Xã luận: Kỳ vọng mới vào quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

Từ ngày 4 đến 6-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc theo lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk-yeol.

Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, đồng thời là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tới Hàn Quốc kể từ khi nước này có Tổng thống mới.

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22-12-1992. Tháng 8-2001, hai nước ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ 21; đến tháng 10-2009, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc được nâng cấp lên thành đối tác hợp tác chiến lược. Hiện các cơ quan của Việt Nam và Hàn Quốc đang tích cực phối hợp triển khai các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Nhìn lại 3 thập kỷ qua sẽ thấy những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, với nhiều thành tựu quan trọng, thực chất và hiệu quả. Những năm gần đây, hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương cả trực tuyến và trực tiếp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục được duy trì. Sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol lên nắm quyền, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có các cuộc điện đàm quan trọng, trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Han Duck-soo. Hai bên cũng đang duy trì các cơ chế: Đối thoại chiến lược ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng, Đối thoại an ninh Việt-Hàn cấp Thứ trưởng và Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Hàn cấp Thứ trưởng. Lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc luôn khẳng định Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong triển khai chính sách đối ngoại tại khu vực Đông Nam Á và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc.

Ảnh minh họa / Vietnamplus.

Ảnh minh họa / Vietnamplus.

Những dấu ấn và thành tựu hợp tác hiệu quả giữa hai nước cũng đang hiện hữu trong đời sống kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương của Việt Nam. Tính lũy kế đến tháng 9-2022, Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam với mức 80,52 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Về hỗ trợ phát triển (ODA), Hàn Quốc đứng thứ hai trong các nước cung cấp ODA cho Việt Nam khi đã hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) cho giai đoạn 2012-2015 và 1,5 tỷ USD cho giai đoạn 2016-2020. Về thương mại, Hàn Quốc đứng thứ ba về hợp tác thương mại với Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 66,65 tỷ USD (2019), 65 tỷ USD (2020) và 78 tỷ USD (2021). Đến nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt ở 59 địa phương của Việt Nam.

Cùng với đó, hai bên đã triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như: Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), duy trì kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, hướng đến mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030. Hai nước đang tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác song phương như: Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc; Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp; Đối thoại về kinh tế cấp Phó thủ tướng Việt Nam-Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Hàn Quốc tích cực hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như: Lao động, du lịch, tư pháp, giáo dục, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật... Đa số các tỉnh, thành phố, địa phương của Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc. Theo thống kê của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, hiện cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc có hơn 216.000 người, trong khi Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 180.000 kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.

Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đồng thời thúc đẩy hợp tác tại các tổ chức, diễn đàn đa phương như: Liên hợp quốc, ASEAN, APEC... cũng như các hiệp định thương mại tự do song phương mà cả Việt Nam và Hàn Quốc cùng tham gia, ký kết.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ góp phần khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam; tiếp tục đưa các mối quan hệ song phương, trong đó có quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đi vào chiều sâu, đồng thời tạo thế đan xen lợi ích, tăng độ tin cậy.

Chuyến thăm cũng mang theo sự tin tưởng và kỳ vọng lớn lao về việc tiếp tục vun đắp tình cảm tốt đẹp, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau của lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước, từ đó góp phần đưa các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc bước sang một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xa-luan-ky-vong-moi-vao-quan-he-viet-nam-han-quoc-712903