Vượt qua dịch bệnh Covid-19, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ

Năm 2021 là năm đầy khó khăn, thử thách đối với cả hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) do đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, lây lan rộng. Tuy nhiên, nhờ tinh thần chủ động, sáng tạo cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hệ thống và địa phương nên NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện 'mục tiêu kép' vừa phòng, chống dịch tốt, vừa huy động vốn nhanh, sớm hoàn thành kế hoạch cả năm, góp phần đắc lực đẩy lùi cái nghèo, dựng xây cuộc sống no đủ, yên bình tại địa phương.

Nổi bật trong hoạt động của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng trong năm 2021 là bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, nguồn vốn vẫn đạt 1.200 tỉ đồng, với 38.940 khách hàng được vay vốn và mức cho vay bình quân 30 triệu đồng/hộ, tăng 2,4 triệu đồng so với cuối năm 2020. Riêng việc trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo nghị quyết gần đây của Chính phủ cũng đạt con số 2,5 tỉ đồng.

Hoạt động NHCSXH trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch tốt, vừa huy động vốn nhanh. Ảnh: QUANG BÌNH

Hoạt động NHCSXH trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch tốt, vừa huy động vốn nhanh. Ảnh: QUANG BÌNH

Đồng chí Trần Duy Đông - Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, có được kết quả đáng khích lệ trên là do lãnh đạo NHCSXH Trung ương và Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm chỉ đạo việc tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Cụ thể, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng thường xuyên được bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn và bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình, dự án trọng điểm, các đối tượng chỉ định. Giai đoạn 2011 - 2020, nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về Sóc Trăng đã hơn 3.500 tỉ đồng. Cùng với đó, kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, UBND các cấp ở Sóc Trăng đã ưu tiên chuyển 120 tỉ đồng vốn ngân sách sang NHCSXH đóng trên địa bàn để hộ nghèo và các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Cũng theo thông tin từ đồng chí Trần Duy Đông, ngay giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhờ công tác tham mưu đúng của các ban ngành, nguồn vốn từ ngân sách địa phương đã bổ sung 18 tỉ đồng, giúp đối tượng chính sách vay thêm vốn sản xuất, kinh doanh. Song song đó, tất cả 11/11 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành kế hoạch chuyển vốn ngân sách năm 2021. Đồng chí Nguyễn Hải Âu - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành phấn khởi cho biết, tổng nguồn vốn đến ngày 31-12-2021 của đơn vị đạt 348,4 tỉ đồng, đạt 99% kế hoạch giao, tăng 3,1% so với cuối năm 2020. Đặc biệt, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương (vốn ngân sách huyện và xã) hơn 5,7 tỉ đồng, đạt 133% kế hoạch tỉnh giao. Đây là kết quả hết sức phấn khởi.

Đối với huyện Kế Sách, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương (vốn ngân sách huyện và xã) đạt nhiều kết quả khả quan. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Kế Sách Lê Hoàng Phong, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 và Quyết định số 401/QĐ-TTg về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH cho vay trong năm 2021 là 900 triệu đồng, hoàn thành 100% kế hoạch giao. Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW (từ năm 2015) đến nay đã chuyển sang 2,5 tỉ đồng. Đến nay, tổng số vốn ngân sách huyện chuyển sang đạt trên 3 tỉ đồng.

Với những kết quả nêu trên, hiện 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có điều kiện đã được tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Không hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn nào bị lãng quên, bị bỏ lại phía sau. Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đồng bào Khmer nghèo đã chủ động phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa, thâm canh đồng ruộng, làm cho cuộc sống đỡ nhọc nhằn, thêm tươi vui. Điển hình cho ý chí vượt khó làm giàu là chị Thạch Thị Sà Vượt, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Cách đây không lâu, chị được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành cho vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi làm chuồng trại chắc chắn, nuôi bò sinh sản kết hợp với tận dụng đất xung quanh nhà trồng rau màu. Nhờ sản xuất phát triển, kinh tế gia đình khấm khá, chị Sà Vượt đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Còn đối với gia đình anh Lê Thanh Vẹn, ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), cũng nhờ sử dụng vốn vay ưu đãi mà có điều kiện mua giống cây tốt, vật tư chọn lọc để trồng và chăm sóc vườn sầu riêng, xoài cát chu, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Thực tế ngày nay, những người làm tín dụng chính sách ở Sóc Trăng làm được khá nhiều việc ích lợi cho người nghèo, “đánh thức” các thôn, ấp khó khăn; đồng bào dân tộc đã coi họ như người bạn thân tín nhất. “Bà con quê tôi nhớ rất rõ giữa lúc dịch dã, đích thân ông Giám đốc NHCSXH tỉnh cùng cán bộ tín dụng dành thời gian trực tiếp đến thăm mô hình chăn nuôi, trồng trọt của hộ nghèo, lại còn thân tình khuyên nhủ đồng bào cứ mạnh dạn sản xuất. NHCSXH có cách giúp vay thêm vốn ưu đãi” - ông Sơn Hoạt - người Khmer xã Lạc Hòa, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tâm sự.

Từ việc hội tụ được nguồn lực, đổi mới phương thức truyền tải vốn tín dụng chính sách trong năm 2021, NHCSXH đã trọn vẹn với công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và tỷ lệ giảm nghèo ở Sóc Trăng giảm nhanh chóng, có phần đóng góp quan trọng của NHCSXH. Dòng vốn từ NHCSXH đã và đang chảy đều, giúp cho cuộc sống người nghèo và đồng bào các dân tộc ngày càng no đủ, an lành. Cùng với cuộc hành trình tiếp diễn, những người làm tín dụng chính sách Sóc Trăng phấn đấu thực hiện sâu rộng Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư, tập trung huy động mọi nguồn lực, truyền dẫn kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Cuộc hành trình của tín dụng chính sách ở Sóc Trăng tuy gian khó nhưng vẫn tạo ra những điểm sáng, gây ấn tượng tốt đẹp.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/vuot-qua-dich-benh-covid-19-dat-nhieu-ket-qua-dang-khich-le-54793.html