Vượt qua rào cản

Bất chấp đe dọa trừng phạt của Mỹ, Đức và Nga đang xích lại gần nhau nhằm bảo vệ dự án đường ống dẫn khí đốt 'Dòng chảy phương Bắc 2' (Nord Stream 2).

Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tới Nga gần đây, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về các vấn đề then chốt trong quan hệ song phương nói riêng, cũng như quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga nói chung. Một trong những chủ đề được hai bên đặc biệt quan tâm là dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Theo RT, tại cuộc họp báo chung sau thảo luận, hai quan chức hàng đầu ngành ngoại giao của Đức và Nga đều bày tỏ quan điểm phản đối các biện pháp trừng phạt do Mỹ đưa ra liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án. Theo ông Heiko Maas, không quốc gia nào có thể định đoạt chính sách năng lượng cho châu Âu thông qua biện pháp đe dọa. Về phần mình, ông Sergei Lavrov nhấn mạnh, quan điểm của Berlin sẽ giúp đa dạng hóa các tuyến đường ống cung cấp khí đốt và củng cố an ninh năng lượng cho châu Âu. “Chúng tôi sẽ tập trung hoàn thành dự án”, ông Sergei Lavrov khẳng định.

 Lắp đặt đường ống dẫn khí đốt của dự án "Dòng chảy phương Bắc 2”. Ảnh: TASS

Lắp đặt đường ống dẫn khí đốt của dự án "Dòng chảy phương Bắc 2”. Ảnh: TASS

Những tuyên bố của Đức và Nga được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo về khả năng áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những công ty có liên quan đến dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” hồi tháng 7 vừa qua. Giới quan sát nhận định, động thái này của Washington sẽ gây trở ngại cho việc hoàn tất dự án được xem là biểu tượng hợp tác giữa châu Âu và Nga. Công ty Uniper của Đức, đơn vị tham gia dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, đã bày tỏ lo ngại dự án này có thể bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong một tuyên bố, Uniper cho biết: “Khi Mỹ tăng cường áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với “Dòng chảy phương Bắc 2” thì nguy cơ dự án sẽ bị trì hoãn hoặc không hoàn thành ngày càng tăng”. Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) cũng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ đe dọa áp đặt trừng phạt và cho rằng điều này sẽ gây căng thẳng cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

“Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Dự án này được các bên ký kết bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại thành phố Vladivostok (Nga) hồi tháng 9-2015. Trong khuôn khổ dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Tổng số tiền đầu tư cho dự án này ước tính khoảng 11 tỷ USD, trong đó 50% kinh phí do các công ty châu Âu cung cấp. Hiện nay, tiến độ thực hiện dự án đã đạt 93%.

Lâu nay, việc triển khai dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia. Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ do lo ngại dự án này sẽ khiến EU bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang “lục địa già”. Trong khi đó, Đức khẳng định, dự án này là dự án kinh tế thuần túy, mang lại lợi ích cho châu Âu. Khi không thuyết phục được Đức thay đổi quan điểm, Washington bắt đầu gia tăng áp lực trừng phạt nhằm vào dự án này. Hồi tháng 12-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng trong năm 2020, trong đó có điều khoản trừng phạt các tàu thuyền tham gia lắp đặt đường ống cho dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” cũng như các cá nhân người nước ngoài hỗ trợ cho các tàu thuyền đó.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga giúp châu Âu có nguồn cung ổn định với mức giá hợp lý, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực này. Theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, người tiêu dùng châu Âu sẽ được hưởng lợi vì giá khí đốt giảm khi dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” hoàn thành. Rõ ràng, giá khí đốt giảm sẽ là một tin tốt lành đối với người tiêu dùng ở “lục địa già” vốn đang có nhu cầu lớn về khí đốt để thay thế than đá. Ở chiều ngược lại, đối với Nga, dự án có ý nghĩa quan trọng bởi xuất khẩu năng lượng chiếm vị trí không nhỏ trong nguồn thu ngân sách của nước này.

Quan điểm cứng rắn của Berlin về dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” nhiều khả năng sẽ gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ vốn không hề yên ả trong thời gian gần đây. Dù vậy, với vai trò là quốc gia đầu tàu châu Âu, Đức vẫn quyết tâm cùng Nga thực hiện dự án này nhằm giải quyết thực trạng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng ở khu vực này.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vuot-qua-rao-can-631647