WHO cấp phép lưu hành khẩn cấp vắcxin của hãng Johnson & Johnson

Nhân viên đóng hộp vắcxin ngừa COVID-19 của Johnson& Johnson tại một cơ sở sản xuất ở Shepherdsville, bang Kentucky, Mỹ - Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cấp phép lưu hành khẩn cấp vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J), sau khi phê chuẩn cho các vắcxin do Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca bào chế.

Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Mỗi công cụ mới, an toàn và hiệu quả chống lại COVID-19 là một bước tiến gần hơn tới việc kiểm soát đại dịch. Chúng tôi hy vọng loại vắcxin mới này sẽ giúp thu hẹp sự bất bình đẳng về vắcxin”.

Thông tin trên được đưa ra sau khi loại vắcxin tiêm một liều duy nhất này được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép lưu hành hôm 11/3. Ngoài ra, vắcxin của J&J cũng được "bật đèn xanh" từ các cơ quan quản lý ở Mỹ, Canada và Nam Phi.

WHO cho biết vắcxin của J&J đã được đưa vào "danh sách sử dụng khẩn cấp", danh sách này đánh giá tính phù hợp của các sản phẩm sức khỏe mới trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và quá trình này nhanh hơn so với hệ thống cấp phép thông thường.

Động thái trên của WHO đã mở đường cho việc sử dụng vắcxin trên như một phần của sáng kiến COVAX nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vắcxin ở những nước nghèo. Khoảng 500 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của J&J đã được cam kết phân phối đến các cơ sở y tế và WHO hy vọng kế hoach này có thể được triển khai thông qua COVAX muộn nhất là từ tháng 7/2021.

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắcxin của J&J có hiệu quả 67% trong việc ngăn ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, kết quả đó đã cân nhắc tới tất cả các biến thể của COVID-19. Vắcxin này chứng minh có hiệu quả 85,4% trong việc ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nặng do COVID-19. Vì đây là vắcxin tiêm một liều duy nhất, WHO cho biết họ hy vọng điều này sẽ tạo thuận lợi cho chiến dịch tiêm chủng ở tất cả các nước.

Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) đang điều tra liệu có vắcxin ngừa bệnh COVID-19 nào trong số 3 loại đã được khối này phê duyệt đến nay liên quan tới chứng suy giảm đông máu có thể gây xuất huyết nội.

Thông báo ngày 12/3 của EMA nêu rõ một số trường hợp giảm tiểu cầu miễn dịch, thiếu tiểu cầu trong máu có thể dẫn đến xuất huyết và bầm da, đã được báo cáo theo quy trình giám sát an toàn vắcxin của cơ quan này. EMA nhấn mạnh: "Hiện vẫn chưa rõ liệu có sự liên quan giữa vắcxin với những báo cáo về giảm tiểu cầu miễn dịch hay không”.

Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu cho biết sẽ đánh giá các báo cáo tình hình ở những người đã được tiêm vắcxin của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca hoặc Moderna.

Chương trình tiêm chủng của châu Âu gặp trục trặc trong 2 tuần qua, trong bối cảnh có những báo cáo cho thấy một số trường hợp được tiêm vắcxin của hãng AstraZeneca bị chứng rối loạn đông máu.

EMA cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy các sự cố này là do việc tiêm vắcxin gây ra, quan điểm này cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tái khẳng định trong ngày 12/3. Trong khi đó, công ty AstraZeneca cũng cho biết không tìm thấy bằng chứng nào về việc gia tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu.

Trong diễn biến liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất giải ngân 12 triệu euro từ Quỹ đoàn kết châu Âu để giúp Serbia trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Trang tin Euractiv.rs của Serbia ngày 12/3 dẫn thông báo của phái đoàn EU tại Serbia cho biết số tiền trên sẽ tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, giám sát và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, cũng như mua sắm các thiết bị y tế và bảo hộ cá nhân.

Số tiền này cũng sẽ giúp trang trải các chi phí mà Serbia phải gánh chịu trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Theo người đứng đầu Phái đoàn EU tại Serbia Sem Fabrizi, EU đã hỗ trợ Serbia số tiền quyên góp lên tới 17 triệu euro (gần 20,3 triệu USD), kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Ông Fabrizi nêu rõ: “Tín hiệu chính trị mạnh mẽ này cho thấy Serbia - một ứng cử viên gia nhập EU - cũng được coi trọng như các nước thành viên của liên minh”.

Cùng ngày 12/3, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho rằng một số quốc gia châu Âu có thể đã ký "các hợp đồng bí mật" với những công ty sản xuất vắcxin để nhận được nhiều liều hơn so với thực tế được hưởng dựa trên các quy tắc của EU.

Theo Thủ tướng Kurz, các nước thành viên EU đã nhất trí việc vắcxin nên được phân phối giữa các quốc gia dựa trên quy mô dân số. Tuy nhiên, sau khi so sánh tổng lượng vắcxin có được giữa các quốc gia thành viên, ông thấy rằng có "việc giao hàng không theo hệ thống hạn ngạch đầu người”.

Nhà lãnh đạo Áo nêu rõ có những bằng chứng cho thấy đã có thỏa thuận bổ sung giữa các nước thành viên và các công ty dược phẩm. Đơn cử, đến cuối tháng 7 tới, Malta sẽ nhận được lượng vắcxin bình quân trên đầu người cao gấp 3 lần so với Bulgaria.

Tính đến cuối tháng 6, Hà Lan sẽ không chỉ nhận được lượng vắcxin bình quân trên đầu người cao hơn Đức, mà còn cao gần gấp đôi so với Croatia. Điều này rõ ràng mâu thuẫn với các mục tiêu chính trị của EU.

Tuy nhiên, ông Stefan de Keersmaecker, người phát ngôn EU, đã hạ thấp các tuyên bố trên, cho rằng các quốc gia thành viên có thể yêu cầu ít hơn hoặc nhiều hơn một loại vắcxin đã được phép lưu hành và thảo luận về điều này giữa các nước thành viên là hợp pháp.

Sau kết quả thảo luận giữa các nước thành viên, điều khoản phân phối mới sẽ được nhất trí với các công ty sản xuất vắcxin.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết nước này có thể sẽ phải đợi đến nửa cuối tháng Tư mới có thể nhận được vắcxin ngừa COVID-19 của Johnson&Johnson vừa được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.

Trước đó, ngày 11/3, vắcxin ngừa COVID-19 đơn liều của Johnson&Johnson đã trở thành loại vắcxin thứ tư được EU cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, Bộ trưởng Spahn cho rằng Đức sẽ phải đợi ít nhất một tháng nữa mới có thể nhận những liều vắcxin đầu tiên của công ty Mỹ này. EU đang đàm phán với Johnson&Johnson về vấn đề này.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253269/who-cap-phep-luu-hanh-khan-cap-vacxin-cua-hang-johnson-johnson.html