Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ: Đầu cầu quan trọng về hợp tác và hội nhập quốc tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đang dần trở thành một khu vực phát triển khá năng động, là đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế; một số địa phương trong vùng đã vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng.

Ngày 19/5, tại TP. Huế diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ lần thứ 4.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành trong vùng đã tham dự hội nghị.

Kinh tế xã hội phát triển ổn định

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi quy hoạch vùng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính, vùng biển, ven bờ của thành phố Đà Nẵng và 13 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Đến năm 2050, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng, về cơ bản, kinh tế xã hội đã phát triển ổn định, chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; thể chế và bộ máy điều phối đã được hoàn thiện. Việc hoàn thiện quy hoạch vùng là nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Đến nay, toàn vùng đã hoàn thành 3/34 nhiệm vụ; đã phê duyệt quy hoạch của 14/14 tỉnh trong vùng; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của vùng đạt 5,51%, GRDP bình quân đầu người đạt 75,62 triệu đồng/người.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, kinh tế xã hội vùng đã phát triển ổn định.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, kinh tế xã hội vùng đã phát triển ổn định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để triển khai hiệu quả Quy hoạch vùng đã được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần phổ biến rộng rãi, công khai, minh bạch quy hoạch tới người dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.

Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để có kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong vùng; xóa bỏ tư duy cục bộ, đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của vùng.

Đầu cầu quan trọng về hợp tác và hội nhập quốc tế

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, Quy hoạch vùng đã được xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của vùng; đồng thời, kiến nghị nhiều vấn đề.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương nêu các kiến nghị tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương nêu các kiến nghị tại hội nghị.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đề nghị nghiên cứu, cho phép các địa phương trong vùng được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nhằm đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương huy động vốn trái phiếu đầu tư các dự án trọng điểm của vùng. Đồng thời, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối.

Còn theo ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng và các cơ chế, chính sách liên kết với nước bạn Lào cần được quan tâm, với các chính sách hỗ trợ về lãi suất đầu tư kinh tế biển, liên kết phát triển du lịch, thành lập quỹ xúc tiến du lịch.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, tăng trưởng của vùng đã được thúc đẩy, thu đủ chi, an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh. Hoạt động phối hợp giữa Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành, địa phương trong vùng ngày càng nhuần nhuyễn, hiệu quả hơn.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ là một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ là một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, nhằm hoàn thiện báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng; đề xuất với cấp thẩm quyền những giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả chủ trương về liên kết, kết nối, phát triển vùng.

Phó Thủ tướng cho rằng, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đang dần trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế; một số địa phương trong vùng đã vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng.

Về vấn đề kết nối vùng bằng hệ thống hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng cho rằng, kết nối ven biển phải là ưu tiên cao nhất; chú trọng phát triển hạ tầng giao thông để tăng cường Đông-Tây, thông qua các nước Lào, Campuchia; kết nối vùng duyên hải Trung bộ với các tỉnh Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng còn lưu ý, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng; tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm; quan tâm hơn nữa công đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-dau-cau-quan-trong-ve-hop-tac-va-hoi-nhap-quoc-te-post1638490.tpo