Vướng mắc về tính thuế TNCN liên quan đến chi phí mua vé tàu, xe cho người lao động

Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc về tính thuế TNCN liên quan đến chi phí mua vé tàu, xe cho người lao động.

Hỏi: Tôi là người lao động làm việc tại Công ty TNHH MTV Thương mại Thành Phát – 02 Nguyễn Chí Thanh, phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Xin hỏi quý Bộ nội dung sau: Theo Bộ Luật lao động hiện hành và thỏa ước lao động tập thể của Công ty tôi cứ mỗi năm tôi được nghĩ phép một lần để về quê thăm thân nhân của tôi (Bố, mẹ, vợ, chồng, con …) và được Công ty mua vé tàu, xe (khứ hồi) vậy khoản thu nhập nhập này tôi có phải tính thuế TNCN không? Chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định các khoản thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công như sau:

“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

đ.7) Các khoản lợi ích khác.

Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng ...

g) Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau:

g.1) Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động .

g.1.1) Thân nhân của người lao động trong trường hợp này bao gồm: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp.

...”.

Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung hỏi của độc giả, Cục Thuế hướng dẫn về nguyên tắc như sau:

Trường hợp người lao động được hưởng dưới mọi hình thức các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả (trừ các khoản không tính vào thu nhập chịu thuế quy định tại điểm g Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC) thì thuộc thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương tiền công theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

Đề nghị độc giả căn cứ các quy định nêu trên, đối chiếu với thực tế phát sinh để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vuong-mac-ve-tinh-thue-tncn-lien-quan-den-chi-phi-mua-ve-tau-xe-cho-nguoi-lao-dong-d36556.html