WHO cảnh báo tính nghiêm trọng của làn sóng dịch bệnh mới tại châu Phi

Xét nghiệm cho người dân tại Nairobi, Kenya - Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 14/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước châu Phi cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại châu lục này liên tục gia tăng trong thời gian gần đây.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu trước báo giới hôm 14/1, Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết các quốc gia trong châu lục hiện đang trải qua làn sóng bùng phát thứ hai, với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất.

Tính đến ngày 14/1, toàn Lục địa Đen ghi nhận 3.1 triệu ca nhiễm COVID-19, bao gồm 74,500 trường hợp tử vong. Đề cập tới biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tìm thấy tại Nam Phi hồi tháng 12/2021, bà Moeti cho biết các phân tích xác định đây là biến thể 501Y.V2 có khả năng lây lan nhanh.

Do đó, đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến không chỉ tại Nam Phi mà còn cả khu miền Nam châu Phi. Hiện biến thể này đã được tìm thấy ở Botswana, Zambia và Gambia. Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi, hiện tổ chức này đang tiếp tục mở rộng việc tìm hiểu sự lây lan của chủng 501Y.V2 tại các nước khác trong khu vực.

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 14/1, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) kêu gọi các quốc gia trong châu lục khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị để sẵn sàng phân phối vắcxin ngừa COVID-19 sau khi Liên minh châu Phi (AU) thông báo đã đảm bảo được 270 triệu liều.

Africa CDC yêu cầu các nước thành viên cần nhanh chóng tổ chức công tác hậu cần cần thiết bao gồm địa điểm bảo quản vắcxin, huấn luyện cho nhân viên y tế, đảm bảo vật tư cần thiết như kim tiêm và tạo các hệ thống đăng ký tiêm phòng hiệu quả. Africa CDC đặt mục tiêu tiêm phòng cho 60% người dân châu Phi trong năm 2021-2022.

Ngoài ra, AU cũng thông báo kế hoạch tạo điều kiện cho những nước không có đủ khả năng tài chính trong việc tiếp cận vắcxin. Theo đó, các nước nghèo có thể mua vắcxin trả góp trong vòng 5 năm thông qua dịch vụ tài chính của Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu châu Phi (Afreximbank).

Tại châu Á, theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, việc số ca nhiễm mới COVID-19 ở nước này gia tăng mạnh trong những ngày gần đây đã khiến hệ thống y tế tại nhiều địa phương đối mặt với nguy cơ quá tải.

Hiện tỉ lệ sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện và cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Tokyo là 80%, Osaka 66%, Fukushima 60% và Gifu 63%. Riêng tại TP Kobe, tỉ lệ này lên tới 96% với 154/160 giường đang được sử dụng.

Theo thống kê, tính đến hết ngày 14/1, Nhật Bản ghi nhận thêm 6.605 ca nhiễm COVID-19 mới và 66 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên 311.353, trong đó có 920 ca bệnh nặng.

Thủ đô Tokyo ghi nhận 1.502 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca bệnh tại đây vượt ngưỡng 800.000. Trong khi đó, Osaka ghi nhận 11 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 14/1, nâng tổng số ca tử vong lên 714, cao nhất cả nước. Xét trên quy mô dân số Osaka chỉ khoảng 8 triệu người thì đây là một con số đáng báo động.

Về lây nhiễm dịch bệnh, có nhiều ca lây nhiễm trong gia đình (347 trường hợp), tiếp đến là lây nhiễm tại nơi làm việc và các địa điểm ăn uống. Tuy nhiên, sự lây nhiễm tại nơi làm việc dường như đang có xu hướng tăng lên sau kỳ nghỉ Tết dương lịch vừa qua.

Theo Reuters, Dữ liệu chính thức ngày 15/1 cho thấy Trung Quốc đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 hàng ngày cao kỷ lục trong hơn 10 tháng qua do một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng ở khu vực đông bắc nước này khiến hơn 28 triệu người bị cách ly.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết có tất cả 144 ca mắc mới COVID-19 hôm 14/1, tăng so với 138 ca ghi nhận trước đó một ngày, đánh dấu mức tăng hằng ngày kỷ lục kể từ thời điểm ghi nhận 202 ca vào ngày 1/3/2020.

135 ca nhiễm mới là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, 90 trong số đó là ở tỉnh Hà Bắc, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát mới, 43 trường hợp khác được ghi nhận ở tỉnh Hắc Long Giang, các tỉnh Quảng Tây và Thiểm Tây đều ghi nhận thêm một trường hợp.

Các nhà chức trách đang khuyến cáo công chúng hạn chế đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng hai tới, thời điểm hàng trăm triệu người Trung Quốc di chuyển trong thời gian nghỉ để về quê hoặc đi du lịch.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo EU đang thúc đẩy phát triển 24 dự án liên quan tới việc thu thập huyết tương của những người được chữa khỏi bệnh COVID-19.

Số huyết tương này được sử dụng để phục vụ cho công tác nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Công tác nghiên cứu này được cơ chế Công cụ Hỗ trợ Khẩn cấp của EU (ESI) tài trợ với tổng chi phí lên tới 36 triệu euro. Các dự án sẽ được thực hiện tại 14 quốc gia thành viên EU và tại Vương quốc Anh.

Cao ủy châu Âu về Y tế Stella Kyriakides khẳng định EU sẽ làm mọi thứ có thể để người dân được điều trị COVID-19 một cách hiệu quả và an toàn.

Cho đến nay, COVID-19 đã gây ra những hậu quả nặng nề về người và của cũng như cuộc sống của người dân nơi đây. Theo đánh giá mới đây của đài phát thanh Pháp France Info, đợt dịch mới tại châu Âu không lây lan mạnh bằng đợt trước đó nhưng lại kéo dài hơn và có nhiều người tử vong hơn.

Nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm dịch bệnh, các quốc gia thành viên EU đang tăng cường chiến dịch tiêm phòng đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đặc biệt là đối phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh.

Từ 4 giờ sáng 15/1 (theo giờ địa phương), Anh đã đóng cửa biên giới với hơn 10 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Nam Mỹ cùng với Bồ Đào Nha do lo ngại nguy cơ lây nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil.

Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps đã công bố quyết định này trên mạng xã hội Twitter, trong đó nêu cụ thể các nước và vùng lãnh thổ cấm nhập cảnh vào Anh gồm Argentina, Brazil, Bolivia, Cape Verde, Chile, Colombia, Ecuador, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Panama, Paraguay, Peru, Suriname, Uruguay và Venezuela. Bồ Đào Nha cũng nằm trong danh sách này do có tuyến vận tải kết nối chặt chẽ với Brazil. Anh đưa ra quyết định trên sau khi có bằng chứng về biến thể mới ở Brazil. Tuy nhiên, quyết định này không áp dụng đối với các trường hợp nhập cảnh là công dân Anh và Ireland cũng như vận tải hàng hóa.

Ngày 14/1, Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo chính phủ nước này sẽ triển khai thực hiện lệnh giới nghiêm toàn quốc vào 18 giờ hằng ngày, bắt đầu từ ngày 16/1 tới, nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay. Theo đó, ngoại trừ các dịch vụ khẩn cấp, toàn bộ các cửa hàng và dịch vụ đều phải đóng cửa vào thời gian nói trên.

Cho đến nay, hầu hết các địa phương ở Pháp đang thực hiện giới nghiêm từ 20 giờ, đặc biệt một số điểm nóng dịch bệnh đã thực hiện giới nghiêm từ 18 giờ hằng ngày. Theo Thủ tướng Jean Castex, việc áp dụng giới nghiêm từ 18 giờ cho thấy rõ hiệu quả khi tỉ lệ nhiễm tại các địa phương thực hiện biện pháp này thấp hơn từ 2 đến 3 lần so với các nơi khác. Thủ tướng Jean Castex đánh giá so với các nước láng giềng, Pháp đã kiểm soát được dịch bệnh song tình hình vẫn "mong manh". Ông cảnh báo các bệnh viện vẫn chịu sức ép quá tải.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/251216/who-canh-bao-tinh-nghiem-trong-cua-lan-song-dich-benh-moi-tai-chau-phi.html