World Bank: Covid-19 đang 'khoét sâu' thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng

Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tác động của Covid-19 tại nhiều quốc gia là không đồng đều và đại dịch đang 'khoét sâu' thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng.

Dưới tác động của Covid-19, so với nam giới, phụ nữ có nguy cơ mất việc cao hơn 9%. Trong ảnh: Một tiểu thương bán rau củ tại khu chợ ở thủ đô Manila (Philippines). (Nguồn: World Bank)

Dưới tác động của Covid-19, so với nam giới, phụ nữ có nguy cơ mất việc cao hơn 9%. Trong ảnh: Một tiểu thương bán rau củ tại khu chợ ở thủ đô Manila (Philippines). (Nguồn: World Bank)

Năm 2020 được đánh giá là một trong những năm khó khăn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại do những tác động về sức khỏe, kinh tế và xã hội từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Tác động rộng rãi của Covid-19 được cảm nhận ở khắp mọi nơi, ở tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, không phải mọi đối tượng đều bị tác động giống nhau.

Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), phụ nữ, lao động trẻ và người có trình độ thấp là nhóm đối tượng dễ gặp bất lợi trên thị trường lao động do có nhiều khả năng bị mất việc làm ngay sau đại dịch. Nghiên cứu được thực hiện ở 34 quốc gia chủ yếu là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới, chiếm 1,4 tỷ người.

Cũng theo nghiên cứu, so với nam giới, phụ nữ có nguy cơ mất việc cao hơn 9%. Khoảng cách tương tự giữa những người lao động có trình độ đại học và những người lao động có trình độ tiểu học trở xuống. Những người lao động trẻ và lớn tuổi cũng chịu tác động nhiều hơn so với những người lao động ở độ tuổi lao động.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch, nhiều nước đang phát triển đã triển khai các khoản trợ cấp xã hội khẩn cấp. Tuy nhiên, những khoản trợ cấp này vẫn chưa đủ để bù đắp tác động của đại dịch.

Khảo sát cũng cho thấy, các quốc gia có thu nhập thấp chỉ chi khoảng 6 USD (khoảng 139 nghìn đồng) cho mỗi người để hỗ trợ xã hội liên quan đến Covid-19. Các quốc gia có thu nhập trung bình thấp chi trung bình 26 USD (khoảng 600 nghìn đồng) cho mỗi người.

Hậu quả là, tác động của Covid-19 đã khiến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, khiến 2/3 số hộ gia đình bị mất thu nhập. Tình trạng càng trầm trọng hơn đối với các hộ gia đình có phụ nữ, lao động trẻ và lao động trình độ thấp, tước đoạt nhiều nhu cầu thậm chí là cơ bản nhất của nhiều người.

Bằng chứng từ nghiên cứu cho thấy, trung bình 15,3% số người được phỏng vấn cho biết, một hoặc nhiều người lớn trong gia đình đã bỏ ăn cả ngày vì thiếu nguồn lực và tỷ lệ này cao hơn ở các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi công việc và thu nhập. Ước tính toàn cầu cho thấy rằng, từ 119 đến 124 triệu người đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói vào năm 2020.

Tuy nhiên, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra tác động đáng tiếc nhất và có khả năng gây tổn hại lớn nhất của cuộc khủng hoảng phải nhìn về lâu dài. Đó là tác động của sự gián đoạn phổ biến và chưa từng có trong lĩnh vực giáo dục.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, khi các trường học trên khắp thế giới đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, 1,6 tỷ trẻ em đã phải gián đoạn việc học tập.

Việc gián đoạn được dự đoán nghiêm trọng nhất ở các nước có chỉ số vốn con người thấp kể từ ban đầu, làm gia tăng khoảng cách với các nước giàu hơn.

Ở các quốc gia cũng có sự phân hóa rõ rệt khi trẻ em ở các vùng nông thôn, sinh sống trong các hộ gia đình thu nhập thấp có cha mẹ trình độ thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng gián đoạn học tập. Mức độ ảnh hưởng này là rất lớn và có thể khiến nhiều trẻ em, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn rơi vào tình trạng bất lợi trong suốt cuộc đời.

Năm 2021, được kỳ vọng là năm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu, do tác động của đại dịch không đồng đều nên rủi ro phục hồi giữa các quốc gia cũng không đồng đều. Bằng chứng từ các cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, phụ nữ không có trình độ và lao động trẻ sẽ trở lại làm việc với tốc độ chậm hơn so với các nhóm khác.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tác động của đại dịch là không đồng đều, nhất là ở các quốc gia có tình trạng bất bình đẳng lớn, những điều kiện cơ bản như giáo dục, nước sạch, điện...được quyết định bởi các yếu tố như vị trí, hoàn cảnh hay mức độ giàu có của gia đình.

Ở các quốc gia này, đại dịch còn khắc sâu thêm tình trạng bất bình đẳng, trừ khi các quốc gia có hành động nhanh chóng.

Trong khó khăn đại dịch cũng mang lại những cơ hội về cải cách chính sách, giải quyết được các rào cản liên quan đến bất bình đẳng tồn tại trước khủng hoảng như tiếp cận học tập, y tế, việc làm tốt, dịch vụ chăm sóc trẻ em...

Những chính sách sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực ngắn hạn đối với các hộ gia đình và người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhất, chúng cũng có thể thúc đẩy sự phục hồi toàn diện và tăng cường khả năng chống chịu của người dân đối với các khủng hoảng trong tương lai thông qua việc tiếp cận tốt hơn các cơ hội cho tất cả mọi người.

(theo World Bank)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/world-bank-covid-19-dang-khoet-sau-them-tinh-trang-ngheo-doi-va-bat-binh-dang-141574.html