Vực dậy ngành xây dựng

Bức tranh ngành xây dựng từ đầu năm 2024 tới nay có thể chia ra làm 2 thái cực đối lập, công ty, DN chuyên về xây dựng dân dụng kém khả quan, trong khi DN xây dựng hạ tầng đã gặt hái lợi nhuận.

Bức tranh trái chiều

Theo đánh giá của Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), trong thời gian gần đây, ngoại trừ một số DN có chuyên môn về hạ tầng kỹ thuật được chỉ định tham gia vào các gói hạ tầng kỹ thuật lớn quốc gia, còn lại phần lớn DN xây dựng không có việc, đặc biệt là các công ty chuyên về xây dựng dân dụng.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc khi Chính phủ hiện tích cực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, với con số lên tới 642.000 tỷ đồng cho năm 2024. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân suy giảm, các hạng mục công trình đặc biệt có công trình xây dựng dân dụng ít đi, chỉ khoảng 30% tổng đầu tư toàn xã hội.

Thị trường bất động sản thời gian qua nhiều dự án gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các nhà thầu xây dựng dân dụng. Ảnh: Hải Linh

Thị trường bất động sản thời gian qua nhiều dự án gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các nhà thầu xây dựng dân dụng. Ảnh: Hải Linh

Kết quả kinh doanh của các DN cho thấy rất rõ thực tế giảm sút. Trong đó, có thể kể đến Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings trong quý đầu năm 2024 đạt doanh thu 203,2 tỷ đồng, giảm 41,41%; lợi nhuận sau thuế đạt 915 triệu đồng, giảm 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, Phục Hưng Holdings cũng đã trải qua năm 2023 nhiều khó khăn với lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 8,5 tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2022 và là mức lãi thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tại Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Xây dựng Hòa Bình), kết thúc quý đầu năm, doanh thu đạt 1.651 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn, Công ty đạt lợi nhuận gộp 21,3 tỷ đồng.

Sau khi trừ thuế, phí, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận sau thuế 56,6 tỷ đồng trong quý I/2024, kết thúc chuỗi thua lỗ 5 quý liên tiếp. Mặc dù đã báo lãi trở lại, nhưng tính đến cuối quý I/2024, Xây dựng Hòa Bình vẫn đang lỗ lũy kế tới 3.182 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với mảng xây lắp hạ tầng lại cho thấy bộ mặt khác, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), dù doanh thu hoạt động xây lắp trong quý I/2024 giảm 1%, đạt 1.359 tỷ đồng, nhưng điểm tích cực là lợi nhuận gộp đạt 54 tỷ đồng, sau khi âm 242 tỷ đồng trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Vinaconex đã trúng nhiều gói thầu lớn với tổng giá trị 13.200 tỷ đồng, bảo đảm nguồn việc cho năm 2024 và các năm tiếp theo. Trong đó, một số gói thầu lớn như: 2 gói thầu tại dự án sân bay Long Thành, một số gói thầu thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn Vũng Áng - Bùng), gói thầu số 9 - dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô...

Hay với Công ty CP Lizen ghi nhận quý I/2024 đạt 310,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu chủ yếu từ 5 dự án đang triển khai gồm: cao tốc Vân Phong - Nha Trang (850 tỷ đồng), cao tốc Vũng Áng - Bùng (388 tỷ đồng), đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (326 tỷ đồng), đường Tân Phúc - Võng Phan (318 tỷ đồng) và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (70 tỷ đồng)...

Chủ động đón đầu thị trường

Theo các chuyên gia, sự ảm đạm của thị trường bất động sản thời gian qua với nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, nhiều chủ đầu tư cạn dòng tiền đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của các nhà thầu xây dựng dân dụng.

Doanh thu, biên lợi nhuận sụt giảm, thu hồi công nợ khó khăn, nhiều DN phải đi vay nợ để bổ sung vốn lưu động. Bởi vậy, chỉ đạo từ Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản và mặt bằng lãi suất cho vay giảm về mức thấp đang được kỳ vọng sẽ giảm bớt khó khăn cho các chủ đầu tư, tạo tác động tích cực đến hoạt động của các nhà thầu xây dựng.

Trong định hướng phát triển, Công ty CP Lizen vẫn phát triển 3 lĩnh vực trụ cột gồm hạ tầng giao thông, bất động sản, năng lượng tái tạo với mục tiêu kép vừa tạo ra hiệu quả từ hoạt động đầu tư và tạo ra nguồn công việc liên quan đến hoạt động xây lắp từ các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty CP Lizen Cao Ngọc Phương cho biết, trong bối cảnh ngành bất động sản khó khăn và năng lượng chờ chính sách, công ty chủ yếu phát triển xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Song song đó, DN vẫn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đối với lĩnh vực bất động sản để có thể đón đầu được cơn sóng tiếp theo từ thị trường.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Viết Hải cho rằng, hiện nay, ngành xây dựng Việt Nam đang sở hữu công nghệ kỹ thuật cũng như phương thức quản lý xây dựng tiên tiến nhất, phong phú, sở hữu máy móc trang thiết bị hiện đại.

"DN xây dựng Việt Nam quyết tâm trở thành nhà thầu chính, tổng thầu cho các dự án xây dựng tại nước ngoài. Khi cả chuỗi cung ứng, hệ sinh thái của các DN Việt Nam phát triển đồng bộ sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc xuất khẩu xây dựng tại những miền đất mới" - ông Lê Viết Hải cho biết.

Giải pháp xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài, một khi trở thành hiện thực sẽ đem lại lợi ích cực kỳ to lớn cho nền kinh tế, cho ngành xây dựng Việt Nam nói chung và các DN kinh doanh trong lĩnh vực này nói riêng. Thành công này sẽ đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.
Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Viết Hải

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vuc-day-nganh-xay-dung.html