Vượt cơn gió nghịch

TS. LÊ DUY BÌNH - Giám đốc điều hành Economica Việt NamKinh tế nước ta sẽ đối diện nhiều 'cơn gió nghịch' trong năm mới cả từ bên ngoài lẫn nội tại. Trong bối cảnh ấy, thông điệp và hành động dứt khoát của Quốc hội, Chính phủ về nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh sẽ 'xốc dậy' tinh thần, ý chí và niềm tin với thị trường của doanh nghiệp và nhà đầu tư!

Khó khăn kéo dài

Tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2022 đạt 8%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên trở lại đây. Đây là sự phục hồi đáng khích lệ khi GDP năm 2021 chỉ tăng vỏn vẹn 2,6%. Với kết quả này, nước ta trở thành một trong những điểm sáng về tốc độ tăng trưởng của khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng ghi nhận những dấu mốc quan trọng khác phản ánh quy mô tăng trưởng như tổng kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện hay tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng.

Thành quả này đạt được trong một bối cảnh hết sức khó khăn, không thuận lợi. Đó là sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu ngay sau năm đầu tiên hưng phấn kể từ sau đại dịch Covid-19 và nhận được trợ lực từ các gói kích thích kinh tế khổng lồ. Dưới tác động của cuộc xung đột Nga và Ukraine, sự đứt gãy chưa thể phục hồi hoàn toàn và Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách “zero Covid”. Lạm phát dâng cao tại các nền kinh tế lớn trên thế giới khiến một loạt ngân hàng trung ương nâng mạnh lãi suất. Điều này đã và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến nước ta.

Trong năm 2022, tỷ giá hối đoái và lãi suất của tiền đồng đã chịu áp lực nặng nề sau những lần gia tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Những áp lực này dự báo còn kéo dài sang năm 2023.

Việc các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) liên tục hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 của Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc không phải là tin tốt đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu như Việt Nam, nhất là khi phần lớn hoạt động xuất nhập khẩu lại phụ thuộc vào các nền kinh tế này. Tăng trưởng suy giảm sẽ không chỉ ảnh hưởng tới tổng cầu đối với hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam, lượng khách du lịch tới Việt Nam từ các nền kinh tế này.

Bên cạnh đó, khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ thêm những điểm yếu của nội tại nền kinh tế và doanh nghiệp. Sự suy giảm lòng tin đối với thị trường trái phiếu đã lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế, ảnh hưởng tới toàn thị trường nói chung. Dư âm của những tác động này chắc chắn vẫn còn cảm nhận được trong năm 2023.

Vẫn có những điểm tựa

Tuy nhiên, rõ ràng là vẫn có những điểm tựa quan trọng để nền kinh tế có thể tự tin dựa vào và vượt khó.

Sự ổn định về kinh tế vĩ mô với các chỉ tiêu về lạm phát, tỷ lệ thâm hụt ngân sách, nợ công trong tầm kiểm soát tạo nền tảng và dư địa chắc chắn cho các chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2023, đồng thời góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Không hề nao núng trước những khó khăn mà nền kinh tế toàn cầu có thể tác động đối với nền kinh tế nước ta, các nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục giải ngân với nguồn vốn kỷ lục trong năm 2022. Cùng với đó là sự gia tăng mạnh về nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân với một con số kỷ lục các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với nền kinh tế là điểm tựa quan trọng và cần được nuôi dưỡng, biến thành nội lực quan trọng để nước ta hóa giải khó khăn - những con sóng ngược dội từ nền kinh tế toàn cầu.

Các hiệp định thương mại thế hệ mới mà nước ta tham gia ký kết cũng sẽ mang lại cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng mạnh về xuất khẩu hàng hóa vào một số thị trường mới trong khuôn khổ hiệp định CTPPP và EVFTA đã cho thấy ý nghĩa của các hiệp định thương mại này, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Tổng kim ngạch bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng cũng vượt ngưỡng 200 tỷ USD với tốc độ tăng gần 20% trong năm qua. Điều này cho thấy thị trường trong nước đã thực sự trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng.

Song song với đó, chi tiêu Chính phủ dự kiến sẽ được mở rộng lên tới hơn 850.000 tỷ đồng dưới hình thức đầu tư công vào năm 2023. Nếu nguồn vốn này được giải ngân hiệu quả, có chất lượng thì tổng cầu của nền kinh tế trong năm nay sẽ được hỗ trợ rất tích cực, bù đắp cho những khó khăn về nhu cầu từ thị trường xuất nhập khẩu. Đồng thời, sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho nhiều ngành như sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng - vốn có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự trầm lắng dự báo sẽ kéo dài của ngành bất động sản trong năm 2023.

Điểm tựa quan trọng nữa là năng lực xoay xở, thích ứng của doanh nghiệp. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi và đáp ứng gần như tất cả các đơn hàng từ thị trường trong nước và thị trường toàn cầu. Bất chấp khó khăn, doanh nghiệp không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để khai phá thị trường, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Doanh nghiệp cũng là nhân tố chủ lực để bảo đảm chỉ số tăng trưởng công nghiệp ở mức gần 9%, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm ổn định trong nước, đồng thời đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp lên tới 50 tỷ USD trong năm 2022.

Niềm tin và nội lực

Bất chấp các khó khăn, nước ta có những cơ sở, cơ hội và điểm tựa để vượt khó thành công trong năm tới. Nhân tố quan trọng góp phần hiện thực hóa các cơ sở và cơ hội đó chính là nỗ lực nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, ý chí kinh doanh của doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp của người dân.

Cần nhìn nhận một thực tế là sau ba năm đại dịch, nguồn lực của người dân và doanh nghiệp đã bị suy kiệt đáng kể, dấu hiệu mệt mỏi đã xuất hiện trên nhiều gương mặt doanh nhân; niềm tin, tinh thần và ý chí kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân và của các nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng ít nhiều do những tác động kéo dài của dịch bệnh và đặc biệt là sau những biến cố gần đây của thị trường.

Trong bối cảnh đó, niềm tin của nhà đầu tư và ý chí kinh doanh của người dân, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ bằng những chính sách và hành động để xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, ít rủi ro, chi phí thấp. Với tinh thần kiến tạo phát triển, kỳ vọng rằng Quốc hội sẽ tiếp tục ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng thực thi nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, ít rủi ro cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Những thông điệp và hành động dứt khoát từ Quốc hội, Chính phủ về các nỗ lực ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh sẽ làm mạnh mẽ hơn tinh thần, ý chí kinh doanh, niềm tin với thị trường của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Qua đó, tiếp tục củng cố niềm tin vào thị trường, niềm tin vào nền kinh tế, tạo dựng một không khí hăng say khởi nghiệp, nhiệt huyết kinh doanh, tin cậy lẫn nhau, cùng nhau vượt khó của cả cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Với niềm tin được củng cố, ý chí và tinh thần kinh doanh được xốc dậy, trên tinh thần tin cậy, cùng nhau vượt khó, bằng nội lực của mình, Việt Nam nhất định vượt qua những cơn gió nghịch để đạt được các mục tiêu phát triển trong năm 2023!

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/vuot-con-gio-nghich-i313814/