Vượt khó làm giàu trên đất đảo

Trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và đời sống, bà Trần Thị Chùm (SN 1957), thôn Quý Hải, xã Long Hải, huyện Phú Quý đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định…

Vượt khó làm giàu trên đất đảo

Lần đến huyện đảo Phú Quý mới đây, chúng tôi tìm đến khu đất rẫy của gia đình bà Trần Thị Chùm, hội viên Hội Nông dân xã Long Hải, có tiếng về nghề chăn nuôi, nấu rượu tại địa phương. Lẫn sâu trong cánh cửa tre đơn sơ, khu đất rẫy nhà bà Chùm rộng rãi với 2 dãy chuồng nuôi heo được thiết kế đơn giản, nhưng rất thuận tiện cho việc cho ăn, chăm sóc. Cách đó không xa là đàn gà hàng chục con được vây tròn trong những tấm lưới. Phía trong mái nhà đơn sơ, 3 - 4 bếp lửa đang đỏ rực, chuẩn bị cho mẻ rượu mới ra lò. Bà Chùm - người phụ nữ có dáng thấp, đậm, vừa tiếp chuyện khách, vừa làm không ngưng tay. Bà đang vội đi giao rượu cho khách hàng chuẩn bị chuyến ra khơi. Công việc của bà cứ tất bật như thế suốt ngày đêm, nhưng vẫn không tỏ ra mệt mỏi. Ngược lại, bà luôn cảm thấy vui và hạnh phúc, vì việc phát triển kinh tế của gia đình đã đi đúng hướng, từ một hộ nghèo trở thành hộ có thu nhập khá, nhờ phát triển chăn nuôi.

Bà Trần Thị Chùm

Bà Chùm chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện đảo Phú Quý. Năm 1978 lập gia đình và sinh được 5 người con, với nghề chính là làm nông. Gia đình đượcnhà nước cấp lô đất, được bà con cho mượn tiền xây ngôi nhà nhỏ, có chỗ che mưa che nắng. Ngày ngày, bà đi làm thuê làm mướn, từ việc phụ hồ, bốc xếp, đến thu mua phế liệu. Suốt bao đêm trăn trở, mất ngủ vì không có vốn, gia đình bà vay mượn hàng xóm ít tiền, cộng thêm việc thế chấp sổ đỏ để lấy tiền hùn vốn đóng tàu đi khai thác hải sản. Nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, khi từng chuyến biển ra khơi đều thua lỗ, nợ nần chồng chất, khiến vợ chồng bà dường như gục ngã.

Không chùn bước trước khó khăn, sau một thời gian, gia đình được nhà nước giao khoán 1 mảnh đất diện tích 1.200 m2, trồng 2 vụ khoai/năm. Gia đình bà cần mẫn canh tác nuôi 5 người con ăn học. Nhưng để vượt qua cái nghèo đeo bám, gia đình bà đã đổi mới cách làm ăn từ cây trồng sang chăn nuôi. Mấy năm đầu chuyển đổi, bà gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn, kinh nghiệm. Sau đó, bà được Hội nông dân xã cử đi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và đi học hỏi thực tế các mô hình chăn nuôi ở các xã lân cận. Từ đó, bà Chùm đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Năm 2015, gia đình được Hộinông dân xã hướng dẫn tiếp cận với các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, vàngân hàngnông nghiệp huyện được 70 triệu đồng. Bà Chùm bắt đầu xây dựng chuồng trại với kinh phí 20 triệu đồng và mua được 4 con heo giống khoảng 40 triệu đồng, còn lại 10 triệu đồng mua thức ăn chăn nuôi. Với đồng vốn có được, những khó khăn bước đầu đã được khắc phục, từ đó gia đình phát triển, tạo ra nguồn thu nhập bước đầu ổn định.

Để có được những thành quả hôm nay, bà Chùm chia sẻ thêm: Những năm đầu lứa heo con ra đời, gia đình vừa nuôi lấy thịt, vừa bán cho người dân địa phương có nhu cầu. Đến nay gia đình đã có 17 con giống và hơn 60 con heo thịt, hàng năm trừ chi phí thu nhập khoảng 230 triệu đồng.

Từ mô hình chăn nuôi, bà Chùm chưa dừng lại mà suy nghĩ tìm phương pháp có lợi về kinh tế nhưng cung cấp được thức ăn cho heo. Bà tìm hiểu hướng dẫn về cách nấu rượu, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, và bắt đầu thêm nghề nấu rượu, mỗi ngày sản xuất ra 200 - 250 lít rượu để cung cấp cho người dân tại địa phương. Hèm rượu sau khi nấu được tận dụng, dùng làm thức ăn cho heo, góp phần giảm chi phí mua thực phẩm cho heo và thêm lợi nhuận. Qua đó, giải quyết được việc làm cho 2 lao động của địa phương. Chính nhờ sự vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất, mới đây bà Trần Thị Chùm đã vinh dự là một trong số nông dân điển hình tiên tiến của tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020.

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/vuot-kho-lam-giau-tren-dat-dao-132552.html