nhận tín hiệu phục hồi, đạt 204 tỷ đồng, đóng góp 3% vào cơ cấu lợi nhuận của Hòa Phát.

Năm 2023, Hòa Phát ghi nhận thông tin tích cực khi cán đích 300 triệu quả trứng gà cung ứng ra thị trường trước 2 năm so với mục tiêu trước đó đề ra.

Năm 2023, Hòa Phát ghi nhận thông tin tích cực khi cán đích 300 triệu quả trứng gà cung ứng ra thị trường trước 2 năm so với mục tiêu trước đó đề ra.

Cũng trong năm 2023, Hòa Phát ghi nhận thông tin tích cực khi cán đích 300 triệu quả trứng gà cung ứng ra thị trường trước 2 năm so với mục tiêu trước đó đề ra. Dù dịch tả heo Châu Phi ở Việt Nam diễn biến phức tạp, song Hòa Phát vẫn đảm bảo sản lượng heo, vượt kế hoạch sản xuất đặt ra từ đầu năm.

Song, sản lượng chăn nuôi bò Úc trong năm 2023 của công ty lại đạt mức thấp do nhu cầu thị trường yếu cộng với sự cạnh tranh khốc liệt từ bò sống nhập lậu qua biên giới, thịt bò đông lạnh giá rẻ.

Thông tin từ báo cáo tài chính quý I/2024 của Hòa Phát, mảng nông nghiệp ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 1.517 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế từ mảng nông nghiệp ghi nhận đạt 182 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với số lỗ 116 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023 - đây là số lỗ lớn nhất lịch sử kinh doanh mảng nông nghiệp của Hòa Phát.

Quý I/2024, lợi nhuận sau thuế từ mảng nông nghiệp Hòa Phát đạt 182 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với số lỗ 116 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.

Quý I/2024, lợi nhuận sau thuế từ mảng nông nghiệp Hòa Phát đạt 182 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với số lỗ 116 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù so với mảng thép, kết quả sản xuất kinh doanh mảng nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do biến động thị trường, ban lãnh đạo Hòa Phát đánh giá, ngành chăn nuôi heo sẽ có triển vọng phục hồi, lợi nhuận tăng trưởng tốt trong năm 2024.

Bên cạnh đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Nguyễn Viết Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết Hòa Phát vẫn làm nông nghiệp song chưa có kế hoạch cụ thể cho chiến lược thương hiệu nông nghiệp.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vua-thep-tran-dinh-long-va-hanh-trinh-hoa-phat-lam-nong-nghiep-a670214.html