Vùng dân tộc thiểu số của Hà Nội có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh

Sau 5 năm thực hiện chính sách dân tộc (2014-2019), công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của TP đạt được kết quả tích cực. Các xã vùng dân tộc, miền núi có tộc dộ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 12%; thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt gần 35 triệu đồng/người/năm - ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết.

Theo ông Nguyễn Tất Vinh, thời gian qua, các chính sách dân tộc của Chính phủ được TP chỉ đạo tích hợp, lồng ghép trong nghị quyết và các chương trình, kế hoạch. Từ đó huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đặc thù của vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi Thủ đô. Giai đoạn 2013-2015 TP đã bố trí bố trí 837,5 tỷ đồng cho 105 dự án, trong đó có 99 dự án hoàn thành năm 2015; 6 dự án hoàn thành năm 2016. Giai đoạn 2016-2020 kinh phí đã bố trí để thực hiện Kế hoạch là 1.000 tỷ đồng. TP luôn chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn chặt với Chương trình giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, UBND TP đã triển khai thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020 với tổng kinh phí là 21,2 tỷ đồng; thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, giai đoạn 2014-2018, TP đã bố trí 5.788 triệu đồng để hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo ờ vùng khó khăn. Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho gần 7.300 lượt hộ DTTS nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm với số tiền là 214.203 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội. Ảnh T.A

Ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội. Ảnh T.A

Với những giải pháp hỗ trợ đó, đến cuối năm 2016 TP không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, miền núi còn 3,7% dự kiến hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 3%. Nhìn chung, vùng DTTS, miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư khá đồng bộ.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Hà Nội thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc miền núi, đầu tư nâng cấp hộ thống Đài Truyền thanh cơ sở; mở lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ làm thông tin cơ sở ở các huyện vùng DTTS.

Hiện nay, các xã DTTS đã có hạ tầng viễn thông băng rộng cố định, các trạm thu phát sóng thông tin di động đảm bảo truy cập dịch vụ internet và sử dụng các dịch vụ thông tin thuận lợi.

TP đã chỉ đạo các quân nội thành hỗ trợ các xã vùng DTTS miền núi xây dựng 46 nhà văn hóa thôn với tổng số tiền 92 tỷ đồng. Các huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí cho các xã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, cử vận động viên tham gia Hội thi thể thao các DTTS Thủ đô TP tổ chức hàng năm.

Hiện nay, 100% trẻ em được học mẫu giáo và lớp 1; tỷ lệ xã phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt 100%; trang thiết bị giảng dạy, học tập được đảm bảo đồng bộ, trường học được nâng cấp, đã có 33/62 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 53,22%. Từ năm 2015 đến nay, hàng năm Ban Dân tộc TP đã chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT và các Sở, ngành liên quan tổ chức Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu.

Từ năm 2016 đến nay đã tổ chức dạy nghề cho 2.568 học viên là người DTTS. Sau học nghề có việc làm đạt 85,6% góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tại địa phương…

Cùng đó, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở. Đến nay vùng đồng bào DTTS TP có 3 phòng khám đa khoa và 14 trạm y tế của 14 xã. Ở các xã đều bố trí đủ cán bộ y tế. Công tác khám chữa bệnh tại tuyến trạm y tế xã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. 100% số người nghèo, cận nghèo và người dân ở các xã, thôn vùng đồng bào DTTS được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Theo Trưởng Ban Dân tộc TP, trong 5 năm qua công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân của TP đã đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 12%, thu nhập bình quân đầu người tăng đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 46 triệu đồng/người/năm…

Đến nay 100% số xã đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 60% đường liên thôn, đường trục chính của thôn đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia. Hệ thống trường học được tu sửa và xây mới đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh; 14/14 xã dân tộc miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn TP nói chung và vùng dân tộc miền núi nói riêng được cải thiện; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tiến bộ; đội ngũ cán bộ là người DTTS từng bước trưởng thành…

Trong giai đoạn 2019-2021, mục tiêu nhiệm vụ của công tác dân tộc trên địa bàn TP là tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng DTTS của TP, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, từng bước đưa trình độ phát triển các xã vùng dân tộc miền núi cơ bản ngang bằng với mức bình quân vùng nông thôn của TP.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vung-dan-toc-thieu-so-cua-ha-noi-co-toc-do-tang-truong-kinh-te-nhanh-164118.html