Vui, lo lẫn lộn khi trường mầm non mở cửa trở lại

Mới đây, TP Hà Nội quyết định cho các trường mầm non (MN) mở cửa từ ngày 13-4. Bên cạnh niềm vui, sự phấn khởi của giáo viên (GV) khi được trở lại trường sau 1 năm nghỉ dịch là nỗi lo về nhân sự, kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất... của các trường học, đặc biệt là khối trường MN dân lập, tư thục.

GV Trường MN Thạch Cầu, quận Long Biên vệ sinh trường lớp để đón học sinh trở lại trường

GV Trường MN Thạch Cầu, quận Long Biên vệ sinh trường lớp để đón học sinh trở lại trường

Niềm vui xen lẫn hồi hộp

Ngay khi biết thông tin các trường MN được mở cửa từ ngày 13-4, cô Lê Thanh Nhài, GV Trường MN Hồng Ngọc (quận Long Biên) chia sẻ: “Tôi cũng giống như nhiều GV MN khác, mong ước từng ngày trường học được mở cửa. Một năm phải nghỉ dịch ở nhà, chúng tôi rất nhớ trường lớp, nhớ học sinh, cùng với đó là gánh nặng kinh tế gia đình. Có những lúc tưởng chừng như phải bỏ nghề để tìm công việc khác. Cuối cùng thì chúng tôi sắp được đến trường”.

Cùng chung niềm vui được trở lại công việc, cô Nguyễn Thủy, giáo viên một trường mầm non tại quận Long Biên cho biết: “Bản thân tôi cảm thấy rất vui, xen lẫn hồi hộp, háo hức vì ngày 13-4 tới đây giống như ngày khai giảng thứ 2 của GV và học sinh. Dù khá tự tin về chuyên môn nhưng tôi vẫn lo lắng vì không biết tâm thế, các kỹ năng của các con sau 1 năm nghỉ học ở nhà thay đổi ra sao. Nghỉ dịch, cô và trò chỉ được giao lưu với nhau qua màn hình điện thoại, máy tính nên khi đi học trực tiếp, các con sẽ không khỏi bỡ ngỡ, rụt rè. Việc giúp các con đi vào nề nếp vì thế cũng sẽ vất vả hơn. Tuy nhiên, tôi và các đồng nghiệp luôn ở trong tâm thế sẵn sàng, chuẩn bị kiến thức cẩn thận, đầy đủ để đón các con”.

Để đón học sinh quay trở lại trường, các cơ sở MN trên địa bàn TP Hà Nội đã tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồng thời tiến hành vệ sinh, khử khuẩn trường học. Các GV cũng được tập huấn kỹ lưỡng phương án đón trẻ, xử lý tình huống liên quan đến dịch. Bà Lê Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường MN Sao Việt (Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên) cho biết: “Khi có thông tin trường MN tại Hà Nội được mở cửa trở lại, cán bộ, nhân viên, GV nhà trường đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đón học sinh như tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn trường từ phòng học, hành lang, khu vận động, khu vui chơi, lau rửa đồ dùng học tập, trang trí các góc học tập, sửa chữa, mua mới trang thiết bị học tập, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ y tế, phòng cách ly,… để các con có thể tham gia học tập hiệu quả nhất”.

Những ngày qua, cán bộ, nhân viên, GV trường MN Thạch Cầu (Long Biên) cũng đã thực hiện công tác tổng vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học, bếp ăn, khu vui chơi, phòng chức năng,… Đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ phục vụ chăm sóc bán trú, khu vực cầu thang bộ, thang máy, tay nắm cửa, đồ chơi ngoài trời,… đều được vệ sinh kỹ càng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, y tế đều được rà soát, bổ sung với mong muốn học sinh được học tập, vui chơi trong một ngôi trường sạch đẹp, thân thiện, an toàn.

Đối diện nhiều khó khăn, thách thức

Một năm nghỉ dịch là khoảng thời gian đầy khó khăn với các cơ sở, GV MN, đặc biệt là khối trường MN dân lập, tư thục. Rất nhiều GV phải làm thêm các nghề để trang trải cuộc sống, thậm chí có người quyết định bỏ nghề GV để làm công việc khác có mức lương cao và ổn định hơn. Chị Nguyễn Thị Thủy, GV một trường tư thục tại quận Long Biên chia sẻ: “Trường tôi vẫn đang tuyển GV vì thời gian qua một số đồng nghiệp nghỉ dạy và đã chuyển sang nghề có thu nhập cao hơn”.

Được mở cửa trở lại, các cơ sở MN tư thục đối diện với khó khăn như thiếu GV, kinh phí thuê mặt bằng, sửa chữa trường lớp, mua mới trang thiết bị, đồ dùng học tập,… Một số trường nếu như trước đây có vài cơ sở thì nay có cơ sở không thể duy trì, phải đóng cửa. Bà Lê Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường MN Sao Việt (Long Biên) chia sẻ: “Nếu như trước đây nhà trường có khoảng 200 học sinh chia thành 8 lớp thì đợt tới dự kiến chỉ có khoảng 25% tổng số học sinh đến trường. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mở để các con được đến trường, các cô giáo đi dạy cũng tăng nguồn thu nhập”. Bà Hà cũng cho biết một năm qua, trường gặp nhiều khó khăn về tài chính khi không có nguồn thu nào, tiền mặt bằng hàng tháng phải đóng 50%. Để đón các con đi học trở lại, trường vừa đầu tư mua mới, sửa chữa trang thiết bị, cơ sở vật chất hết 60 triệu. Tuy vậy, nhà trường vẫn đóng 100% bảo hiểm cho 21 GV trong 1 năm qua để giữ chân họ.

Bà Dương Kim Quyên - GĐ điều hành Cty CP dịch vụ giáo dục Dongsim Việt Nam cho biết: “Tại Hà Nội, Cty chúng tôi có 3 cơ sở MN. Thời gian các cơ sở đóng cửa do dịch, chúng tôi vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên bảo vệ trường,… Một trong những khó khăn nhất của chúng tôi khi trường mở cửa lại là phải tuyển GV mới và đào tạo lại do đợt dịch vừa qua nhiều người chuyển nghề hoặc chuyển sang trường công. Hiện tại các chi nhánh Hà Nội thiếu tổng cộng khoảng 30 GV nên vẫn đang tuyển”.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn TP có hơn 500.000 học sinh MN, trong đó có khoảng 30% học sinh trường tư thục, dân lập. Sau gần 1 năm trẻ MN không đến trường, nhiều cơ sở giáo dục phải dừng hoạt động, thậm chí, có những nơi phải giải thể. Một khảo sát của Bộ GD&ĐT nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập - cho thấy, 95,2% cơ sở MN tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần từ 6 tháng trở lên); 81,6% cơ sở không trả được lương cho GV.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vui-lo-lan-lon-khi-truong-mam-non-mo-cua-tro-lai-284872.html