Vui cũng phải có trách nhiệm

Kể từ khi ra mắt vào năm 2005, YouTube đã tạo ra những thay đổi cực lớn đối với xã hội nói chung và ngành công nghiệp giải trí nói riêng. Nó không còn dừng lại ở một nền tảng chia sẻ video cá nhân đơn thuần nữa mà giờ đây được xem như một trong các kênh phát hành nội dung chính thức. Đặc biệt, đối với ngành công nghiệp âm nhạc, YouTube được xem như một kênh âm nhạc ngang hàng với những Apple music, Spotify...

Sự thay đổi của ngành công nghiệp âm nhạc trong khoảng 15 năm qua đã đưa ra một định nghĩa khác hẳn so với truyền thống về khái niệm chủ lưu (mainstream) hay dòng chảy ngầm (underground). Quan hệ giữa nghệ sĩ với công chúng cũng trực tiếp hơn và điều đó đã gần như khai tử các hoạt động truyền thống của những hãng đĩa cổ điển. Và, nó cũng mở rộng cơ hội cho những người không phải là nghệ sĩ.

Chỉ cần có một bản ghi đảm bảo các đòi hỏi về chất lượng dữ liệu, về bản quyền..., các nền tảng sẽ chấp nhận phát hành cho người tạo ra nội dung đó bất chấp họ có phải là nghệ sĩ hay không. Sự dễ dàng này đã mở ra sân chơi đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người và cũng nhờ đó, đã giúp nhiều người vô danh trở thành những người nổi tiếng chỉ sau một thời gian không dài.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, việc phát hành các bản ghi vẫn được nhiều người xem là chuyện đơn giản, ''vui là chính'' mà không ý thức được họ sẽ nhận lại được những gì từ chúng. Sẽ dễ chịu cho họ nếu như bản ghi có chất lượng tốt, năng lực trình diễn của cá nhân họ là tốt và họ nhận về những lời khen ngợi từ cộng đồng. Song, nếu chất lượng, năng lực là kém, chuyện đối diện những chê bai, chỉ trích, thậm chí là công kích chẳng phải là đơn giản, nhất là với những người có tâm lý yếu.

Điển hình như chuyện của một doanh nhân gần đây với thú vui ca hát của mình. Doanh nhân ấy phát hành rất nhiều bản ghi âm trên kênh YouTube cá nhân, thu được cả chục ngàn lượt xem, nghe. Số lượng lượt xem, nghe đó không đến từ chất lượng hay năng lực biểu diễn của doanh nhân kia là vượt trội mà bởi nó "buồn cười" quá. Nhưng, khi nhận về các chỉ trích từ một số tờ báo, doanh nhân ấy lại có phản ứng hơi thái quá, cho rằng mình bị xúc phạm và quyền cá nhân của mình đã bị xâm hại. Doanh nhân ấy quên mất rằng, khi đã phát hành một bản ghi âm ra công chúng thì cũng đồng nghĩa với việc phải chịu trách nhiệm với chính sản phẩm của mình.

Hãy hình dung như chuyện hát karaoke với loa di động cá nhân chẳng hạn. Nếu bạn đóng kín cửa và hát trong nhà của mình, với cách âm đủ tốt để không phiền hàng xóm, sẽ chẳng ai chỉ trích bạn cả. Nhưng, một khi bạn đã để giọng ca của mình vang xa tới những nhà lân cận và điều đó làm phiền họ, bạn sẽ phải chấp nhận bị chỉ trích, phê phán, đặc biệt là khi bạn có một giọng hát "hành hạ lỗ tai" khách quan.

Chấp nhận phát hành một sản phẩm của mình ra công chúng là phải chấp nhận cả chuyện khen, chê, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm với tác động mà sản phẩm ấy tạo ra với xã hội. Không thể chỉ vin vào chuyện "quyền giải trí cá nhân" khi chính cái việc tưởng như cá nhân đó lại có ảnh hưởng công cộng và thậm chí có thể tạo ra một tiền lệ xấu để nối tiếp đó, có những người khác cũng xả rác văn hóa ra môi trường chung.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/vui-cung-phai-co-trach-nhiem-i735637/